Hệ lụy từ sự chủ quan của ngư dân

01:01, 07/01/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian gần đây, thời tiết diễn biến phức tạp, tàu thuyền và ngư dân trong tỉnh hành nghề trên các vùng biển liên tục gặp nạn, gây thiệt hại về tính mạng, tài sản của bà con. Điều đáng nói là,  ngoài chuyện rủi ro do thiên tai, còn có sự chủ quan của ngư dân, dẫn đến những vụ tai nạn đau lòng.

Thời tiết những tháng cuối năm liên tục gây biển động mạnh, gió cấp 5- 6, mưa kéo dài, tầm nhìn trên biển hạn chế, nhưng ngư dân vẫn mua sắm nhiên liệu ra khơi khai thác hải sản. Tại một số cửa sông, cửa lạch, cảng cá ven biển, nhiều tàu thuyền vẫn hướng ra biển, bất chấp sự cảnh báo của BĐBP tỉnh và chính quyền địa phương.

Bộ đội Biên phòng kiểm tra, kiểm soát tàu cá khi thời tiết xấu trên biển.                                                                             Ảnh: K.TOÀN
Bộ đội Biên phòng kiểm tra, kiểm soát tàu cá khi thời tiết xấu trên biển. Ảnh: K.TOÀN

Ông Phạm Hạ, thuyền trưởng tàu cá QNg 91197 TS hành nghề lưới quét, cho biết: Nghề lưới quét chủ yếu khai thác phù hợp vào mùa đông. Thời tiết biển động cấp 5-6 ra đánh bắt rất đạt. Chúng tôi đánh bắt cả vùng lộng và vùng khơi từ Quảng Nam đến Bình Định. Còn ngư dân Võ Tâm, chủ tàu cá QNg 97339 TS ở xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) thì giãi bày: Mùa biển săn đánh bắt rất hiệu quả. Tranh thủ mấy tháng cuối năm đánh bắt để bù lại mùa biển êm đánh bắt ít đạt, với lại kiếm ít tiền để lo Tết.

Theo thống kê của BCH BĐBP tỉnh, trong 2 tháng cuối năm 2016 đã xảy ra 13 vụ tai nạn liên tiếp cho ngư dân hành nghề trên các vùng biển của tỉnh, làm chết và bị thương 4 người, mất tích 5 người; 10 phương tiện bị chìm, mắc cạn, hư hỏng; nhiều người bị rơi xuống biển trong giông tố và may mắn thoát nạn.

 

Theo thống kê của BĐBP tỉnh, năm 2016 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 104 vụ tai nạn trên biển, làm chết 26 người, mất tích 9 ngư dân, chìm 22 tàu, làm thiệt hại cho ngư dân hàng tỷ đồng.

Vụ việc nghiêm trọng nhất xảy ra vào ngày 7.12.2016, khi tàu cá QNg 11150 TS hành nghề lưới kéo, vượt trạm kiểm soát biên phòng đi khai thác hải sản và đã bị sóng đánh chìm, khiến 4 ngư dân đi trên tàu mất tích. Mặc dù các cơ quan chức năng, cùng gia đình đã nỗ lực tìm kiếm, nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm được tung tích của các nạn nhân. Những tổn thất về con người là không thể bù đắp, còn tổn thất về kinh tế thì không biết khi nào mới khắc phục được. Tàu thuyền, ngư lưới cụ sinh kế của gia đình bị chìm đắm, hư hỏng; những người trụ cột trong gia đình vẫn chưa tìm ra tung tích sau thời gian dài xảy ra tai nạn.   

Thượng úy Lê Minh Trọng -Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Sa Kỳ (Đồn BP CKC Sa Kỳ) cho biết: Mỗi đợt biển động và có lệnh cấm biển, trạm triển khai trực 24/24 giờ và căng cờ báo hiệu cho ngư dân không được ra biển. Bên cạnh việc kiểm soát việc ra vào của tàu cá, BĐBP còn thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương thông báo trên hệ thống loa truyền thanh. Các đồn, trạm biên phòng tổ chức lực lượng chốt chặn, canh gác tại các điểm tàu thuyền ra vào để nhắc nhở, cảnh báo. Tuy nhiên, một số ngư dân vì lợi ích trước mắt, nên đã bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng, lén lút đưa tàu thuyền và lao động đi hành nghề, hoặc cố tình không di chuyển tàu thuyền vào bờ để trú ẩn khi gặp thời tiết nguy hiểm.

Thực tế, trên địa bàn tỉnh, ngư dân khai thác hải sản bằng nhiều nghề như lưới kéo, lưới quét, lưới 3 mành. Những nghề này đánh bắt khi biển động sẽ cho năng suất cao. Vì vậy, bà con thường tăng phiên, tăng chuyến trong những ngày biển có dấu hiệu bất thường. Trong thời gian gần đây, tai nạn trên biển do thiên tai gây ra với mức độ dày, thiệt hại về tài sản ước tính hàng tỷ đồng, tính mạng con người bị đe dọa nghiêm trọng. Nhưng ngư dân vẫn thờ ơ, chủ quan; bà con xem đây là công việc làm ăn bình thường hằng ngày. Thiết nghĩ, đã đến lúc các cấp chính quyền cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho ngư dân, cảnh giác cao độ với thời tiết nguy hiểm trên biển, để không xảy ra những vụ tai nạn thương tâm trong  mùa biển động.
 

K. TOÀN – X.THIÊN
 


.