Đấu thầu qua mạng đã có lộ trình cụ thể

11:07, 31/07/2016
.

(Baoquangngai.vn) - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng giai đoạn 2016 - 2025. Theo đó, đến năm 2025, 100% hoạt động mua sắm thường xuyên được thực hiện trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, áp dụng mua sắm tập trung trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
 
Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng thực hiện đấu thầu qua mạng. Việc thực hiện đấu thầu qua mạng tại Việt Nam là cần thiết, sẽ giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao tính minh bạch, tạo môi trường cạnh trạnh lành mạnh, công khai trong đấu thầu. 
 
Tại Việt Nam, Luật Đấu thầu sửa đổi được Quốc hội thông qua vào ngày 26/11/2013, trong đó có riêng 1 chương về đấu thầu qua mạng. Sau khi Luật được ban hành thì đấu thầu qua mạng trở thành hoạt động bắt buộc đối với các cơ quan nhà nước chứ không chỉ dừng ở mức khuyến khích triển khai như trong giai đoạn thí điểm. 

 

Đến năm 2025, 100% hoạt động mua sắm thường xuyên được thực hiện trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Ảnh minh hoạ
Đến năm 2025, 100% hoạt động mua sắm thường xuyên được thực hiện trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Ảnh minh hoạ
Điểm khác biệt lớn nhất của đấu thầu qua mạng là các bước chủ yếu được thực hiện trên mạng internet, từ đăng tải thông báo mời thầu, kế hoạch đấu thầu, cho đến thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu… Về phía nhà thầu, chỉ cần đăng ký chứng thư số, sau đó từ mua hồ sơ mời thầu (HSMT) và gửi hồ sơ dự thầu (HSDT) cũng như tham gia lễ mở thầu… tất cả đều được tiến hành qua mạng.
 
Nếu triển khai thành công đấu thầu qua mạng, lợi ích trước tiên là sẽ đảm bảo được tính công khai, minh bạch của công tác đấu thầu. Tất cả bên mời thầu, bên dự thầu chỉ cần ngồi ở trụ sở cơ quan và làm việc trên mạng. Sau khi HSMT được đưa lên mạng, trong suốt quá trình chuẩn bị đấu thầu, nhà thầu có thể gửi HSDT lên mạng bất cứ lúc nào, 9h tối hay 1h sáng đều được, miễn là trước giờ đóng thầu, chứ không phải như trước đây phải  đi nộp HSDT trong giờ hành chính trước khi đóng thầu.
 
Thứ nữa, tiến hành đấu thầu qua mạng cũng tránh được những tình huống tranh cãi, tranh luận không cần thiết, mất thời gian. Ví dụ như khi nhà thầu nộp HSDT chậm so với thời hạn đóng thầu là 1 - 2 phút thì có thể chấp nhận được, nhưng nếu chậm 5 - 10 phút thì khó tránh khỏi tranh cãi, thậm chí phải gọi qua bưu điện để xác minh.
 
Trong khi đó nếu thực hiện đấu thầu qua mạng thì lấy thời gian trên Hệ thống đấu thầu qua mạng làm chuẩn. Mặt khác, nếu quy định thời điểm mở thầu là 8h30 thì phải đúng giờ mới mở thầu được, muốn mở trước hay sau cũng không được. Khi mở thầu, các thông tin tự động hiện ra rất tiện lợi và tránh được tranh cãi không cần thiết, mất thời gian và phiền phức cho các bên tham gia.
 
Đấu thầu qua mạng còn là một thành phần quan trọng của chính phủ điện tử, thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông vào quá trình tương tác giữa các bên liên quan, nhằm nâng cao khả năng quản trị nhà nước, sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước, góp phần phát triển kinh tế xã hội, cải cách thủ tục hành chính, tăng tính công khai, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả kinh tế của công tác đấu thầu; giúp phòng, chống tham nhũng hiệu quả.
 
Tiện ích là thế, tuy nhiên, để đấu thầu qua mạng thực sự đi vào cuộc sống không đơn giản. Trở ngại lớn nhất khi triển khai đấu thầu qua mạng là chưa có quy định chi tiết thời gian, quy trình lựa chọn nhà thầu qua mạng dẫn đến các đơn vị rất lúng túng trong quá trình thực hiện và lo ngại việc giải trình cơ quan thanh tra, kiểm tra về quy trình thực hiện.
 
Hơn nữa việc chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và sự hạn chế về trình độ công nghệ thông tin tại các đơn vị cũng là trở ngại không nhỏ trong việc thực hiện đấu thầu qua mạng.
 
Để giải quyết vấn đề trên trong Kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng giai đoạn 2016 - 2025 vừa được Thủ tướng ban hành đã lên kế hoạch cụ thể, từ nay đến năm 2018 sẽ nâng cấp, quản lý và vận hành Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hiện tại hoạt động an toàn, ổn định và thông suốt đáp ứng yêu cầu sử dụng.
 
Đến giai đoạn 2019 - 2025, quản lý, giám sát nhà đầu tư PPP trong quá trình vận hành, khai thác hệ thống đấu thầu qua mạng tổng thể; xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật cho đấu thầu qua mạng giai đoạn mới phù hợp với Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia tổng thể; thực hiện kết nối Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia tổng thể với các hệ thống chính phủ điện tử khác...
 
Căn cứ tình hình thực tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ điều chỉnh tăng tỷ lệ áp dụng đấu thầu qua mạng cho từng năm đáp ứng mục tiêu đến năm 2025 đạt 100% các thông tin trong quá trình lựa chọn nhà thầu, thực hiện hợp đồng được đăng tải công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; tối thiểu 70% số lượng gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật đấu thầu thực hiện trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; 100% hoạt động mua sắm thường xuyên được thực hiện trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, áp dụng mua sắm tập trung trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
 
Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đặt tại địa chỉ http://muasamcong.mpi.gov.vn là hệ thống duy nhất trên toàn quốc thực hiện hai chức năng: Thống nhất quản lý thông tin về đấu thầu và đấu thầu qua mạng theo quy định, đóng vai trò là một cổng thông tin điện tử duy nhất cho toàn bộ các hoạt động đấu thầu mua sắm công.
 
Tựu chung lại, đấu thầu qua mạng hay hơn đấu thầu truyền thống về mọi mặt. Song để đấu thầu qua mạng đi vào hoạt động thuận lợi, đầu tiên vẫn là vấn đề con người, những người vận hành và sử dụng hệ thống đó. Để thực hiện đấu thầu qua mạng, các cán bộ thực hiện công tác này phải tham gia các lớp tập huấn về đấu thầu qua mạng. Đối với các nhà thầu, cũng nên tham dự các lớp tập huấn này để tìm hiểu, cũng như học hỏi kinh nghiệm. Nếu được tập huấn kỹ thì sẽ tránh được những sai sót trong quá trình thực hiện.
 
Q.Nhi

.