Cần gỡ khó cho cả ngân hàng và ngư dân

10:03, 17/03/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tình trạng "tàu 67" phát sinh nợ quá hạn, khiến ngân hàng e ngại trong việc ký hợp đồng tín dụng đầu tư. Việc tiếp cận vốn đóng mới tàu công suất lớn của ngư dân vì thế cũng gặp nhiều khó khăn...

TIN LIÊN QUAN

Ngân hàng cứng rắn

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Chi nhánh Quảng Ngãi là đơn vị đã ký hợp đồng tín dụng với 6 ngư dân trong tỉnh, đầu tư đóng mới 6 chiếc tàu công suất lớn theo Nghị định 67 (nay là Nghị định 89) của Chính phủ. Tuy nhiên, từ cuối năm 2016 đến nay, 3 chủ tàu không thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng. Điều này không chỉ khiến ngân hàng gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, mà còn e ngại trong việc ký mới hợp đồng tín dụng với ngư dân đóng tàu công suất lớn.

Ngân hàng e ngại ký hợp đồng tín dụng đóng mới tàu công suất lớn, sẽ khiến ngư dân gặp rất nhiều khó khăn.
Ngân hàng e ngại ký hợp đồng tín dụng đóng mới tàu công suất lớn, sẽ khiến ngư dân gặp rất nhiều khó khăn.


Theo hợp đồng giữa ngư dân và BIDV Quảng Ngãi, nếu ngư dân không thực hiện đúng và đầy đủ việc trả nợ cho ngân hàng, sẽ bị chuyển sang nhóm nợ quá hạn. Điều này đồng nghĩa với việc người vay sẽ không còn được thụ hưởng mức lãi suất ưu đãi theo Nghị định 67. Tuy nhiên, vì chia sẻ khó khăn và tạo cơ hội sản xuất cho ngư dân, nên đến thời điểm này, ngoài việc tăng cường đôn đốc và động viên, BIDV chỉ biết trông chờ vào thiện chí trả nợ của ngư dân!.

“Chuyển nhóm nợ và khởi kiện xử lý tài sản là việc chẳng đặng. Vì vậy chúng tôi đang trông đợi Ban Chỉ đạo Chương trình 67 của tỉnh sớm có hướng giải quyết phù hợp, để vừa đảm bảo hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của ngân hàng, vừa tạo điều kiện cho ngư dân tiếp tục hoạt động”, Phó Giám đốc BIDV Quảng Ngãi Nguyễn Thành Phước cho biết.

Tuy nhiên, đã gần nửa năm, 3 ngư dân không thực hiện đúng và đầy đủ trả nợ. Vì vậy, phía ngân hàng cho rằng, thời gian tới, nếu 3 ngư dân vẫn không có thiện chí trả nợ, BIDV Quảng Ngãi sẽ cương quyết thực hiện các biện pháp xử lý cứng rắn. “Cùng với việc chuyển sang nhóm nợ quá hạn, ngân hàng sẽ tiến hành khởi kiện xử lý tài sản để thu hồi nợ”, ông Phước khẳng định.
 

Ông Trương Văn Chín, xã Phổ Quang (Đức Phổ), một trong 3 ngư dân phát sinh nợ quá hạn tại BIDV Quảng Ngãi bày tỏ: “Lúc hạ thủy con tàu, tôi đã hứa với lãnh đạo các cấp và ngân hàng là sẽ cố gắng làm ăn hiệu quả, trả nợ đầy đủ và đúng thời hạn cho ngân hàng. Giờ vướng nợ, tôi cũng cảm thấy áy náy. Tôi đã nỗ lực, nhưng nghề biển bấp bênh, thu nhập cũng không ổn định. Vì vậy, tôi rất mong ngân hàng chia sẻ, tạo cơ hội để tôi trả dần nợ và có điều kiện tiếp tục vươn khơi bám biển”.

Ngư dân gặp khó

Khi ngân hàng thực hiện các biện pháp xử lý nợ, 3 ngư dân phát sinh nợ quá hạn sẽ đối mặt với nguy cơ mất tàu; còn ngư dân trong tỉnh cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận vốn đầu tư đóng mới tàu công suất lớn.

Ngư dân Huỳnh Trưởng, xã Phổ Quang (Đức Phổ) bộc bạch: "Biết tin Nghị định 67 được gia hạn thực hiện đến cuối năm 2017, gia đình tôi cũng tính làm hồ sơ tham gia và chọn ngân hàng BIDV Quảng Ngãi, để vay vốn đầu tư đóng mới thêm một chiếc tàu vỏ gỗ. Nhưng khi tiếp cận, tôi thấy phía ngân hàng nhiều yêu cầu và ràng buộc khắt khe hơn so với những lần trước".

Trong khi đó, ngư dân Nguyễn Tự, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) cũng cho rằng, khi liên hệ vay vốn đóng mới tàu công suất lớn, cán bộ ngân hàng cũng nhiệt tình tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ thực hiện các thủ tục hành chính. “Nhưng ngoài việc chứng minh nguồn lực tài chính, ngư dân còn phải cung cấp phương án sản xuất, ngành nghề và ngư trường hoạt động, nơi tiêu thụ, giá bán sản phẩm, tình trạng lao động trên tàu...”, ông Tự cho biết. Dù biết sự thận trọng của ngân hàng khi thẩm định và xét duyệt hồ sơ vay vốn là cần thiết, nhưng ông Tự vẫn cho rằng còn nhiều “phiền phức”.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc BIDV Quảng Ngãi Nguyễn Thành Phước cho rằng, việc ngư dân phát sinh nợ quá hạn, nhưng lại không có thiện chí trả nợ đã khiến ngân hàng dè dặt và thận trọng hơn trong việc ký hợp đồng tín dụng đầu tư đóng mới tàu công suất lớn, trong đó có tàu 67. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là ngân hàng “làm khó” ngư dân khi tiếp cận vốn vay đóng mới tàu công suất lớn. “Với những ngư dân có nguồn lực, làm ăn hiệu quả và có thiện chí trả nợ, chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để ký hợp đồng tín dụng đầu tư”, ông Phước khẳng định.

Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.