Sản phẩm truyền thống: Chật vật tìm hướng đi

04:04, 07/04/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với nguồn nguyên liệu và nhân công phong phú, nên tiềm năng phát triển những sản phẩm truyền thống rất dồi dào. Nhưng thực tế, ngay cả những sản phẩm đã có thương hiệu, sản xuất lâu đời cũng rất chật vật để tìm hướng đi.

Loay hoay giữa thời hội nhập

Nước mắm vừa là gia vị, vừa là nước chấm không thể thiếu trong bữa ăn của người Việt. Tại Quảng Ngãi, nhiều làng nghề nước mắm truyền thống có từ lâu đời trải khắp các xã ven biển như Đức Lợi (Mộ Đức), Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi)... Trước kia, những người làm nghề sản xuất nước mắm hay chở đi bán khắp nơi trong tỉnh. Đây là một trong những nghề chính mang lại thu nhập cho người dân vùng ven biển.

Các làng nghề nước mắm đang hướng đến thành lập tổ hợp tác liên kết ở địa phương để gìn giữ, phát triển nghề truyền thống.
Các làng nghề nước mắm đang hướng đến thành lập tổ hợp tác liên kết ở địa phương để gìn giữ, phát triển nghề truyền thống.


Nhưng những năm gần đây, trước ảnh hưởng của các loại nước mắm công nghiệp đóng chai tiện lợi, nước mắm truyền thống dường như bị “thất thế”. Thời gian vừa qua, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng nhiều người biết đến nước mắm truyền thống nhiều hơn, nhưng việc tìm thị trường, đầu ra cho sản phẩm cũng rất khó khăn.

Tại xã Đức Lợi, việc quy hoạch làng nghề chế biến nước mắm không đạt hiệu quả. Khu vực tập trung sản xuất nước mắm đang được đề nghị chuyển sang mục đích khác phù hợp hơn. “Địa phương và người dân mong muốn gìn giữ và vực dậy nghề truyền thống của quê hương, nhưng đầu ra vẫn là điều khó khăn nhất”, Chủ tịch UBND xã Đức Lợi Lê Minh Việt cho biết.

Cũng như nước mắm, muối là một trong những gia vị cần thiết hằng ngày. Muối Sa Huỳnh (Đức Phổ) đã đăng ký nhãn hiệu từ lâu với mục đích quảng bá và tiêu dùng sản phẩm thuận lợi hơn. Không chỉ là làng nghề truyền thống có thương hiệu, hình ảnh diêm dân và những cánh đồng muối trắng tinh còn gắn liền với quảng bá các điểm du lịch trong tỉnh. Nhưng thương hiệu muối Sa Huỳnh vẫn rất nhạt nhòa. Thậm chí người làm muối đang phải chật vật trong việc giữ nghề. Bởi muối rớt giá, không có đầu ra, lượng muối tồn đọng nhiều. Thu nhập từ nghề muối không đủ trang trải cuộc sống, nhiều người  đã phải chuyển sang nghề khác để mưu sinh.

Mỗi cán bộ, người dân là một “đại sứ”

Ngoài nguyên nhân sản xuất nhỏ lẻ trong mô hình gia đình khiến nghề làm nước mắm truyền thống khó phát triển, thì một số người đã nhập nước mắm ở nơi khác về đóng chai bán, làm ảnh hưởng đến thương hiệu nước mắm Đức Lợi. “Chúng tôi đang tuyên truyền, vận động, tiến tới xóa bỏ hình thức kinh doanh này để bảo vệ sản phẩm của quê hương”, ông Lê Minh Việt khẳng định.

Xã Đức Lợi đang nghiên cứu mô hình tổ hợp tác liên kết. Theo đó, các gia đình cùng làm nghề sản xuất nước mắm truyền thống hợp tác, hỗ trợ với nhau. “Nhưng bất kỳ sản phẩm nào thì trước tiên phải có đầu ra, là yếu tố quyết định đến sự sống còn. Chúng tôi mong muốn chính người dân và cán bộ là những “đại sứ” của sản phẩm, tiên phong trong việc sử dụng và giới thiệu nước mắm truyền thống đến nhiều người. Về phía địa phương bảo đảm quản lý chặt chẽ chất lượng và xuất xứ nước mắm cho người tiêu dùng”, ông Việt cho biết thêm.

Đưa nước mắm lên mạng, đó là cách nhiều người trẻ ở các làng nghề nước mắm đã làm, nhằm hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm. Thông qua các kênh mạng xã hội, các bạn trẻ chia sẻ thông tin, hình ảnh về nghề làm nước mắm truyền thống. Nhiều bạn trẻ là học sinh, sinh viên tại Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh trở thành cầu nối với người tiêu dùng nhận đặt và giao hàng từ gia đình gửi vào.

Ngoài nước mắm thì các loại hải sản như cá, tôm, mực... tiêu thụ nhiều nhờ vào kênh này, ông Trần Đình Tiến - Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) cho hay. “Nhờ ưu điểm tiếp cận nhanh, tiện lợi nên nhiều người biết đến nước mắm truyền thống hơn. Sau khi đăng tải thông tin trên mạng, sản lượng tiêu thụ tăng lên, giá cả có nhích hơn”, anh Bùi Minh Tịnh, ở xã Đức Lợi chia sẻ.

Bài, ảnh: BẢO HÒA

 


.