Vào cuộc đua mới

10:11, 20/11/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Việc tham gia và sớm phê chuẩn Hiệp định CPTPP (Việt Nam là nước thứ 7 trong số 11 nước tham gia Hiệp định) giúp nước ta thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.

TIN LIÊN QUAN

Trong khi chờ hoàn thành thủ tục phê chuẩn Hiệp định CPTPP và thông báo thời điểm có hiệu lực đối với Việt Nam, thì các địa phương và doanh nghiệp cần phải nhanh chóng triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP.
 

 

Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại. Trước đây, chúng ta đã tham gia AFTA, rồi WTO và các hiệp định thương mại với các đối tác lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản, EEC (Liên minh kinh tế Á – Âu)... Tuy nhiên, mỗi Hiệp định thương mại luôn có những điểm riêng, những cơ hội và thách thức không hề giống nhau.

Việt Nam có cơ hội lớn khi tham gia CPTPP như thị trường lớn hơn, ưu đãi hơn, cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam với 10 nước còn lại bổ sung nhiều hơn là cạnh tranh. Cơ hội lớn cho chúng ta là thuế quan sẽ hỗ trợ cho ngành may mặc, da giày, đồ uống, chế biến-những lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh. Đặc biệt, việc tham gia CPTPP cũng giúp Việt Nam tiếp tục đổi mới chính sách, tăng cường hội nhập, phát triển... Tuy nhiên, những lo ngại đặt ra khi tham gia CPTPP là các vấn đề như thiết chế lao động, mua sắm công, quản lý doanh nghiệp nhà nước, quyền sở hữu trí tuệ... Và nhất là, chúng ta sẽ gặp thách thức trong chăn nuôi, trồng trọt, khi mà lĩnh vực này chúng ta còn nhiều hạn chế.

Theo dự báo thì xuất khẩu, nhập khẩu sẽ tăng và theo đó GDP sẽ tăng sau khi chúng ta ký CPTPP. Với Quảng Ngãi, việc nước ta sớm tham gia Hiệp định này sẽ tạo thuận lợi để tỉnh ta phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ USD (đến năm 2020) như Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra. Năm 2018, dù kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng 18% so với năm 2017 và vượt 20% kế hoạch năm, nhưng chỉ mới đạt 540 triệu USD. Vì thế, để đạt mục tiêu đề ra, cần có sự nỗ lực lớn từ các doanh nghiệp và sự hỗ trợ có hiệu quả của các ngành, địa phương liên quan.

Với CPTPP, doanh nghiệp trong nước cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh, triển khai ứng dụng khoa học công nghệ để tạo ra sản phẩm có thể cạnh tranh được trên thị trường quốc tế và ngay cả trên sân nhà.

Cùng với đó, chúng ta phải tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, đồng thời có các cơ chế  giúp các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, để tạo ra được những sản phẩm nông nghiệp cạnh tranh.


HOÀNG TRIỀU
 


.