Ứng phó với dịch tả heo Châu Phi: Cần lập chốt kiểm dịch, kiểm soát thông tin

04:03, 18/03/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Dịch tả heo Châu Phi (ASF) hiện đã xuất hiện tại 17 tỉnh, thành trong cả nước, với trên 23,4 nghìn con heo bị chết và tiêu hủy. Bệnh ASF đang có nguy cơ lây lan và bùng phát trên diện rộng. Vì vậy, ngành chuyên môn và chính quyền các địa phương trong tỉnh đang chủ động, tích cực triển khai các biện pháp ứng phó.
TIN LIÊN QUAN
Cần lập chốt kiểm dịch động vật tạm thời

Vận chuyển heo bệnh, sản phẩm từ thịt heo bệnh là một trong những nguyên nhân chính gây phát tán vi rút gây bệnh ASF. Tuy nhiên, các phương tiện vận chuyển heo, sản phẩm từ thịt heo từ Bắc vào Nam chủ yếu lưu thông trên tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, không qua Trạm Kiểm dịch động vật Dốc Sỏi (Bình Sơn), nên phải vào tận Trạm kiểm dịch động vật Đức Phổ, xe mới được kiểm tra và phun thuốc tiêu độc khử trùng.

Theo chính quyền các địa phương, mặc dù các tỉnh phía bắc kiểm soát chặt, nhưng vẫn không loại trừ có xe vận chuyển heo, sản phẩm từ thịt heo mắc bệnh, nghi mắc bệnh vượt hoặc né trạm kiểm dịch động vật ở các tỉnh, để lọt vào tỉnh ta. “UBND tỉnh cần lập các chốt kiểm dịch động vật tạm thời, để kịp thời phát hiện và ngăn chặn dịch. Đồng thời, cần có những quy định rõ ràng, chặt chẽ và thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của các chốt kiểm dịch này”, lãnh đạo UBND huyện Mộ Đức đề xuất.

Được biết, ngay sau khi Nghệ An công bố xuất hiện ổ dịch ASF, thì các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh không chỉ lập thêm trạm kiểm dịch động vật tạm thời mà còn thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh, để kịp thời nắm bắt và chỉ đạo công tác ứng phó với dịch ASF.   

Ngoài ra, chính quyền các địa phương cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi và các trang trại, gia trại chăn nuôi heo tuyệt đối tuân thủ theo chỉ dẫn của ngành chuyên môn, chủ động phối hợp để triển khai các biện pháp ứng phó. Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng đã cấp trên 7 nghìn lít hóa chất Benkocid do trung ương hỗ trợ cho các huyện, thành phổ, để tổ chức tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi đợt 1 năm 2019.
Người chăn nuôi cần thực hiện phương châm “5 không”
Không dấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý, để cùng cơ quan chức năng khống chế, dập dịch. Bên cạnh đó, người chăn nuôi phải thường xuyên thực hiện biện pháp vệ sinh, tiêu độc khử trùng xung quanh chuồng trại; tích cực tiêm vắc xin phòng các bệnh cho heo...

Xử lý nghiêm những thông tin sai lệch

Bệnh ASF diễn biến phức tạp, liên tiếp phát hiện những ổ dịch mới, khiến người chăn nuôi heo hoang mang. Nhiều hộ còn bán tháo đàn heo để bảo toàn vốn, vì sợ heo nhiễm bệnh ASF sẽ chết hoặc bị tiêu hủy 100%. Lợi dụng tình hình này, tư thương đã ép giá, khiến giá heo hơi giảm từ 50 nghìn đồng/kg, còn 42 – 45 nghìn đồng/kg. Đặc biệt, khi Nghệ An công bố xuất hiện dịch ASF, thì giá heo khu vực miền Trung giảm mạnh, có thời điểm còn dưới 39 nghìn đồng/kg heo hơi. Xảy ra tình trạng này, một phần vì người tiêu dùng lo lắng, hạn chế sử dụng thịt heo; một phần do những thông tin thất thiệt trên các trang mạng xã hội về bệnh ASF.

Mặc dù Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế khẳng định, bệnh ASF không lây sang người, nhưng một số cá nhân vì kém hiểu biết (hoặc vì lợi ích riêng) đã phát tán những thông tin sai lệch, gây ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi, thậm chí có nguy cơ đẩy người chăn nuôi rơi vào cảnh thua lỗ. Vì vậy, cùng với việc triển khai các biện pháp chống bệnh ASF, các ngành chức năng cần kiểm soát và xử lý nghiêm những đối tượng tung tin đồn sai lệch về bệnh ASF .

MỸ HOA

 

.