Nhiều quy định thuế khiến doanh nghiệp rối bời

02:11, 28/11/2017
.

Nhiều quy định thuế hiện hành vẫn gây khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
 
Theo bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Thuế Việt Nam, trong thời gian qua những chính sách, pháp luật về thuế đã thay đổi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

 

 

Tuy nhiên, vẫn còn có những doanh nghiệp cho rằng họ còn gặp những vướng mắc với thủ tục thuế. “Vướng mắc nhỏ trong văn bản nhưng nếu như được sửa đổi lại có ý nghĩa lớn với doanh nghiệp” - bà Cúc khẳng định.

 
Tại buổi đối thoại với cơ quan thuế, hải quan vừa diễn ra, bà Cúc lấy ví dụ, hiện doanh nghiệp khai thác tài nguyên khoáng sản gặp khó ở thay đổi tại Luật 106/2016OH13 và Thông tư 130/2016/TT-BTC về khai thác khoáng sản.
 
Theo đó, tại Điểm C Điều 1 Thông tư 130 quy định: Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm là tài nguyên, khoáng sản (bao gồm cả trực tiếp khai thác hoặc mua về để chế biến) có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên khi xuất khẩu thì thuộc đối tượng được hoàn thuế.
 
“Nhưng trên thực tế rất nhiều doanh nghiệp gặp khó trong việc xác định tỉ lệ 51%, nhiều doanh nghiệp không biết xác định ra sao nên quá trình hoàn thuế gặp nhiều khó khăn” - bà Cúc nói.
 
Chính sách thay đổi gấp, doanh nghiệp chịu thiệt
 
Còn theo ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), việc thay đổi các chính sách, đặc biệt là chính sách thuế trong thời gian ngắn đang khiến các doanh nghiệp mất nhiều chi phí cho việc tuân thủ.
 
Chẳng hạn, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt và hướng dẫn, thì thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm bia - rượu tăng từ mức 55% năm 2015 lên mức 60% vào năm 2017; và sẽ tiếp tục tăng lên 65% vào năm 2018.
 
Việc tăng thuế cao trong thời gian ngắn có nguy cơ gây tổn hại đến thị trường, đặc biệt là ảnh lớn đến doanh nghiệp - ông Việt nói tại buổi tọa đàm chính sách thuế trong ngành đồ uống mới đây.
 
Đồng quan điểm, ông Shivam Misra - Chủ tịch Tiểu ban Rượu vang - rượu mạnh EuroCham và Tổng Giám đốc Diageo Việt Nam cũng chia sẻ thêm những quan ngại liên quan đến việc lật lại hồ sơ kiểm toán hải quan để truy thu thuế các doanh nghiệp nhập khẩu.
 
Ông cho biết: “Vừa qua, Tổng cục Hải quan tiến hành kiểm toán lại hồ sơ khai báo nhập khẩu và ra quyết định phạt nhiều doanh nghiệp. Chẳng hạn, Diageo Việt Nam bị phạt đến hàng triệu USD, vì lỗi kê khai sai về thủ tục hành chính. Điều đáng nói là, việc khai sai không làm giảm mức thuế nhập khẩu mà Diageo Việt Nam phải chịu. Và số tiền phạt này phát sinh từ lỗi cộng dồn suốt 3 năm qua.
 
Ông Shivam Misra khẳng định đây hoàn toàn là lỗi hành chính, chứ không phải cố tình gian lận thuế.
 
“Vì các ô để đánh dấu trong tờ khai thuế không phù hợp với đặc điểm của công ty chúng tôi. Chúng tôi nhập khẩu rượu từ công ty mẹ và có kê khai mối quan hệ đặc biệt giữa công ty mẹ và chúng tôi là nhà phân phối ở trong nước. Nhưng mối quan hệ đó không làm ảnh hưởng đến giá trị tính thuế. Hơn nữa, hàng hóa đã bán hết, nếu bị phạt thuế từ số hàng này sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp”, ông này nói.    
 
Nộp thừa 38 tỷ tiền thuế, xử lý thế nào?
 
Một vấn đề khác là việc xử lý khoản số thuế GTGT mà doanh nghiệp… nộp thừa.
 
Theo VCCI, đại diện Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng cho biết, các dự án bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, các dự án ODA thuộc diện chịu thuế GTGT… là các dự án được Kho bạc Nhà nước khấu trừ số tiền thuế GTGT vãng lai ngoại tỉnh 2%. Tính đến tháng 9/2017, Tổng công ty 319 đã nộp thừa số thuế GTGT vãng lai ngoại tỉnh lên đến hơn 38 tỷ đồng.
 
“Điều đáng nói là theo quy định tại Công văn số 272/TCT-KK ngày 20/01/2017 của Tổng cục Thuế thì Tổng công ty không được hoàn thuế. Vậy cách xử lý 38 tỷ đồng tiền thuế đã nộp thừa sẽ được xử lý ra sao?”, đại diện Tổng công ty 319 đặt vấn đề.
 
Không riêng trường hợp của Tổng công ty 319, khảo sát của VCCI cho thấy nhiều doanh nghiệp phản hồi việc trích nộp thuế GTGT vãng lai mỗi lần thanh toán qua kho bạc sẽ bị chênh lệch so với tờ khai vãng lai.
 
Khảo sát của VCCI trên 22.000 doanh nghiệp cũng cho thấy, doanh nghiệp ghi nhận những thay đổi về chính sách pháp luật thuế gần đây đã theo hướng tạo điều kiện cho doanh nghiệp.
 
Tuy nhiên, các thông tư hướng dẫn về thuế của Bộ Tài chính thường được ban hành chậm hơn so với thời hạn hiệu lực thi hành khiến các doanh nghiệp phải điều chỉnh nhiều nghiệp vụ kinh tế đã phát sinh, phải điều chỉnh hóa đơn, chứng từ. Thậm chí, quy định chưa rõ ràng cụ thể hoặc lại chồng chéo dẫn đến doanh nghiệp khó thực hiện.
 
Ông Vũ Xuân Hưng - Phó Phòng Pháp chế VCCI chi nhánh TPHCM cũng cho biết, theo khảo sát năm 2016 của VCCI, có 41% doanh nghiệp gặp phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính thuế. Trong đó, các doanh nghiệp FDI vẫn là nhóm có tỷ lệ gặp phiền hà cao nhất, 53%, kế đến là các doanh nghiệp dân doanh, với tỷ lệ 41%. Đối với các doanh nghiệp do nhà nước năm giữ trên 50% vốn điều lệ, tỷ lệ có gặp phiền hà là 30%.
 
Ông Hưng cho biết thêm, "hơn 60% doanh nghiệp kiến nghị rằng cần tăng cường công khai minh bạch các chính sách thuế và đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến thuế.
 
Theo Chinhphu.vn

.