Lý Sơn – "Thiên đường xanh" liệu có giữ được mình?
Kỳ 2: Những điểm trừ trong mắt du khách

08:09, 29/09/2016
.

(Baoquangngai.vn)- “ Cảnh đẹp thì khách chỉ đến một lần cho biết, nhưng nếu môi trường, dịch vụ tốt... sẽ níu chân du khách quay trở lại…” - đó là tôn chỉ làm du lịch của nhiều điểm du lịch. Thế nhưng, với huyện đảo Lý Sơn, để níu chân du khách quay trở lại, đang gặp nhiều trở ngại. Bởi, hiện nay tình trạng hàng quán lấn chiếm các di tích, thắng cảnh để buôn bán, môi trường tại các điểm du lịch bị ô nhiễm… khiến cho Lý Sơn trở nên “mất điểm” trong mắt du khách.

TIN LIÊN QUAN

Chính quyền “cấp phép” cho lều quán lấn di tích, thắng cảnh
 
Với vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho huyện đảo Lý Sơn, nhiều du khách so sánh Lý Sơn không hề thua kém Nami hay Jeju của Hàn Quốc. Nhưng nhiều du khách cảm thấy bị sốc trước thái độ đối xử với món quà thiên nhiên ban tặng ở huyện đảo. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, Lý Sơn có quá nhiều sự thay đổi, bên cạnh những thay đổi tích cực thì còn rất nhiều sự thay đổi theo chiều hướng tiêu cực. 
 
Điều mà nhiều du khách dễ dàng nhận thấy, cùng làn sóng đầu tư xây dựng nhà nghỉ, khách sạn ồ ạt, thì việc khai thác du lịch triệt để với nhiều lều quán bán hàng lưu niệm, giải khát, thậm chí quán nhậu mọc lên ở khắp nơi, nhất lại tại các điểm di tích, thắng cảnh… cũng góp phần làm nhiều di tích, danh lam thắng cảnh trở nên nhếch nhác, thậm chí là có nguy cơ biến mất. 
 
Điển hình như tại thắng cảnh hang Cò thuộc xã An Hải, nơi đây đẹp nên thơ với những vân đá tự nhiên, mà không thể có một sự sáng tạo nào của con người có thể thay thế được. Thế nhưng, bây giờ, thay vào đó là những quán nhậu xây dựng xung quanh lấp luôn cả hang Cò. Tình trạng này làm cho thắng cảnh hang Cò có nguy cơ bị biến mất, nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời. 
 
Thêm nữa, tại các điểm du lịch khác như chùa Hang, hang Cau, cổng Tò Vò… cũng xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm để mở hàng quán buôn bán. Những lều quán được  dựng lên tạm bợ, lụp xụp, lấn luôn cả đường đi vào điểm du lịch khiến cho du khách cảm thấy rất búc xúc và khó chịu khi đến tham quan tại đất đảo.
 
Thắng cảnh hang Cò được chính quyền xã cấp phép cho người dân xây dựng hàng quán, khiến hang Cò có nguy cơ bị biến mất
Thắng cảnh hang Cò được chính quyền xã cấp phép cho người dân xây dựng hàng quán, khiến hang Cò có nguy cơ bị biến mất.
 
Điều đáng nói, bên cạnh một số ít người dân tự phát lấn chiếm, xây dựng lều quán tại các điểm du lịch này và dọc theo đường cơ động của đảo, thì hầu hết những hộ kinh doanh khác đều kinh doanh “hợp pháp” bởi họ đã được chính quyền địa phương cho phép. 
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian qua, trên địa bàn xã An Vĩnh, xã đã cho thuê là 5.735m2, trong đó thuê với mục đích kinh doanh buôn bán là 14 hộ, thuê đất để sản xuất nông nghiệp 5 hộ; địa bàn An Hải, có 42 hộ được chính quyền xã cho thuê đất dọc đường cơ động, trong đó 10 hộ sản xuất kinh doanh, buôn bán, giải khát, ăn uống, các hộ còn lại thuê đất để sản xuất nông nghiệp, với tổng diện tích 5.178m2. Các tổ chức, cá nhân được UBND xã cho thuê đất đều có ký hợp đồng thời hạn từ 6 tháng đến 1 năm. 
“Việc huyện giao đất dự phòng cho xã cho thuê để kinh doanh, hay huyện giao đất cho các tổ chức làm kinh doanh là quá sai so với quy định của tỉnh và các quy định của pháp luật. Huyện cần có biện pháp quyết liệt, khắc phục tình trạng lấn chiếm đất đai, kiểm tra ngay những chỉ đạo không đúng để chấn chỉnh ngay"- Ủy viên TƯ Đảng- Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ yêu cầu.

