Lý Sơn: Loay hoay tìm hướng xử lý đất thải nông nghiệp

09:08, 24/08/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Với đặc thù của sản xuất hành, tỏi phải dùng cát trắng phủ lên và thường xuyên thay lớp cát này không tái sử dụng nữa, nên hằng năm, huyện đảo Lý Sơn có hàng nghìn m3 đất thải từ nông nghiệp. Tuy nhiên, do chưa có bãi chứa đất thải nên người dân tiện đâu đổ đó gây nên nhiều hệ lụy về môi trường, mất an toàn giao thông và mỹ quan của huyện đảo. Vấn đề tìm “đầu ra” cho đất thải nông nghiệp đang là bài toán mà huyện Lý Sơn cần sớm tìm lời giải. 

TIN LIÊN QUAN

Tiện đâu đổ đó!
 
Toàn huyện đảo Lý Sơn có dân số khoảng 22 nghìn người, trong đó có khoảng 55% dân số sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, với diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 330ha, hàng năm cung cấp ra thị trường khoảng 2.500 tấn tỏi, 71.000 tấn hành.
 
Những năm gần đây, phương pháp, kỹ thuật canh tác, sản xuất hành tỏi của nông dân Lý Sơn ngày càng thay đổi, áp dụng nhiều tiến bộ khoan học kỹ thuật vào sản xuất như: Sử dụng hệ thống tưới nước bằng béc phun mưa bán tự động, sử dụng phân vi sinh, thuốc sinh học... 
 
Song với đặc thù của sản xuất hành tỏi, người dân Lý Sơn phải dùng cát trắng phủ lên và thường xuyên thay lớp cát trắng này. Mỗi năm hoặc mỗi mùa vụ người dân phải thay lớp cát cũ dày khoảng 0,5cm - 1cm bằng lớp cát mới, hút từ biển vào, lớp cát thay ra không sử dụng. Qua khảo sát, bình quân mỗi năm 1ha có khoảng 50m3 đất thải nông nghiệp, như vậy với hơn 330 ha đất nông nghiệp, khối lượng đất thải sản xuất nông nghiệp thải ra trong 1 năm khoảng trên 16.000m3. 
 
Đất thải nông nghiệp đổ tràn cả ra đường, gây cản trờ giao thông và mỹ quan
Đất thải nông nghiệp đổ tràn cả ra đường, gây cản trở giao thông và mỹ quan
 
Với lượng đất thải từ sản xuất nông nghiệp hàng năm lớn như vậy, tuy nhiên điều bất cập là do không có các bãi thải để chứa lượng đất này, nên nông dân khi thay lớp đất cũ thì tiện đâu đổ đó. Người thì đổ ra xung quanh bờ rẫy, người thì đổ ra lòng, lề đường… 
 
Đi dọc theo các tuyến ở Lý Sơn, không khó để người đi đường thấy những đống đất thải được người dân đổ tràn trên lề đường, thậm chí là lòng đường, biến nhiều tuyến đường thành nơi tập kết đất thải. Có nơi, những đống đất thải tập kết ở 2 bên đường kéo dài hàng chục mét, làm cho lòng đường thu hẹp lại, gây ảnh hưởng đến giao thông, cảnh quang, môi trường.
 
“Vẫn biết đổ đất thải trên lòng, lề đường là sai, nhưng giờ diện tích đất có hạn, người dân chúng tôi không biết đổ đâu nên cũng phải liều đổ ra đó thôi”- ông Nguyễn Văn Hiển ở xã An Hải (Lý Sơn) bày tỏ.
 
Sớm triển khai thực hiện đề án
 
Trước tình trạng người dân đổ đất thải sản xuất nông nghiệp ra lòng, lề đường, UBND huyện Lý Sơn đã chỉ đạo Phòng KT&HTNT huyện, Công an huyện, UBND các xã và làm việc với các chủ xe, các hộ dân có đất nông nghiệp dọc hai bên các tuyến đường để tuyên truyền, vận động nhân dân không đổ đất thải nông nghiệp ra lòng lề đường gây cản trở giao thông, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường của huyện. 
 
Qua tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2014 đến nay, UBND huyện đã phân bổ trên 300 triệu đồng phục vụ cho công tác thu gom, xử lý đất thải nông nghiệp trên địa bàn huyện. Nhưng ý thức của người dân chưa cao, cứ vào mùa chuẩn bị sản xuất nông nghiệp, người dân lại đem đất thải sản xuất nông nghiệp đổ ra đường. Để giải quyết tình trạng này, Huyện uỷ đã chỉ đạo và ban hành Kết luận chỉ đạo UBND huyện xây dựng phương án thu gom, xử lý đất thải nông nghiệp trên địa bàn huyện. 
 
Theo phương án thu gom, tổng số điểm dùng để đổ đất thải nông nghiệp trên địa bàn huyện là 26 điểm với diện tích quy hoạch hơn 3.400m2, đảm bảo đổ đất thải sản xuất nông nghiệp cho 272ha, trong đó, xã An Hải 18 điểm và xã An Vĩnh 8 điểm. 
 
Với đặc thù sản xuất nông nghiệp của huyện đảo, chính quyền địa phương cần sớm triền khai thực hiện phương án thu gom, xử lý đất thải
Với đặc thù sản xuất nông nghiệp của huyện đảo, chính quyền địa phương cần sớm triền khai thực hiện phương án thu gom, xử lý đất thải
 
Về cách thức thực hiện, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương cho biết, trước mắt, huyện sẽ vận động người dân đưa đất thải sản xuất nông nghiệp về các điểm đã được quy hoạch để đổ; đồng thời, giao cho Đội quản lý trật tự xây dựng, đô thị và môi trường huyện thường xuyên phối hợp với UBND các xã tổ chức vận chuyển đất tại các điểm quy hoạch đến các vùng trũng sâu dọc bờ kè để đổ. Còn về lâu dài sau này, huyện cũng đã tính đến phương án xã hội hóa, cho doanh nghiệp hay tư nhân đấu giá để thực hiện công việc này. 
 
Điều đáng nói, theo Quyết định được UBND huyện Lý Sơn phê duyệt án thu gom, xử lý đất thải sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Lý Sơn sẽ bắt đầu thực hiện từ tháng 6.2017, nguồn kinh phí thu hiện từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đổ chất thải ra lòng, lề đường và một phần đóng góp của nhân dân tham gia đổ đất thải nông nghiệp tập trung. Tuy nhiên, đến nay, phương án này vẫn chưa được triển khai thực hiện, trong khi đó, thời điểm này người dân Lý Sơn đang xuống giống vụ hành tỏi mới, nên một lượng lớn đất thải tiếp tục đổ ra môi trường. 
 
Thiết nghĩ, cùng với công tác tuyên truyền, vận động người dân, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan cần sớm triển khai thực hiện công tác thu gom, xử lý đất thải đã được thông qua, có như vậy mới hy vọng giải quyết được bài toán “đầu ra” cho đất thải nông nghiệp trên địa bàn huyện. 
 
Bảo Ngọc

.