Nhà vườn lo hoa Tết bán không được giá

03:11, 30/11/2020
.
(Baoquangngai.vn)- Người trồng hoa cúc ở Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) đang vừa chăm cây vừa lo Covid-19 và mưa bão diễn biến khó lường khiến hoa Tết không được người dân đón nhận.
[links()]
Như mọi năm thời điểm này, gia đình anh Nguyễn Tân đã xuống giống hơn 300 chậu hoa cúc với đủ kích cỡ nhưng năm nay anh Tân chỉ trồng vỏn vẹn 100 chậu kích cỡ trung bình. “Năm nay dịch bệnh khó lường, nên thị trường hoa Tết cũng bấp bênh khó đoán”, anh Tân nhận định. 
 
Tương tự là hộ của ông Phạm Thọ, vụ cúc năm trước ông trồng gần 600 chậu nhưng năm nay chỉ còn 380 chậu với đường kính từ 50-55cm. Vừa rồi mưa lụt bị ngập úng gần 40% với lại năm nay bệnh nấm lá lây lan nhanh làm rụng lá nhiều nên khả năng cây không đẹp bằng năm trước, kéo theo giá sẽ thấp, ông Thọ nói.
 
bệnh nấm trên lá cây hoa cúc
Bệnh nấm trên lá cây hoa cúc
 
Giảm số lượng, hạn chế trồng những chậu hoa kích thước lớn vì lo ngại đại dịch khiến kinh tế có phần ảm đạm dẫn đến thị trường khó tiêu thụ hơn, đó là tâm lý của hầu hết những người trồng hoa ở xã Nghĩa Hiệp. Thêm vào đó, cùng với Quảng Ngãi thì nhiều tỉnh miền Trung vừa phải hứng chịu liên tục các đợt mưa bão nên sức mua dự đoán giảm và tâm lý tiết kiệm chi tiêu sẽ phổ biến trong xã hội.
 
Đối với người trồng hoa cúc, Tết được coi là vụ chính trong năm. Những năm gần đây, thị trường hoa Tết có phần phập phù vì hoa cúc Nghĩa Hiệp phải cạnh tranh với nguồn hoa đến từ các thị trường khác trong nước cũng như nhập khẩu. Tuy nhiên, vì là nơi có truyền thống trồng hoa cúc lâu đời nên bạn hàng tin tưởng, một số hộ dân ở đây lạc quan năm nay vẫn đảm bảo được đầu ra lẫn giá. 
 
Tuy đã có mối đặt hàng nhưng vẫn lo, vì thương lái chỉ chọn những chậu bông đẹp, còn các chậu không bắt mắt thì chủ vườn đành phải mang ra chợ bán với giá thấp, cộng với thời tiết năm nay thất thường nên khả năng tỉ lệ bông như ý chắc thấp hơn năm trước, anh Võ Đình Đà, nói nhưng thừa nhận đang rất thấp thỏm.
 
Người trồng hoa cúc thận trọng với thị trường Tết
Người trồng hoa cúc thận trọng với thị trường Tết
 
Nghĩa Hiệp có khoảng 700 hộ trồng hoa cúc, trung bình mỗi hộ trồng khoảng 500 chậu, đến dịp Tết xuất ra khoảng 350.000 chậu hoa các loại. Năm nay do ảnh hưởng của covid, bão lũ nên tâm lý chủ vườn e ngại vì thị trường sẽ khó nên sản lượng có giảm và dự đoán đây là năm đầy khó khăn cho người trồng hoa cúc, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp Võ Thị Thịnh, cho biết.
 
Nghĩa Hiệp được coi là vựa hoa cúc lớn nhất nhì ở miền Trung, vào vụ hoa Tết thương lái đến thu mua rồi cung cấp cho thị trường tại chỗ và các tỉnh. Tuy số hộ trồng hoa phục vụ thị trường Tết năm nay không có biến động lớn nhưng có sự thay đổi lớn về sản lượng. Qua khảo sát, dự đoán kinh tế ảm đạm nên nhiều chủ vườn không dám mạnh dạn đầu tư lớn trồng thêm các giống hoa khác, chính vì đó mà sự đa dạng về chủng loại hoa cũng kém hơn những năm trước.
 
Theo các nhà vườn, hoa cúc tuy không tốn quá nhiều vốn nhưng cần công chăm sóc thường xuyên. “Chi phí giống phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều ghi nợ ở đại lý, khi xong vụ Tết mới đủ khả năng thanh toán. Nhưng đó là năm mưa thuận gió hòa thị trường ưa chuộng chứ như năm 2009, 2013 bị lũ ngập úng hoàn toàn thì nhà vườn đều phải ôm nợ, hy vọng vụ cúc năm sau được giá để trả hết nợ”, ông Thọ chia sẻ.
 
người dân chọn trồng những chậu có kích thước trung bình
người dân chọn trồng những chậu có kích thước trung bình
 
Hoa tươi nói chung và hoa cúc nói riêng không phải mặt hàng tiêu dùng thiết yếu nên nếu những tháng cuối năm Covid-19 bùng phát trở lại, thị trường và tâm lý tiêu dùng của người dân lập tức có sự thay đổi, lưu thông hàng hóa cũng sẽ bị ảnh hưởng.
 
Hoa cúc không phải là hoa cao cấp mà hiện nay có rất nhiều địa phương khác đã trồng được thậm chí là ở các tỉnh khác cũng phát triển mạnh. Những năm gần đây nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển sang trồng những giống hoa khác như bông hồng, cúc mâm xôi, mồng gà,…đây là cách làm mới ở địa phương, Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Hiệp Trần Văn An, cho biết.
 
Đ.TƯƠI
 

.