Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Những vấn đề đặt ra

02:11, 02/11/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Ngành công nghiệp (CN) Quảng Ngãi đang đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế của tỉnh và hiện có quy mô lớn nhất các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (chiếm trên 40% giá trị CN của vùng). Tuy nhiên, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của tỉnh trong thời gian qua vẫn còn manh mún và bất cập.
TIN LIÊN QUAN

Những kết quả bước đầu

Nằm ở vị trí chiến lược trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Quảng Ngãi có thế mạnh là cửa ngõ quan trọng cho xuất, nhập khẩu hàng hóa trong nước và quốc tế, với hệ thống giao thông đồng bộ, bảo đảm thuận lợi cho đầu tư phát triển như đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Quốc lộ 24 nối liền với các tỉnh Tây Nguyên và Nam Lào; sân bay Chu Lai, Cảng biển nước sâu Dung Quất có thể tiếp nhận tàu đến 200.000 tấn.
Lợi thế về hạ tầng giao thông, cảng biển nước sâu Dung Quất rất thích hợp cho phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Lợi thế về hạ tầng giao thông, cảng biển nước sâu Dung Quất rất thích hợp cho phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Trong giai đoạn từ năm 2011-  2018, kinh tế của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực trên nhiều mặt. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng bình quân 7,3%/năm. Tỷ trọng vốn đầu tư ngành công nghiệp tăng mạnh, từ 43% lên 70%; tổng vốn đầu tư tăng trưởng rất nhanh, riêng trong 2 năm 2017 - 2018, tăng từ 22.580 tỷ đồng lên đến 42.978 tỷ đồng. Giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng từ 252,4 triệu USD lên 591,2 triệu USD (tăng 10,2%/năm). Tính đến cuối năm 2018, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 52,61%; dịch vụ 29,51%; nông, lâm nghiệp và thủy sản 16,81% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Giai đoạn 2011 – 2015, ngành CNHT phát triển manh mún, chưa có nhiều đóng góp trong giá trị CN của tỉnh. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, các sản phẩm CNHT của tỉnh đã có sự phát triển đáng kể, có vai trò ngày càng quan trọng. Bước đầu Quảng Ngãi đã hình thành được một số ngành CNHT trong các lĩnh vực: Cơ khí - chế tạo; dệt may - da giày; điện tử; chế biến gỗ, giấy... Các ngành CNHT cũng đã cung cấp nhiều loại nguyên vật liệu, linh kiện góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của một số sản phẩm như máy móc thiết bị điện, cơ khí, điện tử, sản phẩm may mặc, giày dép...

Ngoài ra, kết cấu hạ tầng đã từng bước được đầu tư và hoàn thiện. Đặc biệt, KKT Dung Quất (trọng tâm là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất), KCN Tịnh Phong, KCN Quảng Phú, KCN - Đô thị - Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi đã có những đóng góp quan trọng, tạo động lực mới và mở ra cơ hội lớn cho sự phát triển CNHT của tỉnh.

"Ngành CNHT Quảng Ngãi cần phát triển theo mô hình chiến lược hỗn hợp, trong đó thiên về “chiến lược kéo” nhằm thúc đẩy hoạt động liên kết sản xuất giữa các DN lớn với DN nhỏ và vừa, giữa DN FDI với DN trong nước để chia sẻ nguồn lực phát triển, giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của từng DN và của toàn ngành. Ngoài ra, tăng cường khả năng liên kết giữa Quảng Ngãi với các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong phát triển CNHT, tập trung vào một số hoạt động như xúc tiến đầu tư; đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ”.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh NGUYỄN TĂNG BÍNH

Vấn đề đặt ra

Tiến sĩ Dương Đình Giám – Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam nhận định: Mặc dù có sự phát triển trong những năm gần đây, nhưng các ngành CNHT của Quảng Ngãi mới chỉ ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển. Sản xuất thành phẩm dựa trên các nguyên liệu, phụ liệu, linh kiện nhập khẩu chiếm tỷ lệ lớn; một số ngành CN vẫn đang sử dụng 100% nguyên vật liệu, linh kiện nhập khẩu do CNHT chưa đáp ứng được nhu cầu. Số lượng doanh nghiệp (DN) CNHT trên địa bàn tỉnh còn ít, quy mô nhỏ, năng lực sản xuất, vốn, công nghệ còn hạn chế. Phần lớn các DN CNHT trên địa bàn tỉnh chưa tham gia được vào chuỗi cung ứng của các DN FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Tỷ lệ nội địa hóa trong cơ cấu giá trị sản phẩm chiếm tỷ trọng thấp...

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính cho rằng: Các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có tiềm năng, thế mạnh gần như nhau, nên trong quá trình phát triển CNHT không thể tránh khỏi sự cạnh tranh, kìm hãm lẫn nhau. Cuộc cách mạng CN lần thứ tư đang có tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội toàn cầu, đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải thể hiện được vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt, định hướng, hỗ trợ các DN nâng cao khả năng thích ứng, đón đầu các xu thế trong tình hình mới.

Đồng thời, cần xây dựng, ban hành và thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm nâng cao năng lực các doanh nghiệp CNHT trên địa bàn; tăng cường đào tạo lao động, nhất là lao động có chất lượng cao và huy động các nguồn lực để tổ chức cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ xã hội sau đầu tư, đáp ứng nhu cầu của DN CNHT.


Bài, ảnh: PHẠM DANH

 

.