Trồng cây dại, hái ra tiền

02:10, 23/10/2019
.

“Nhà Bè nước chảy chia hai

 Ai về Gia Định Đồng Nai thì về” ( ca dao)

(Baoquangngai.vn)- Lần đầu tiên được đi ca nô trên sông Sài Gòn, tôi không ngờ đoạn ngã ba sông “Nhà Bè nước chảy chia hai” này lại rộng đến như thế. Cứ như mình đang đi trên sông Tiền hay sông Hậu. Không chỉ rộng lòng sông, mà hai bờ sông còn đẹp tới mức mình ngơ ngác.

Một vẻ đẹp hoang sơ, với những rừng dừa nước, cây đước, cây mắm… Và rất nhiều chim, đủ loại chim kêu hót. Bỗng sợ, nếu một ngày công nghiệp hóa tràn tới hai bờ sông này, liệu vẻ hoang sơ ấy có còn? Với thiên nhiên, nhiều khi sự giàu có của con người là một thảm họa. Lại bê tông hóa, lại sắt thép và cao ốc, lại… Rất chán.

Nhờ anh Phong, chủ xe bus-sông và taxi-sông, vợ chồng nhạc sĩ Trần Tiến và tôi có được cuộc đi chơi sông thú vị này. Hai đứa cháu nội sinh đôi mới 4 tuổi của tôi cũng được một chuyến đi chơi sung sướng mà trước đó chúng chưa hề có.

Bông điên điển
Bông điên điển

Thật ra trẻ con, cho đi chơi sông cũng hơi ngại, nhưng sức hút của dòng sông đã làm mờ nỗi sợ kia. Khi đi vào đoạn lạch sâu hun hút, anh Trần Tiến đã thốt lên:“ cứ như đang đi trong rừng Amazon!” Đúng thế thật, dù tôi cũng chưa một lần được đi trong rừng Amazon. Nhưng những tác phẩm văn học đây đó đã giúp tôi cái trải nghiệm gián tiếp này.

Hóa ra, ngay cạnh Sài Gòn vẫn còn nhiều vùng thiên nhiên hoang dã không thua miền Tây Nam Bộ. Bìm bịp lại gõ nhịp trên sông nước Nhà Bè, vẫn một nhịp điệu từ xa xưa. Lục bình vẫn trôi, như những người hành hương màu xanh. Về đâu thì về, có chi mà ngại. Lục bình chính là thân phận của những lưu dân, nghèo mà vẫn xanh tươi.

Trong chiến tranh, tôi đã từng đi xuyên đồng Tháp Mười như một lưu dân, chỉ có điều, chúng tôi được những giao liên can đảm và tận tâm dẫn đường. Và đi không phải để mở đất, mà để góp phần cùng bà con giữ đất. Thì giữ đất nước mình ấy mà.

Ngày qua Tháp Mười, chúng tôi chèo xuồng bơi miên man giữa những đồng sen hương bay bát ngát, qua cơ man nào là những đồng bông điên điển nở hoa vàng thắm:

                                    “Bông điên điển mở cánh vàng nóng hổi
                                     là nắng chiều đẫm lại giữa lòng tay”

                                                       (“Một người lính nói về thế hệ mình”-1973)

Những ngó sen, bông súng, bông điên điển với chúng tôi hồi ấy là những thứ thực phẩm trời cho rất ngon lành. Đồng Tháp mùa nước nổi không thiếu cá, càng không thiếu những món phụ phẩm hoang dại tuyệt vời để nấu với cá.

Bây giờ, tất cả những món phụ phẩm ấy đã trở thành chính phẩm, đã thành đặc sản cho các nhà hàng, và thành “của kho vô tận” cho bà con nông dân Tháp Mười khai thác, thành sinh kế mang lại thu nhập ổn định cho bà con.

Ngày xưa, tất cả các loại cây hoang dại, kể cả lúa “ma” trên đồng Tháp Mười đều mọc lên theo con nước, nước dâng lên tới đâu cây mọc theo tới đó. Bây giờ, đang có báo động về biến đổi khí hậu, đe dọa cây lúa là cây lương thực chủ lực của đồng bằng sông Cửu Long.

Nhưng, đồng bằng phì nhiêu này không chỉ có cây lúa. Còn bao nhiêu loài cây, loài rau hoang dại giờ đã lên ngôi “đặc sản”, nghĩa là có giá trị cao, mang lại tiền bạc nếu khai thác chúng hợp lý. Bà con Đồng Tháp đã chủ động trồng cây điên điển để hái hoa bán. Bông súng hay bông sen cũng được trồng để cho thu nhập.

Có một loại cây họ dây mọc hoang gọi là dây choại, hồi chiến tranh chúng tôi hay hái đọt choại ăn thay rau, bây giờ cũng thành đặc sản, bán tốt. Rồi cây so đũa, rồi các loại rau dại mọc ven bờ sông, bên bờ kênh rạch… Tất thảy đều trở thành đặc sản, như được cây đũa thần chạm đến.

Nếu bà con nông dân trồng tất cả các loại cây các loại rau hoang dại ấy, trồng nhưng để chúng mọc và lớn lên tự nhiên, không phân hóa học hay thuốc trừ sâu, thì đó sẽ là những loài cây chống biến đổi khí hậu cực tốt và mang lại thu nhập rất bền vững cho nông dân. Diện tích trồng lúa có thể thu hẹp, nhường chỗ cho các loại cây, rau “đặc sản hoang dại” hiện đang rất “hot” trên thị trường.

Trồng cây hoang dại kết hợp làm du lịch sinh thái, đó chẳng phải là một ý tưởng vừa khả thi, vừa tuyệt vời hay sao?

Câu thiệu “Trồng cây dại, hái ra tiền” từ đồng bằng sông Cửu Long có thể thành một “slogan” cho miền Trung, trong đó có Quảng Ngãi. Một số loại rau dại mọc trên núi rừng Sơn Hà, Trà Bồng như rau dớn, ớt xiêm…đã tìm đường đàng hoàng vào siêu thị và rất được người tiêu dùng hoan nghênh.

Những vùng đất núi rừng và bán sơn địa ở Quảng Ngãi có thể trở thành những vùng chuyên canh trồng các loại rau dại có thể bán như những loại rau đặc sản. Và rất cần quảng bá trên truyền thông, đặc biệt là trên mạng xã hội để người tiêu dùng biết mà mua.

Hoang dại, thực ra là tự nhiên, một tố chất từ nay được đặc biệt ái mộ bởi ý thức hướng về thiên nhiên trong sạch đang được đông đảo người dân hưởng ứng. Các loại rau dại ăn được lên ngôi trong siêu thị hay các nhà hàng, trong các bếp ăn gia đình bởi xã hội văn minh đã nhận ra chân giá trị của chúng. “Trồng rau dại, hái ra tiền” là như vậy./.     

Thanh Thảo


.