Không chủ quan với dịch cúm gia cầm

06:07, 17/07/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Dịch cúm gia cầm đã xuất hiện ở nhiều nơi. Thời tiết giao mùa và ý thức chủ quan của người dân khiến nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm rất cao.
 
Lại lao đao vì cúm
 
Thời gian gần đây, người nuôi gia cầm bạc mặt vì dịch cúm gia cầm xảy ra, khiến nhiều đàn vịt tan nát, vịt, gà chết hàng loạt. 
 
Khuôn mặt vẫn chưa nguôi được sự tiếc nuối khi chủ quan không tiêm phòng cho đàn vịt để rồi phải tiêu huỷ cả đàn lên đến 4.000 con, ông Dương Thuận, ở thôn Trung Sơn, xã Tịnh Hòa (TP. Quảng Ngãi) ngồi thẩn thờ bên lều tạm trống hoác. Bao nhiêu vốn viếng ông dồn hết vào đàn vịt, bổng chốc trắng tay không kịp xoay xở.
 
Cuối tháng 6 vừa qua, đàn vịt của ông Thuận đang khỏe mạnh, bỗng nhiên xuất hiện dấu hiệu xả cánh, phù đầu, lăn đùng ra chết. Kết quả xét nghiệm, đàn vịt bị cúm A/H5N1, bắt buộc phải tiêu huỷ để kịp thời dập tắt dịch bệnh, hạn chế lây lan các đàn khác.
 
Ông Dương Đắc Vinh- Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Hòa cho biết, ngay sau khi phát hiện dịch cúm trên đàn vịt của ông Thuận, chính quyền địa phương phối hợp với cơ quan thú y tiến hành thực hiện công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi trong toàn 6 thôn của xã nhằm tiêu diệt và phòng mầm bệnh lây lan cho các đàn gia cầm khác, gây thiệt hại cho người chăn nuôi.
 
 
Tiêu hủy vịt bị cúm.
Tiêu hủy vịt bị cúm.
 
Cùng thời điểm đó, đàn vịt của ông Đặng Thanh Bộ, ở thôn Phú Lộc, xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh) cũng buộc phải tiêu hủy vì kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A/H5N6. 
 
Đàn vịt siêu nạc của ông Bộ có 600 con. Theo lý giải của ông Bộ vì nghĩ rằng thời gian nuôi ngắn (2 tháng) nên ông chủ quan không tiêm phòng, đến thời điểm xuất hiện bệnh, buộc phải tiêu hủy, đã có gần một nửa bị chết và ông tự mang đi tiêu hủy.  “Đau đớn” hơn đàn vịt bị tiêu hủy không phải mới thả nuôi mà chỉ còn vài ngày nữa ông dự định xuất chuồng.
 
Những năm qua, điều lo lắng nhất với người nuôi vịt, gà là dịch cúm. Năm nào dịch cúm cũng xảy ra, khiến nhiều người trắng tay, lâm vào cảnh nợ nần. Không ít người đã không còn khả năng tái đàn. Thế nhưng, hình như vẫn chưa là bài học “xương máu” cho nhiều người. 
 
Theo ông Nguyễn Văn Thuận- Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, từ đầu năm đến nay, Quảng Ngãi đã ghi nhận 6 ổ dịch cúm trên đàn gia cầm. Những ổ dịch này, hầu hết xuất hiện ở đàn vịt của những hộ không tiêm phòng theo đúng quy định và không đăng ký chăn nuôi với chính quyền địa phương.
 
Vứt xác gia cầm chết ra môi trường
 
Thời tiết giao mùa và ý thức chủ quan không tiêm phòng bệnh, đặc biệt là việc dấu dịch, vứt xác gia cầm bệnh ra môi trường của người nuôi, khiến nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm rất cao.
 
Mới đây, ở xã Bình Chương (Bình Sơn) phát hiện hơn chục bao tải đựng xác gà chết với hơn 600 con vứt xuống kênh. Cơ quan chức năng phải tiến hành vớt và tiêu hủy toàn bộ số gà này.
 
 
Người chăn nuôi cần nâng cao ý thức chăn nuôi phòng tránh dịch, bệnh.
Người chăn nuôi cần nâng cao ý thức phòng tránh dịch, bệnh.
 
Có thể nói, tình trạng gà vịt chết thay vì đào hố xa khu dân cư chôn lấp và tiến hành tiêu độc khử trùng môi trường nuôi, không ít người dân có ý thức kém vứt xác xuống kênh rạch để dòng nước chảy, mang mầm bệnh đi nơi khác không còn là chuyện mới.
 
Điều này còn nguy hiểm hơn, báo động nguy cơ lây nhiễm bệnh trên gia cầm, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, đời sống sinh hoạt của người dân.
 
Không nên chủ quan!
 
Theo quy định trong chăn nuôi, gia súc, gia cầm, chủ hộ nuôi phải đăng ký với chính quyền địa phương để được hỗ trợ về kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh và tiêm vắc xin định kỳ. Riêng với đàn vịt, vắc xin được miễn phí hoàn toàn, người nuôi chỉ trả tiền công tiêm 200 đồng/con.
 
Sau khi tiêm vắc-xin cho gia súc, gia cầm, người chăn nuôi sẽ cấp giấy chứng nhận để sau này khi dịch bệnh nguy hiểm xảy ra có căn cứ làm thủ tục để được hỗ trợ. Quy định là thế, số liều vắc xin đã sử dụng trong đợt 1 năm 2016 chỉ đạt chưa tới 60%.
 
Cũng theo ông Thuận, để phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, người chăn nuôi cần nâng cao ý thức chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, đăng ký chăn nuôi, tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi.
 
Khi có dịch xảy ra, báo cáo cho cán bộ thú y xã và chính quyền địa phương để được kiểm tra, tư vấn và xử lý không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng. 
 
Đồng thời hưởng ứng đồng loạt tháng tiêu độc, khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi, tuyệt đối không được giấu dịch, không bán chạy gia súc, gia cầm bị bệnh, không vứt xác gia súc, gia cầm ốm, chết ra ngoài môi trường xung quanh.
 
 
Bài, ảnh: Ái Kiều
 
 
 
 

.