Thương mại điện tử: Phát triển nhanh, khó quản lý

09:05, 08/05/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sau đại dịch Covid-19, ngành thương mại điện tử (TMĐT) được đánh giá là "trưởng thành hơn", bởi phương thức mua, bán trực tuyến tăng vọt. Tham gia giao dịch TMĐT gần như đã trở thành thói quen của nhiều người, nhưng việc quản lý nhà nước đối với hoạt động này vẫn chưa theo kịp.
Thương mại điện tử "lên ngôi"
 
Năm 2020, Bộ Công thương đã chọn chủ đề "thương mại điện tử" để tuyên truyền trong Ngày Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam (15.3). Đại dịch Covid-19 xảy ra, ngay lập tức giao dịch thương mại được ngành công thương "khuyến khích mua, bán trực tuyến" trong thời điểm cách ly xã hội. Thực tế, TMĐT, cụ thể là mua bán online đã giải quyết khá tốt các yêu cầu của Chính phủ trong điều kiện cách ly, đảm bảo giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. 
 
Mua sắm trực tuyến đang trở thành thói quen của người tiêu dùng.
Mua sắm trực tuyến đang trở thành thói quen của người tiêu dùng.
Thống kê tại các siêu thị lớn trên địa bàn tỉnh, mua hàng trực tuyến trong tháng 4.2020 đã chiếm hơn 50% tổng lượng hàng hóa bán ra. Đó là chưa kể những kênh bán hàng qua mạng nhỏ lẻ, tự phát. Không chỉ giới trẻ, mà cả những người lớn tuổi; không chỉ mua hàng thời trang, mỹ phẩm, mà cả thực phẩm thiết yếu, đồ ăn vặt... đều "đặt hàng qua mạng, giao hàng tận nhà".
 
Theo Sở Công thương, sau nhiều năm tuyên truyền, tổ chức khuyến khích người dân tham gia phát triển kênh TMĐT, thì đây là lúc thực tế đã chứng minh tính đúng đắn, cần thiết của lĩnh vực này đối với đời sống xã hội. Người tiêu dùng đã quen dần với mua sắm trực tuyến. Chất lượng dịch vụ, giá cả hàng hóa có thể cạnh tranh với các hình thức mua, bán khác, mang lại tiện ích và sự hài lòng thực sự cho người tiêu dùng lẫn người kinh doanh online. Tất cả các đơn hàng xuất, nhập khẩu lớn vào tỉnh trong thời điểm dịch Covod-19 đều giao dịch bằng các kênh TMĐT.
 
Quản lý nhà nước chưa theo kịp
 
Sở Công thương hiện đang tiến hành nghiên cứu đề tài khoa học thực tiễn về TMĐT một cách toàn diện. Tuy nhiên, thực tế nghiên cứu đề tài này đã gặp nhiều khó khăn, gợi mở nhiều vấn đề trong công tác quản lý TMĐT cho cơ quan nhà nước. Các chuyên viên được giao nhiệm vụ tiếp cận, nghiên cứu đề tài này cho rằng, đây là lĩnh vực mới, phát triển nhanh, bùng nổ mạnh trong đầu năm 2020. Đó là sự mua bán sản phẩm, dịch vụ trên hệ thống điện tử và mạng máy tính. Ở khía cạnh thông thường, TMĐT được xem là kinh doanh điện tử, bao gồm cả việc trao đổi dữ liệu liên quan đến nguồn tài chính và thanh toán qua mạng. Đây là lĩnh vực bao quát rộng, chuyên môn quản lý thuộc về nhiều ngành, lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực quản lý thuế, chứ không chỉ riêng ngành công thương.
 
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thuế, năm 2019, doanh thu từ TMĐT đạt khoảng 2,84 tỷ USD, tăng 25% so với 2018. Thương mại điện tử phát triển, ngay lập tức Luật Quản lý thuế 2019 ra rời (có liệu lực từ ngày 1.7.2020), đã có quy định về quản lý chặt chẽ hơn đối với hoạt động TMĐT, trong đó bao gồm cả quản lý TMĐT xuyên quốc gia liên quan đến xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ. Hiện nay, ngành thuế Quảng Ngãi cũng đang chờ những cơ sở pháp lý cụ thể, nhất là Luật Quản lý thuế có hiệu lực để có giải pháp quản lý thuế hiệu quả trong lĩnh vực TMĐT...
 
"Sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan với ngành công thương để tìm ra giải pháp phù hợp, đúng quy định của pháp luật, nhằm quản lý chặt chẽ, tạo điều kiện cho hoạt động TMĐT phát triển lành mạnh là rất cần thiết trong lúc này", Giám đốc Sở Công thương Võ Đình Trà nhận định.
 
Bài, ảnh: THANH NHỊ
 
 
 

.