Gia hạn nợ cho người chăn nuôi

09:06, 19/06/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trước thực trạng người chăn nuôi lao đao khi giá heo, bò xuống thấp kỷ lục, Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) và một số ngân hàng thương mại đã nhanh chóng triển khai chính sách gia hạn nợ và tiếp tục hỗ trợ vốn để người dân vượt qua khó khăn.

Hỗ trợ kịp thời

Trước đây, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn, nên bà Hồ Thị Loan, thôn Giao Thủy, xã Bình Thới (Bình Sơn) vay của Ngân hàng CSXH 20 triệu đồng để mua vài chục con heo về nuôi. Nhờ chăn nuôi thuận lợi, nên bà Loan có tiền lo cho con ăn học và gửi tiết kiệm được 4 triệu đồng, nhằm nhẹ gánh khi đến hạn trả nợ gốc.

Tuy nhiên, đầu năm 2017, giá heo cứ liên tục giảm, khiến chăn nuôi thua lỗ. Không có tiền trả nợ cho ngân hàng, bà Loan đã làm đơn  xin gia hạn và được ngân hàng cho gia hạn nợ 6 tháng. Bà Loan chia sẻ: “Làm nông cũng nhờ vào chăn nuôi mới có dôi dư chút đỉnh, mà giá cả thế này thì đành chịu. Giờ chỉ mong giá heo sớm tăng trở lại để có tiền trả nợ cho ngân hàng”.

Việc gia hạn nợ kịp thời của Ngân hàng Chính sách Xã hội đã tạo điều kiện cho nhiều hộ vay chăn nuôi vượt qua khó khăn trước mắt.
Việc gia hạn nợ kịp thời của Ngân hàng Chính sách Xã hội đã tạo điều kiện cho nhiều hộ vay chăn nuôi vượt qua khó khăn trước mắt.


Cứ nghĩ con bò là vật nuôi ít dịch bệnh mà giá cả luôn ổn định, nên chị Mai Thị Long vay 20 triệu đồng đầu tư mua hai con nghé về nuôi. Theo đó, đến nay, đàn bò của chị cũng đã tăng lên 5 con. Những tưởng với số lượng bò này, chị không chỉ trả hết nợ ngân hàng mà còn có vốn tiếp tục phát triển đàn bò. Vậy mà cùng với giá heo hơi, giá bò cũng trượt dài khiến người chăn nuôi gặp khó khăn.

Giám đốc Ngân hàng CSXH- Chi nhánh Quảng Ngãi Trần Duy Cường, cho biết: “Thời gian qua, Ngân hàng CSXH đã tạo mọi điều kiện cho người chăn nuôi do bị ảnh hưởng bởi thị trường. Do đó, đối với khách hàng đã vay vốn để đầu tư chăn nuôi, nhưng gặp khó khăn chưa trả được nợ thì Ngân hàng xem xét cho gia hạn nợ theo cơ chế gia hạn nợ thông thường. Còn đối với trường hợp người chăn nuôi có nhu cầu vay vốn khôi phục sản xuất kinh doanh, Ngân hàng CSXH kiểm tra và cho vay”.

Cần tạo điều kiện hơn nữa

Không riêng gì Ngân hàng CSXH mà nhiều ngân hàng thương mại cũng đã đồng loạt thực hiện chủ trương của Chính phủ cũng như sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt đã công bố dành gói cho vay ưu đãi 500 tỷ đồng cho đối tượng là hộ nông dân, nhà máy chế biến thịt heo đông lạnh... với lãi suất thấp hơn 2%/năm so với lãi suất thị trường mà các đối tượng này đang vay vốn và thời hạn cho vay ưu đãi là một năm.

Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) đã đồng loạt triển khai trong toàn hệ thống cuộc “giải cứu” cho người chăn nuôi heo. Tuy nhiên, hiện nay việc gia hạn nợ cho hộ đã vay vốn theo Nghị định 55 gặp nhiều khó khăn, do đa số các hộ vay vốn đầu tư phát triển kinh tế bao gồm cả trồng trọt và chăn nuôi. Trong khi đó, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước thì chỉ có gia hạn nợ cho hộ chăn nuôi heo. Chính vì vậy mà tuy có chính sách, nhưng người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh hầu như vẫn chưa tiếp cận được kênh tín dụng này.

Tuy chỉ là giải pháp trước mắt trong lúc ngành chăn nuôi đứng trước nguy cơ “vỡ trận”, song sự vào cuộc kịp thời của hệ thống ngân hàng đã kịp thời giúp người chăn nuôi từng bước vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, sự triển khai thiếu đồng bộ trong hệ thống các tổ chức tín dụng, khiến cuộc "giải cứu" chưa phát huy hiệu quả như mong đợi.

Dù không phải là trung tâm chăn nuôi lớn, nhưng số lượng gia súc trên địa bàn Quảng Ngãi cũng không phải nhỏ. Trong đó, có nhiều trang trại nuôi với số lượng lên đến hàng nghìn con. Thế nên, hơn lúc nào hết, người chăn nuôi trong tỉnh mong các ngân hàng tạo điều kiện gia hạn nợ cũng như tiếp tục cho vay mới để tái đàn, khôi phục sản xuất. Song về lâu dài rất cần chính sách đầu ra ổn định, để không còn cảnh "giải cứu" nông sản.

Bài, ảnh: HỒNG HOA

 


.