Trả lời cho câu hỏi, theo quy định của pháp luật, xã không có thẩm quyền để cho thuê đất, nhưng tại sao vẫn “lách luật” để cho thuê kinh doanh, buôn bán? Ông Lê Hoài Ân- Chủ tịch xã An Hải thừa nhận: Xã không có thẩm quyền cho thuê  đất này, nhưng do để  quản lý đất để dân khỏi lấn chiếm huyện có văn bản thống nhất cho UBND các xã tạm thời quản lý và cho các hộ gia đình cá nhân thuê tạm thời, có căn cứ này xã mới dám cho thuê. 

 
Theo công văn số 1403, ngày 16.9.2015 của UBND huyện Lý Sơn, việc huyện thống nhất cho các xã An Vĩnh và An Hải tạm thời quản lý và cho hộ gia đình, cá nhân thuê đất vào mục đích kinh doanh hoặc sản xuất nông nghiệp là do phần diện tích dọc đường cơ động Đông Nam đảo mà dự án để lại sau khi thi công, phần lớn là hố sâu, thấp trũng đã gây ứ đọng nước và ô nhiễm môi trường. UBND huyện đã đầu tư kinh phí để san lấp, nhưng do khối lượng san lấp quá lớn nên chưa có đủ nguồn kinh phí để san lấp hoàn thiện. Hơn nữa, để quản lý chặt chẽ quỹ đất, hạn chế việc lấn, chiếm đất của các hộ sử dụng đất liền kề và tạo nguồn thu cho UBND các xã. 
 
Háng quán kinh doanh được che chắn tạm bợ khiến cho các điểm du lịch trở nên nhếch nhác
Háng quán kinh doanh được che chắn tạm bợ khiến cho các điểm du lịch trở nên nhếch nhác.
 
Ông Phí Quang Hiển- Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, theo quy định của Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thì UBND cấp xã chỉ được quản lý, cho thuê việc sử dụng đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, chính vì vậy, việc huyện giao quyền cho xã cho thuê đất vì bức xúc môi trường, và không đủ kinh phí để san lấp hoàn thiện… là không đúng với quy định của Luật Đất đai. Huyện cần phải có giải pháp để kịp thời khắc phục ngay tình trạng này. 
 
Bức xúc trước thực trạng lều quán được “cấp phép” mọc tràn lan tại các điểm du lịch, gây nhếch nhác, mất mỹ quan, nhất tại khu vực điểm du lịch hang Cò, Phó Bí thư Tỉnh ủy- Trưởng ban chỉ đạo phát triển Lý Sơn Trần Văn Minh yêu cầu chính quyền địa phương cần tiến hành tháo dỡ ngay, khôi phục lại nguyên hiện trạng hang Cò, giải tỏa các hàng quán xung quanh cổng Tò Vò, không cho xây dựng lều quán ở di tích chùa Hang, hang Câu…
 
Vấn nạn ô nhiễm môi trường
 
Cùng với tình trạng nhếch nhác của hàng quán kinh doanh thì tình trạng ô nhiễm môi trường ở đảo, nhất là tại các điểm du lịch cũng khiến Lý Sơn “mất điểm” trong mắt du khách. Dân số đông, cộng áp lực phát triển “nóng” du lịch, với lượng khách du lịch đến với Lý Sơn ngày một đông, khiến cho việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt một cách triệt để, đảm bảo môi trường sinh thái trở thành vấn đề nan giải.
 
