Sinh vật ngoại lai xâm nhập: Bất cập từ nhận thức đến quản lý

09:03, 07/03/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tác động tiêu cực đến môi trường và hệ sinh thái bản địa, gây hại nghiêm trọng cho sản xuất nông nghiệp, nhưng việc kiểm soát, quản lý các loài sinh vật ngoại lai (SVNL) chưa thực sự hiệu quả.

Việc quản lý, kiểm soát SVNL đã được đề cập trong Luật Đa dạng sinh học, Luật Thủy sản, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Bảo vệ môi trường... Tuy nhiên, nhận thức, trách nhiệm của người dân và cơ quan quản lý vẫn còn nhiều hạn chế trong quá trình triển khai, thực hiện.

Thiệt hại vì  sinh vật ngoại lai

Cùng với chuột, vụ đông xuân năm nay, nông dân một số địa phương trong tỉnh điêu đứng vì bị ốc bươu vàng (OBV) gây hại. “Vụ này OBV ở đâu về nhiều quá. Chỉ sau một đêm, đám lúa non bị OBV ăn sạch”, ông Huỳnh Văn Đạo, thôn Thạch Thang, xã Đức Phong (Mộ Đức) cho biết.

 

Vòng đời ngắn, phổ thích nghi rộng nên ốc bươu vàng là loài sinh vật ngoại lai gây hại mạnh nhất trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Vòng đời ngắn, phổ thích nghi rộng nên ốc bươu vàng là loài sinh vật ngoại lai gây hại mạnh nhất trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.


Khi lúa được 20 ngày, OBV xuất hiện và gây hại. Dù đã áp dụng các biện pháp diệt trừ, nhưng phần vì chủ quan, phần do OBV phát triển nhanh, nên hai sào lúa nhà ông Đạo bị OBV cắn trơ gốc, phải sạ lại. Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, toàn tỉnh hiện có trên 166ha lúa bị OBV gây hại, trong đó có gần 11ha thiệt hại nặng, phải sạ lại hoặc tốn chi phí chăm sóc phục hồi.

Cùng với OBV, cây mai dương cũng là loài SVNL đe dọa nghiêm trọng đến hệ sinh thái, phá vỡ đa dạng sinh học và gây mất an toàn các công trình thủy lợi, hồ chứa. Toàn tỉnh hiện có 478ha đất bị cây mai dương xâm lấn, tập trung ở các kênh mương, bờ sông, đất sản xuất nông nghiệp...

Tại công trình thoát lũ sông Thoa, đoạn qua xã Đức Minh (Mộ Đức), cây mai dương mọc dày đặc hai bên bờ kênh. Dù Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi thường xuyên huy động lực lượng ra quân tiêu diệt, nhưng chỉ một thời gian ngắn, bờ kênh lại dày cây mai dương.

Do nhận thức và quản lý

Thống kê của Bộ NN&PTNT, OBV đã bùng phát trên phạm vi cả nước và gây hại trên 8.500ha, hơn 6.000ha ao hồ và hàng trăm kilômét sông ngòi, kênh, mương. Vì vậy, từ một loài được kỳ vọng, OBV lại trở thành đối tượng cần bị tiêu diệt. Nhưng với vòng đời ngắn, phổ thích nghi rộng, nên hơn 40 năm kể từ ngày được du nhập, OBV vẫn hiện diện khắp các thủy vực trong cả nước.

Không chỉ gây hại trong sản xuất nông nghiệp, OBV còn tiêu diệt nhiều sinh vật bản địa, phá vỡ đa dạng sinh học loài. Tuy nhiên, việc tiêu diệt OBV chỉ diễn ra theo kiểu “ruộng ai nấy diệt”, chứ chưa thực sự trở thành phong trào sâu rộng trong cộng đồng dân cư.

Đối với cây mai dương, vì mức độ phân tán và phát triển nhanh, nên rất khó tiêu diệt triệt để. Dù Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã xây dựng phương án sử dụng đồng thời các biện pháp thủ công, sinh học và hóa học để tiêu diệt cây mai dương, nhưng chính quyền các địa phương, đơn vị lại băn khoăn khi áp dụng. “Sử dụng các loại hóa chất nào, nồng độ và liều lượng ra sao, rồi tác động của hóa chất đến môi trường như thế nào... ngành chuyên môn cần phải thử nghiệm và đánh giá kết quả cụ thể trước khi nhân rộng”, ông Nguyễn Lập - Phó giám đốc Công ty Khai thác công trình thủy lợi, bày tỏ.

Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.