Xây dựng công trình giao thông: Áp dụng nhiều công nghệ hiện đại

02:10, 04/10/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trước yêu cầu thi công các công trình giao thông, cũng như phù hợp với thời tiết đang thay đổi bất thường, các nhà thầu áp dụng nhiều công nghệ hiện đại mang lại kết quả tích cực trong xây dựng hạ tầng giao thông (HTGT).

Khắc phục hằn lún, sóng trâu

Thời gian qua, hàng loạt công trình HTGT mới trên địa bàn tỉnh đã góp phần làm thay đổi diện mạo nhiều địa phương. Tuy nhiên, cũng có nhiều công trình sau thời gian ngắn đưa vào sử dụng đã bộc lộ những bất cập, như nền đường nứt, kết cấu nhựa kết dính không chặt hay các dầm cầu bị khe co giãn lớn...

Dự án cầu Thạch Bích sử dụng công nghệ mới bằng phương pháp O-CELL cho cọc khoan nhồi đường kính lớn, góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án và tăng tính hiệu quả.
Dự án cầu Thạch Bích sử dụng công nghệ mới bằng phương pháp O-CELL cho cọc khoan nhồi đường kính lớn, góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án và tăng tính hiệu quả.


Trong số đó, phải kể đến các dự án giao thông như Tỉnh lộ 623B, xuất hiện nhiều điểm bị lún buộc phải đào lên vá lại. Tuy nhiên, hiện trạng nền đường vẫn không thể bền vững. Hay như đường Lê Lợi (TP.Quảng Ngãi) xuất hiện rất nhiều điểm kết cấu nền đường liên tục bị nứt và dần dần trở thành những ổ gà, ổ voi.

Không chỉ những tuyến phố nhỏ, mà ngay cả dự án Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn tỉnh, dù mới đầu tư xây dựng với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng và đưa vào khai thác chưa lâu, nhưng nền đường ở nhiều điểm, đoạn bị lún, nứt, xuất hiện sóng trâu và ổ gà.

Theo Giám đốc Công ty CP Đầu tư Xây dựng MBT- Chi nhánh miền Trung Đặng Lâm Phương, nguyên nhân nền đường nhanh chóng xuống cấp còn do biến dạng trượt xuất hiện khi tải trọng đặt lên lớp bê tông nhựa lớn hơn sức chịu tải của đường. Ngoài ra, cốt liệu có lực ma sát kém, ảnh hưởng của nhiệt độ lên nhựa đường. Không chỉ vậy, quá trình thời tiết thay đổi cộng với độ rỗng lớn và độ dính của đá ở miền Trung với nhựa đường thấp hơn các vùng khác, nên mặt đường nhanh hư hỏng...

"Để thi công nền đường và đảm bảo chất lượng công trình, thời gian qua công ty áp dụng phương pháp mới là sử dụng nhựa đường cải tiến có tính năng cao như mềm hóa, đàn hồi và sử dụng phụ gia để tăng khả năng bám dính... Riêng đối với những đoạn trọng yếu sẽ tăng hàm lượng nhựa cải tiến cao hơn những đoạn bình thường”, ông Phương chia sẻ.

Còn thạc sĩ Phạm Ngọc Thủy- Phó Chủ tịch Hội Cầu đường Quảng Ngãi cho biết, rất nhiều công trình, dự án đầu tư thời gian qua như đường Mỹ Trà- Mỹ Khê, đường bờ nam sông Trà Khúc... sử dụng công nghệ đào thay đất kết hợp với vải địa kỹ thuật cộng với thi công phân kỳ. Riêng dự án đường Bình Long- Dung Quất sử dụng bấc thấm và bố trí dạng tam giác. Còn dự án Mỹ Trà- Mỹ Khê xử lý nền đất yếu bằng phương pháp cố kết theo phương đứng bằng giếng cát để tăng cường độ cố kết...

Công nghệ hiện đại quản lý vòng đời dự án

Trong khi đó, đối với các công trình xây dựng cầu, cống cũng để lại những bất cập như khe co giãn nhiệt quá lớn, mố cầu thường xuyên bị sụt trượt. Ngoài ra, chất lượng nền cầu chưa đảm bảo dẫn đến nhiều vị trí bị nứt, bê tông thiếu kết dính với sắt...

Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và Tư vấn kỹ thuật nền móng công trình Đỗ Hữu Đạo chỉ ra những điểm yếu trong thi công cầu thời gian qua, nhất là quá trình sử dụng cọc khoan nhồi. Đồng thời, đưa ra ứng dụng hiện đại bằng phương pháp O-CELL cho cọc khoan nhồi đường kính lớn. “Tính hiệu quả trong quá trình sử dụng phương pháp mới này là dự án cầu Thạch Bích, quá trình thực hiện diễn ra nhanh chóng và hiệu quả, góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án và đảm bảo chất lượng công trình”, ông Đạo dẫn chứng.

Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Lan - Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng lại đưa ra phương án mới trong quá trình đánh giá, kiểm định và sửa chữa bảo trì công trình cầu đường bộ. Trong đó, điểm nổi bật là công nghệ sửa chữa thay thế gối cầu; công nghệ gia cường kết cấu bê tông cốt thép bằng vải sợi cacbon CFRD.

“Đa phần tuổi thọ của gối cầu thấp hơn tuổi thọ của cầu, trong đó nhiều gối cầu sau thời gian khai thác bị hỏng hoặc xê dịch so với vị trí ban đầu. Công nghệ mới là sử dụng kích dẹt chuyên dụng kê trực tiếp trên xà mũ để kích trực tiếp nâng dầm. Quá trình này phải tính toán gia cường cục bộ và bố trí quan trắc ứng xử khi thay đổi gối để đảm bảo an toàn”, Tiến sĩ Nguyễn Lan chia sẻ.

Và một công nghệ hiện đại nhất được áp dụng trong thời gian tới đối với dự án cầu Cửa Đại là ứng dụng công nghệ BIM (Building Information Modeling) trong quản lý công trình giao thông từ thiết kế, thi công và vận hành khai thác. Theo Giám đốc Công ty TNHH đầu tư VTCO Nguyễn Anh Tòng, công nghệ BIM sẽ giúp cho công tác quản lý cả vòng đời của dự án một cách chính xác và tinh gọn nhất. Trong đó, công nghệ này có thể dự đoán được rủi ro của dự án, rút ngắn thời gian thi công, tiết kiệm chi phí lớn.
 

Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
 


.