Tại các điểm du lịch và các tuyến đường, khu dân cư và dọc tuyến kè, đê bao dọc bờ biển Lý Sơn đều có chung một vấn đề, đó là ô nhiễm môi trường trầm trọng. Nhiều người dân thiếu ý thức bảo vệ môi trường, nên vô tư mang rác thải gia đình xả thẳng xuống biển tại khu vực kè chắn sóng, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cảnh quan vùng biển đảo hoang sơ xinh đẹp…
 
Đảo Bé, xã An Bình với bãi biển đẹp, khung cảnh hoang sơ, thế nhưng trước “cơn sốt” du lịch, đảo Bé cũng đang đứng trước nguy cơ bị xâm hại bởi lượng rác thải của người dân và du khách. Bao nilon, chai nhựa, vỏ lon... đó là những thứ mà người dân và du khách dễ dàng nhìn tại các điểm du lịch quanh đảo Bé. 
 
Nhiều du khách đến với Lý Sơn đều tỏ ra khá thất vọng trước tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra ở đảo. Mới đây nhất, Jason Lehman, một du khách nước ngoài đến từ Melbourne (Australia) đến du lịch tại huyện đảo Lý Sơn đã chụp và đăng tải bộ ảnh rác thải trên đảo Lý Sơn lên facebook và nhận được hàng nghìn lượt chia sẻ và ý kiến của giới trẻ. 
 
Nhiều điểm du lịch ngập tràn rác thải các loại
Nhiều điểm du lịch ngập tràn rác thải các loại.
 
 
Theo chia sẻ của mình, Jason Lehman rất vui mừng và háo hức khi đến thăm Lý Sơn, bởi bất kỳ ai khi được Jason Lehman hỏi về Lý Sơn đều giới thiệu đây là một hòn đảo tuyệt vời, là hòn đảo với vẻ đẹp tự nhiên và hoang sơ cần được khám phá và trải nghiệm. Tuy nhiên, khi đến Lý Sơn, Jason Lehman đã cảm thấy thất vọng trước cảnh tượng rác thải tràn ngập khắp nơi, khác xa tưởng tượng- một nơi từng được ca ngợi là thiên đường xanh ở Việt Nam. 
 
Thống kê của huyện Lý Sơn, 9 tháng qua, hơn 146.000 lượt khách đến địa phương tham quan du lịch, tăng hơn 52.000 lượt khách so với cùng kỳ năm ngoái. 

Thực tế hiện nay, mặc dù, trên địa bàn huyện đã có Nhà máy xử lý rác thải với công xuất lò đốt 25- 30 tấn rác/ngày. Tuy nhiên, tần suất thu gom của đơn vị thực hiện không đủ cho nhà máy xử lý nên rác còn ứ đọng, nhiều rác thải sinh hoạt, phế  thải, vật liệu xây dựng tại các tuyến đường, khu dân cư, các điểm du lịch.

Bên cạnh đó, người dân vẫn lén lút chở rác vứt bừa bãi tại các nơi công cộng, dọc bờ biển gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhưng chính quyền địa phương chưa có biện pháp xử lý hiệu quả. Ngoài ra, tình trạng các cá nhân, tổ chức dựng các lều quán tạm bợ làm nơi kinh doanh dịch vụ ăn uống hoặc dựng nhà vệ sinh, nhà tắm nước ngọt… ngay tại các điểm du lịch, nước thải, chất thải sinh hoạt xả thẳng ra biển cũng là một nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển. 
 
Ông Nguyễn Thanh- Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: Vấn nạn đau đầu nhất hiện nay ở Lý Sơn là vệ sinh môi trường, dù huyện xem đây là nhiệm vụ hàng đầu. Tuy nhiên vấn đề tuyên truyền, vận động thu gom vẫn còn hạn chế, một số điểm vẫn còn đổ rác gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Thời gian tới huyện sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động người dân và khách du lịch nâng cao ý thức hơn nữa trong công tác bảo vệ môi trường, góp phần hạn chế thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường đang diễn ra. 
 
Không thể phủ nhận vẻ đẹp ở đảo Lý Sơn, tuy nhiên chính tình trạng ô nhiêm môi trường biển, cách xử lý rác thải thiếu ý thức của người dân, khiến khách du lịch khó lòng quay trở lại với Lý Sơn. Vấn đề này, huyện cần phải có giải pháp xử lý sớm, để duy trì cảnh quan và nét đẹp hoang sơ vốn có. Bởi nếu không có những giải pháp ngay từ bây giờ, biển đảo vốn là lợi thế của du lịch Lý Sơn có thể sẽ bị đánh mất.
 
Bảo Ngọc
 
Kỳ 3: Mở hướng cho Lý Sơn phát triển bền vững​
 

.