Tuổi già nhưng chí không già

02:07, 23/07/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, nhiều người cao tuổi trong tỉnh không an phận dưỡng già, vui vầy sớm hôm bên con cháu, mà vẫn tích cực lao động, phát triển kinh tế gia đình, cống hiến sức lực cho xã hội.

Con đường làng quanh co đưa chúng tôi đến ngôi nhà khang trang nằm giữa vườn rau của ông Lê Minh Nông (67 tuổi) ở thôn 5, xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi). Thời thanh niên ông tham gia bộ đội. Năm 1980, ông phục viên trở về quê nhà. Hai vợ chồng không mảnh đất cắm dùi, nên ông Nông phải vào tận TP.Hồ Chí Minh đạp xích lô. Cơ duyên đến với ông khi làm quen với một chủ  trang trại nuôi heo, bò.

Ông Lê Minh Nông giới thiệu vườn rau an toàn của gia đình.
Ông Lê Minh Nông giới thiệu vườn rau an toàn của gia đình.


Trong một năm qua lại, ông Nông đã học được các kỹ thuật chăm sóc bò. Sau một thời gian tích góp được một ít tiền, ông trở về quê bàn với vợ mở trang trại nuôi bò. Cũng như nhiều người dân xã Nghĩa Dũng thời điểm đó, vợ chồng ông Nông bắt đầu khai hoang vỡ hóa vùng đất ven sông Trà để trồng hoa màu. Từ nguồn thực phẩm trồng được, ông Nông tận dụng để nuôi bò.
 

Hiện trên địa bàn tỉnh có gần 70% trong số 148.623 người cao tuổi vẫn đang tiếp tục hoạt động sản xuất – kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình, mở rộng ngành nghề, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương…

Hằng năm, ông xuất chuồng 3 đợt với khoảng 40 con bò, thu lãi trên 150 triệu đồng. Ngoài làm thức ăn cho đàn bò, với diện tích đất sản xuất rau an toàn trên 12.000m2, mỗi năm ông thu hoạch trên 17 tấn rau các loại. Vườn rau của ông cung cấp cho hầu hết các hàng quán trên địa bàn TP.Quảng Ngãi và thị trường ngoài tỉnh như Đà Nẵng, Huế.

Ông Nông còn đầu tư mua 2 ô tô tải nhẹ để vận chuyển hàng hóa cho gia đình và bà con trong xã; tạo việc làm thường xuyên cho 5 - 7 lao động địa phương, với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng/người. Nay tuổi đã cao, nhiều người khuyên vợ chồng ông giao lại công việc cho con cháu rồi nghỉ ngơi, nhưng ông chưa nghĩ vậy. Ông Nông bộc bạch: "Còn sức khỏe thì phải lao động. Mình làm để con cháu noi theo”.

Còn với ông Cao Sinh ở thôn An Hà 1, xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) thì phát triển kinh tế gia đình bằng nghề xây dựng. Ông Sinh cho biết, trước đây vợ chồng ông làm lúa, rau màu là chính, nhưng đời sống gia đình vẫn không khá lên được, nhất là khi các con ở tuổi ăn, tuổi học. Sau nhiều đêm trăn trở, ông Sinh quyết định chuyển sang kinh doanh xây dựng. Hơn 10 năm trước, ông Sinh mạnh dạn vay vốn ngân hàng để mở cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng, thành lập đội thợ xây để nhận thầu.

Từ việc nhận những công trình nhỏ tại địa phương, qua quá trình tích lũy, ông Sinh đã đầu tư nhiều loại máy móc chuyên dụng trong xây dựng và thành lập doanh nghiệp xây dựng có uy tín. “Tôi đầu tư cho các con học ngành xây dựng. Bây giờ cả 5 người con của tôi đều theo nghề. Nhờ sự góp sức của các con, mà công việc làm ăn phát đạt”, ông Sinh nói.

Hằng năm, doanh nghiệp của ông thu lãi trên 500 triệu đồng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 30 lao động. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông Sinh còn đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng ở địa phương bằng cách cho ứng vốn thi công trước. Những việc làm của ông Sinh được người dân và chính quyền ghi nhận, đánh giá cao.


Bài, ảnh: VŨ YẾN


 


.