Phát triển nông nghiệp: Cần giải pháp căn cơ

08:08, 30/08/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quyết định hạ tầng nông thôn và chất lượng cuộc sống nông dân, nhưng ngành nông nghiệp rất khó hoàn thành vai trò “bà đỡ” của mình, nếu không có những giải pháp đầu tư căn cơ và đồng bộ.

Tái cơ cấu... rời rạc

Quảng Ngãi không thiếu các loại cây trồng, vật nuôi tiềm năng và có giá trị cạnh tranh cao. Song, hầu hết các loại nông sản trên địa bàn tỉnh đều chưa có chỗ đứng trên thị trường, vì thiếu sự liên kết giữa doanh nghiệp (DN) và nông dân trong việc sản xuất, tiêu thụ.

Thiếu thông tin thị trường, nên hiệu quả sản xuất của nông dân phó mặc cho... may mắn, đơn cử như dưa hấu.
Thiếu thông tin thị trường, nên hiệu quả sản xuất của nông dân phó mặc cho... may mắn, đơn cử như dưa hấu.


Ông Huỳnh Thương - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ khẳng định: “Chỉ có cây mía là được DN đầu tư và bao tiêu sản phẩm, còn lại hầu hết các loại cây trồng khác rơi vào cảnh “tranh mua tranh bán”, hiệu quả sản xuất cũng kém bền vững”. Đơn cử như cây keo, dù chiếm diện tích rất lớn, nhưng thực tế, giá trị kinh tế mà cây keo mang lại thấp. Vì ngoài thời gian đầu tư dài, rủi ro cao, thì sản phẩm chế biến từ cây keo chủ yếu là dăm gỗ có giá trị thấp. Hơn nữa, thị trường tiêu thụ dăm gỗ lại phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc, nên giá bán cũng bấp bênh. Việc sản xuất vì thế cũng kém bền vững.

Đối với cây mì, dù được Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, nhưng nông dân vẫn... chê,  vì lợi nhuận thấp. Theo tính toán, năng suất mì tươi trên địa bàn tỉnh hiện chỉ đạt 20 tấn/ha, doanh thu chưa đến 40 triệu đồng/ha. Vì thế, lợi nhuận mà người trồng mì có được cũng chỉ dừng lại ở 14-15 triệu đồng/ha, thấp hơn rất nhiều so với bình quân chung cả nước. Do đó, dù có sự tham gia của DN, nhưng ông Vũ Nhân - Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức cho rằng: “Mối liên kết này chưa theo hướng đôi bên cùng có lợi, vì DN chỉ thu mua sản phẩm theo giá có lợi cho mình”.

Riêng cây mía, tuy có Nhà máy Đường Phổ Phong đầu tư hỗ trợ sản xuất và bao tiêu sản phẩm, nhưng với nông dân, họ chỉ quan tâm và gắn bó với những sản phẩm mang lại lợi nhuận cho mình. Khi Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương, hàng hóa giá rẻ, trong đó đường của các nước trong khu vực sẽ ồ ạt tràn vào Việt Nam, còn các mặt hàng gỗ sẽ rộng đường xuất khẩu. “Do đó, nếu không có giải pháp thắt chặt mối liên kết giữa DN và nông dân thì thị trường của nhiều mặt hàng nông sản trong tỉnh sẽ phải nhường cho DN ngoại. Còn diện tích trồng trọt cũng bị cây keo soán ngôi”, ông Huỳnh Thương nhận định.

Giải bài toán thị trường

Ông Dương Văn Tô - Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc quá lớn vào điều kiện tự nhiên và thị trường. Cộng với đặc thù địa hình của Quảng Ngãi khó hình thành những vùng sản xuất lớn, mang tầm khu vực hoặc quốc gia. Vậy nên, dù không thiếu cây, con có tính cạnh tranh, nhưng Quảng Ngãi lại thiếu thị trường tiềm năng. “Vấn đề căn cơ, cốt lõi để ngành nông nghiệp đột phá chính là thị trường. Có thị trường ổn định, sẽ có sản phẩm chất lượng”, ông Tô nhận định.

Tuy nhiên, nông dân rất khó nắm bắt được thông tin thị trường. Bởi, không phải nông dân nào cũng có điều kiện và biết sử dụng... internet, cộng với thông tin thị trường đăng tải trên website của các Sở NN&PTNT, Sở Công thương và Chi cục Phát triển nông thôn đã mỏng, lại chưa kịp thời. Vì vậy, nông dân vẫn phải sản xuất theo “dự đoán” của mình, nên việc tiêu thụ phó mặc cho... may mắn!

Nhiều năm nay, ớt và dưa hấu là hai mặt hàng có sự biến động giá nhanh và mạnh nhất. Có thời điểm, giá bán cao kịch trần, nhưng lắm lúc lại rẻ như bèo. Dù vậy, nông dân trên địa bàn tỉnh không có ý định thu hẹp diện tích trồng hai loại cây này, vì chi phí đầu tư thấp, nên “chỉ cần một năm giá cao là có thể “bù” cho hai năm rớt giá”! Với cách lập luận này, ngành chuyên môn và chính quyền địa phương cũng chỉ biết tuyên truyền và khuyến cáo người dân... không mở rộng diện tích trồng ớt, dưa hấu!

Thực tế, từ khi triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã có bước chuyển dịch từ “lượng” sang “chất”. Song, để sự chuyển dịch bền vững và hiệu quả, ngành nông nghiệp cần nghiên cứu phổ biến rộng rãi thông tin thị trường, định hướng sản xuất cho nông dân; chủ động xây dựng và chuyển giao những mô hình hiệu quả đến tận người dân để họ biết và có hướng sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường.

Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.