Đột phá phát triển kết cấu hạ tầng

02:01, 03/01/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị là một trong 3 nhiệm vụ đột phá của nhiệm kỳ 2015-2020, để đưa Quảng Ngãi tăng tốc. Gần 1/2 chặng đường đi qua, thành quả đạt được rất khả quan, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh.

Năm 2017 khép lại, kinh tế của Quảng Ngãi đạt được những kết quả rất khả quan, khi hầu hết các mục tiêu đặt ra đều đạt và vượt kế hoạch. Trong đó phát triển hạ tầng giao thông, đô thị đã có bước đột phá mới.

Từng bước hoàn thiện hạ tầng

Nhìn từ trên cao, đô thị TP.Quảng Ngãi đang phát triển khá ấn tượng. Tuyến đường Trường Chinh được đầu tư ở phía nam TP.Quảng Ngãi mở ra bước ngoặt cho cả khu vực. Một khu đô thị sầm uất hình thành với những dự án bất động sản lớn đã điểm thêm sức sống mới cho cửa ngõ phía nam của đô thị trung tâm tỉnh.

Quốc lộ 24 được đầu tư đã mở ra sự kết nối giao thương giữa Quảng Ngãi và các tỉnh Tây Nguyên.        Ảnh: L. Đ
Quốc lộ 24 được đầu tư đã mở ra sự kết nối giao thương giữa Quảng Ngãi và các tỉnh Tây Nguyên. Ảnh: L. Đ

Hướng về phía đông bắc dọc theo sông Trà Khúc, một đô thị biển đang hình thành, với động lực là hai tuyến đường Hoàng Sa và Trường Sa đã tạo ra vùng không gian đô thị rộng lớn. Đêm xuống ánh đèn đường và dòng người tấp nập qua lại phần nào minh chứng sự thành công của tỉnh trong quyết định đầu tư hai tuyến đường huyết mạch, đưa đô thị phát triển về phía biển.

Ngay từ khi bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ của nhiệm kỳ mới, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ưu tiên nguồn kinh phí, để đầu tư cho hạ tầng giao thông. Nhờ đó, hàng loạt dự án giao thông đã và đang được đầu tư xây dựng, tạo thế vững chắc để Quảng Ngãi bứt phá.

Theo thống kê, từ đầu nhiệm kỳ đến nay nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh lên đến khoảng 10.000 tỷ đồng, với những công trình như nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1, xây dựng cảng Bến Đình, nâng cấp mở rộng Quốc lộ 24 (Km8-Km32), cầu Thạch Bích, cầu Trà Bồng... Ngoài ra, hàng nghìn tỷ đồng khác cũng được đầu tư vào xây dựng hạ tầng các KCN, cụm công nghiệp.

“Để Quảng Ngãi trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại và là xung lực của khu vực miền Trung-Tây Nguyên cần phải đầu tư nhiều hơn nữa vào hạ tầng giao thông, bởi giao thông là xương sống của nền kinh tế, là yếu tố then chốt quyết định sự thành công”, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh tại buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy vào giữa tháng 10.2017.

Xung lực mới của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX xác định trong 5 năm (2015-2020), để tạo sự bứt phá phải tập trung hoàn thành ba nhiệm vụ đột phá, trong đó có nhiệm vụ xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Viết Chữ, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị đã được nhấn mạnh trong Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy. Trong đó, tập trung phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, đảm bảo kết nối Quảng Ngãi với các tỉnh trong khu vực, trung tâm tỉnh với các huyện, KKT, KCN. Phấn đấu đến năm 2020, nhựa hóa, cứng hóa 100% tuyến đường tỉnh, 85% đường huyện và 65% đường xã.

Dù vậy, hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Điển hình như đô thị Quảng Ngãi, dù đang phát triển khá mạnh, nhưng yếu tố hiện đại vẫn chưa rõ ràng. Đối với hạ tầng công nghiệp, đến nay vẫn còn nhiều điểm yếu như hệ thống xử lý nước thải tập trung chưa được đầu tư bài bản, hệ thống đường nội bộ ở các KCN, KKT vẫn chưa thật sự hoàn hảo, hệ thống cảng biển vẫn chưa hút được những tàu vận tải lớn...

Trong năm 2018 và những năm tiếp theo, tỉnh sẽ đầu tư hàng loạt công trình giao thông quan trọng như: Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh (giai đoạn 2); nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 24B (đoạn qua trung tâm huyện lỵ mới Sơn Tịnh); nâng cấp đường Quảng Ngãi - Chợ Chùa; cầu cửa Đại; đường Tịnh Phong - cảng Dung Quất II (giai đoạn 1); Tỉnh lộ 623B (giai đoạn 2) và một số tuyến đường từ các xã vào các tuyến đường tỉnh...

Đối với hạ tầng đô thị, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng từng bước đồng bộ, hiện đại, đáp ứng các tiêu chí của một tỉnh công nghiệp. Ưu tiên đầu tư để Đức Phổ trở thành thị xã trực thuộc tỉnh; phấn đấu đô thị Vạn Tường, thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) mở rộng (sáp nhập thêm khu vực xã Bình Long) và thị trấn Di Lăng (Sơn Hà) cơ bản hoàn thành các tiêu chí đô thị loại IV...

Về hạ tầng KCN, KKT, huy động nguồn lực xã hội, bố trí hợp lý ngân sách nhà nước để đầu tư hoàn thiện hạ tầng KKT và các KCN của tỉnh. Có cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút các nhà đầu tư đầu tư, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN. Đồng thời, hoàn thành đưa vào sử dụng đường nối Trung tâm phía bắc và phía nam đô thị Vạn Tường, đường Trì Bình - Dung Quất; đường gom D3 và D4 KCN - Đô thị - Dịch vụ VSIP; đường số 3 KCN Tịnh Phong; khu tái định cư phục vụ dự án Nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất; đường Dốc Sỏi - sân bay Chu Lai; hạ tầng phục vụ tuyến ống dẫn khí từ huyện Núi Thành (Quảng Nam) về KKT Dung Quất...


LÊ ĐỨC

 


.