Tăng giá điện từ ngày 1.12: Dựa trên cơ sở hợp lý

08:12, 06/12/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 1.12, cùng với cả nước, Quảng Ngãi bắt đầu thực hiện quy định về tăng giá điện. Việc tăng giá điện được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng đã được tính toán trên cơ sở hợp lý. So với những lần trước, mức tăng lần này được cho là thấp hơn và thời gian duy trì giá điện ổn định cũng kéo dài hơn.

TIN LIÊN QUAN

Giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh từ ngày 1.12 với mức giá mới là 1.720,65 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Giá bán điện này tăng 6,08% so với giá bán điện bình quân trước đó là 1.622,01 đồng/kWh.

Việc điều chỉnh giá bán điện lần này được thực hiện trên cơ sở kết quả kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 đã được kiểm toán độc lập và kiểm tra bởi Tổ công tác liên Bộ, trong đó có xem xét đến các yếu tố tăng giảm chi phí đầu vào và các khoản chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 và chi phí ước thực hiện năm 2017 theo quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán điện lẻ bình quân.

 Lắp đặt công tơ điện tử trên địa bàn huyện Đức Phổ.
Lắp đặt công tơ điện tử trên địa bàn huyện Đức Phổ.


Năm 2016, sản lượng điện thương phẩm thực hiện là 159 tỷ kWh; tỷ lệ tổn thất điện năng toàn EVN là 7,57%, thấp hơn 0,13% so với kế hoạch và thấp hơn 0,37% tỷ lệ tổn thất điện năng thực tế của EVN năm 2015. Tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2016 hơn 266.000 tỷ đồng (thu nhập từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện đã được tính giảm trừ trong chi phí sản xuất kinh doanh điện); giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2016 là 1.665,29 đ/kWh.

Chi phí sản xuất kinh doanh điện tại các huyện, xã đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia được hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2016. Khoản bù giá cho chi phí sản xuất kinh doanh điện tại các huyện đảo trong cả nước (trong đó có huyện đảo Lý Sơn) hơn 142 tỷ đồng.

Theo tính toán của EVN, giá thành điện tại các huyện đảo hiện cao hơn gấp nhiều lần giá bán điện, dao động từ 7.000 - 15.000 đồng/kWh. Như vậy, nếu so với giá thành sản xuất kinh doanh điện nêu trên, thì giá bán điện bình quân tại các huyện đảo Phú Quý, Côn Đảo, Bạch Long Vĩ, Cù Lao Chàm và đảo Bé, đảo Lý Sơn và các xã, đảo ở tỉnh Khánh Hòa chỉ bằng khoảng từ 9,5 - 27% giá thành điện thực tế ở các đảo.

Doanh thu bán điện năm 2016 là 265.000 tỷ đồng (tương ứng giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.661,57 đồng/kWh). Hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2016 lỗ 593 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả doanh thu của EVN hiện tại còn “chảy” về từ nhiều nguồn thu khác. Vì thế, năm 2016, tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện và các hoạt động liên quan đến hoạt động điện, EVN lãi 2.658,20 tỷ đồng (chưa tính tới thu nhập từ sản xuất khác như xây lắp điện, sửa chữa thí nghiệm điện, các dịch vụ cho thuê tài sản, vận tải, bốc dỡ, các khoản phạt vi phạm hợp đồng của các Tổng công ty Điện lực...).

Ông Nguyễn Thanh - Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ngãi, cho biết: “Cùng với việc chấp hành quy định tăng giá bán điện của EVN, Công ty Điện lực Quảng Ngãi sẽ tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng cấp điện, đảm bảo cao nhất quyền lợi của khách hàng dùng điện trên địa bàn”.

Bài, ảnh: THANH NHỊ

 


.