Cau và cà

03:11, 02/11/2016
.

TRẦN ĐĂNG

(Baoquangngai.vn)- Điệp khúc “được mùa mất giá” và ngược lại đã được tái lập ở hai chiều khác nhau giữa cau và cà gai leo. Trồng cây mà như đánh bạc với thị trường nhưng chưa bao giờ phần thắng thuộc về họ. Với người nông dân hiện nay, việc trồng loại cây nào mang lại hiệu quả thật sự và bền lâu là một câu hỏi khó. 
 
Cà ở đây là cà gai leo, một loại cây dại mọc hoang bờ rào, vừa mới năm ngoái đây thôi, được nhiều người tôn nó thành “thánh dược”, có thể chữa được cả bệnh... ung thư (?). Thế là từ loại cây mà người nông dân thấy xuất hiện trên ruộng ngô, ruộng sắn của mình là lập tức nhổ bỏ ngay, bỗng chốc được trồng và chăm sóc chả khác gì loại cây thuộc hàng hiếm. 
 
Một doanh nghiệp chuyên chế biến loại “biệt dược” này đã cho người về tận các vùng quê của tỉnh Quảng Ngãi để khuyến cáo người dân phá bỏ nhiều giống cây nông sản kém hiệu quả chuyển sang trồng cà gai leo. Nhiều cơ sở ương giống, nắm bắt thông tin này đã nhanh chóng vào cuộc. Họ lùng sục mua hạt giống với giá 35 triệu/kg, bằng giá tiền của cả một lượng vàng. Giá cà khô mỗi ký lên đến 80.000 đồng, hơn bất cứ một loại cây nào hiện nay trên đất Quảng Ngãi.
 
Thu mua cau tại Quảng Ngãi
Thu mua cau tại Quảng Ngãi.
 
Đơn vị chuyên đi mở rộng vùng nguyên liệu để chế biến loại cây này thành thuốc quý ấy, từng khẳng định với người nông dân Quảng Ngãi rằng họ sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm miễn sao sản phẩm đó phải sạch, không sử dụng hóa chất hoặc thuốc tăng trưởng.
 
Cây cà gai leo lập tức được trồng ào ạt, điển hình là các huyện Nghĩa Hành và Minh Long, xem đó như một cứu cánh của người nông dân sau bao năm loay hoay với câu hỏi trồng cây gì? Thế rồi như mọi người đã biết, từ chỗ 80.000đ/kg, nay hai ký cà gai leo chỉ đổi được một gói mì tôm! Nhiều người trắng tay do đầu tư quá lớn vào “canh bạc” này, giờ đành nhổ bỏ.
 
Trong khi đó, cây cau sau bao năm bầm giập, bị nhiều người đốn sạch để trồng cây khác thì lập tức năm nay “hot” hàng. Giá cau tươi mua tại gốc dao động từ 18.000đ-20.000 đồng/kg, tính cả buồng chứ không tách rời từng quả. Nhiều gia đình trồng “chơi chơi” 100 cây cau trong vườn cũng đã thu về hàng chục triệu, hơn bất cứ loại cây nào khác.
 
Nhiều người dân ở huyện miền núi Sơn Tây tỉnh Quảng Ngãi, nơi được xem như xứ sở của ngàn cau, tiếc nuối vì đã trót chặt phá hàng ngàn cây cau những năm trước đây, giờ muốn trồng lại cũng phải mất 5-7 năm mới có trái. 
 
Điệp khúc “được mùa mất giá” và ngược lại đã được tái lập ở hai chiều khác nhau giữa cau và cà gai leo. Không thể trách cứ điều gì về người trồng cau lẫn trồng cà. Vì rằng, với người nông dân hiện nay, việc trồng loại cây nào mang lại hiệu quả thật sự và bền lâu là một câu hỏi khó. Trồng cây mà như đánh bạc với thị trường nhưng chưa bao giờ phần thắng thuộc về họ.
 
Nếu có “thắng” thì cũng mang tính nhất thời mà thôi. Hàng chục hecta cà gai leo rồi sẽ được phá bỏ nếu mỗi ký chỉ đổi được một gói mì tôm. Một loại cây trồng khác cũng sẽ được thế chỗ nếu như “ai đó” mách bảo với chủ nhân của các mảnh vườn manh mún ấy rằng loại cây trồng đó sẽ mang đến cho họ giấc mơ đổi đời. 
 
Tìm lối ra ổn định và dài lâu cho nông sản, đó không phải là việc của nông dân. Vì không ổn định đầu ra nên người nông dân như luôn bị đặt trước một canh bạc mà phần thắng thường ít đến với họ.
 

.