Gỡ khó cho "tàu 67"

04:07, 11/07/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hầu hết tàu vỏ gỗ đóng mới theo Nghị định 67 (nay là Nghị định 17) đều hoạt động khá hiệu quả, thì 11 chiếc tàu vỏ thép lại gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, bên cạnh nỗ lực của mình, ngư dân mong muốn các ngành chức năng tháo gỡ khó khăn, giúp họ yên tâm bám biển.

TIN LIÊN QUAN

Ngư dân phải thực hiện đúng quy trình, thủ tục

Tàu vỏ thép hoạt động trong môi trường nước biển, nên vỏ dễ bị ăn mòn, cần được duy tu, bảo dưỡng định kỳ để đảm bảo an toàn, cũng như hiệu quả khai thác cho ngư dân. Tuy nhiên, đến thời điểm này, 11 chiếc tàu vỏ thép trên địa bàn tỉnh hoạt động trên 1 năm vẫn chưa được hưởng chính sách hỗ trợ chi phí duy tu, sửa chữa theo Nghị định 67.

Ngư dân Võ Văn Hân, xã Bình Châu (Bình Sơn), cho biết: Ra khơi 8 chuyến thì 7 chuyến tàu bị trục trặc, rồi thân tàu bị ăn mòn quá nhanh, nên cuối năm 2017, tôi phải bỏ ra hơn 200 triệu đồng để bảo dưỡng. Tôi có gửi hồ sơ đến các ngành chức năng, mong được hưởng chính sách, nhưng đến giờ vẫn chưa có câu trả lời.

Tàu vỏ thép của ngư dân Võ Văn Tình, xã Bình Đông (Bình Sơn) đã đến hạn duy tu, nhưng chưa hoàn thành thủ tục để được thụ hưởng chính sách.                                                Ảnh: T.L
Tàu vỏ thép của ngư dân Võ Văn Tình, xã Bình Đông (Bình Sơn) đã đến hạn duy tu, nhưng chưa hoàn thành thủ tục để được thụ hưởng chính sách. Ảnh: T.L


Không chỉ ông Hân, mà 10 chủ tàu vỏ thép trên địa bàn tỉnh cũng đang lo lắng, vì tàu đã quá hạn duy tu, bảo dưỡng. “So với tàu vỏ gỗ, chi phí duy tu, sửa chữa của tàu vỏ thép quá lớn, nên chúng tôi khó có khả năng chi trả. Chính vì vậy, nếu Nhà nước không thực hiện chính sách hỗ trợ, ngư dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí phải neo tàu”, ngư dân Trương Văn Chín, xã Phổ Quang (Đức Phổ), bày tỏ.    

Trong khi đó, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Lê Văn Sơn, cho rằng: “Ngư dân không thực hiện đúng và đủ hồ sơ, thủ tục thì làm sao chúng tôi tham mưu các ngành chức năng xem xét, giải quyết”.

Xác định 11 chiếc tàu vỏ thép đã đến hạn duy tu, sửa chữa, nên Chi cục Thủy sản tỉnh đã gửi cho các chủ tàu vỏ thép hồ sơ và hướng dẫn họ thực hiện các trình tự thủ tục. Song, đến thời điểm này, Chi cục Thủy sản tỉnh vẫn chưa nhận được bất kỳ bộ hồ sơ nào của ngư dân. Riêng ngư dân Võ Văn Hân đã gửi hồ sơ cho Phòng NN&PTNT huyện Bình Sơn, đơn vị này có nhiệm vụ chuyển đến Chi cục Thủy sản tỉnh, để đơn vị kiểm tra, trình Sở NN&PTNT và UBND tỉnh xem xét.

Cần giám sát bảo hiểm tàu cá

Hơn 2 năm “tàu 67” đi vào sản xuất, chính sách hỗ trợ chủ tàu mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm tai nạn thuyền viên đã nhiều lần gián đoạn, nên cả ngư dân lẫn ngân hàng đều lo ngại. Để tháo gỡ khó khăn này, mới đây, Bộ Tài chính ban hành công văn hướng dẫn triển khai chính sách hỗ trợ chủ “tàu 67” mua bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm tai nạn thuyền viên. Theo đó, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ 100% chi phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên, 50% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu (gồm bảo hiểm mọi rủi ro đối với thân tàu, nhưng không bảo hiểm trang thiết bị đánh bắt hải sản, ngư lưới cụ trên tàu).

So với Nghị định 67, Nghị định 17 giảm mức hỗ trợ bảo hiểm và không bảo hiểm trang thiết bị, ngư lưới cụ, nhằm tăng trách nhiệm cho ngư dân. “Nếu vậy, ngư dân cũng mong các doanh nghiệp bảo hiểm sòng phẳng trong việc chi trả thiệt hại, tránh tình trạng “mua dễ, khó đòi” như thời gian qua”, ngư dân Bùi Ngọc Lành, xã Bình Châu cho biết. Theo ông Lành, dù đã cung cấp đầy đủ thủ tục, hồ sơ thiệt hại của tàu vào đầu tháng 8.2017, nhưng đến thời điểm này, Tổng Công ty Bảo Minh vẫn từ chối bồi thường thiệt hại, với số tiền 1,5 tỷ đồng. Lý do Tổng Công ty Bảo Minh đưa ra là: “Tàu QNg 90289 TS bị tàu mang số hiệu 46106 đâm hai lần liên tiếp, mỗi lần cách nhau 10 phút làm cho tàu QNg 90289 TS bị bể lái hoàn toàn, kết cấu khung sườn bị phá vỡ, nước tràn vào gây chìm. Sự cố tổn thất này xảy ra do hành động cố ý đâm chìm, phá hoại của tàu mang số hiệu 46106. Vì vậy, Bảo Minh không chịu trách nhiệm bồi thường cho sự cố này!”.

Không chỉ trường hợp tàu cá của ông Lành, mà thời gian qua, một số ngư dân trên địa bàn tỉnh cũng phàn nàn việc doanh nghiệp bảo hiểm làm khó trong quá trình thẩm định thủ tục, tỷ lệ thiệt hại để né hoặc giảm phí chi trả khi họ gặp rủi ro. Vì vậy, ngư dân rất mong các ngành chức năng có biện pháp giám sát việc thực hiện và chi trả bảo hiểm cho tàu cá.


MỸ HOA


 


.