Ngân hàng ngưng giữ hộ, người dân "bí" chỗ gửi vàng

08:06, 11/06/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện chủ trương chống “vàng hóa” nền kinh tế, lãi suất gửi tiết kiệm vàng ở các ngân hàng đã giảm từ 5% xuống còn 0%/năm. Các ngân hàng ngưng huy động vàng, chuyển qua nhận giữ hộ vàng và thực hiện thu phí giữ hộ. Tuy nhiên, mới đây, các ngân hàng đã đồng loạt ngưng dịch vụ giữ hộ, gây khó khăn cho người dân.

Ngưng giữ hộ

Sau khi nhận được thông tin, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã ngưng dịch vụ giữ hộ vàng. Trao đổi về vấn đề này, ông Đoàn On – Giám đốc Ngân hàng Việt Á - Chi nhánh Quảng Ngãi cho biết: “Ngay sau khi nhận chỉ thị từ Hội sở chính, Ngân hàng Việt Á Quảng Ngãi đã ngưng hoạt động giữ hộ vàng đối với khách hàng mới.

Riêng những khách hàng đã gửi vàng từ trước, chúng tôi cũng đã thông báo cho khách hàng đến nhận lại vàng. Tuy nhiên, đến nay dù đã thông báo nhiều lần, nhưng nhiều khách hàng vẫn chưa đến nhận lại vàng”.

Hoạt động mua bán vàng trở nên trầm lắng sau khi các NH ngưng giữ hộ vàng.
Hoạt động mua bán vàng trở nên trầm lắng sau khi các NH ngưng giữ hộ vàng.

Theo ông On thì hiện tại, Việt Á vẫn còn giữ một lượng vàng khá lớn. Dù biết khách hàng lo lắng và không muốn lấy lại vàng vì không biết gửi ở đâu, nhưng đây là quy định nên phải tuân thủ. Do đó, trong những ngày tới, Việt Á sẽ tiếp tục đôn đốc khách hàng đến nhận lại vàng. Song, nếu khách hàng muốn bán vàng để gửi tiết kiệm thì ngân hàng sẽ ưu đãi về lãi suất.

Không riêng gì Việt Á, các ngân hàng khác đều thực hiện không giữ hộ vàng nữa. “Hiện tại, chúng tôi vẫn thực hiện hoạt động kinh doanh mua bán vàng, nhưng không giữ hộ vàng. Tuy nhiên, kể từ khi giá vàng giữ ở mức ổn định thì hoạt động này cũng trở nên trầm lắng và số khách hàng mua lượng vàng lớn để dự trữ đã không còn”, bà Lê Thị Bích Thảo – Giám đốc Ngân hàng Eximbank, Chi nhánh Quảng Ngãi nhận định.

Điều này cũng dễ hiểu bởi thực tế, thời gian qua dù được Ngân hàng Nhà nước cho phép giữ hộ tài sản, trong đó có vàng, nhưng nhiều ngân hàng vẫn không triển khai dịch vụ này. Ông Nguyễn Thiên Phiến – Phó Giám đốc Agribank Quảng Ngãi cho biết: “Agribank Quảng Ngãi có triển khai dịch vụ giữ hộ tài sản, nhưng không giữ hộ vàng. Nguyên nhân là do Agribank không có phương án giữ hộ vàng và không có nhân viên kỹ thuật thẩm định vàng”.

Khách hàng “bí” chỗ gửi vàng

Chị T.T.Y ở TP. Quảng Ngãi cho biết: “Lâu nay tôi luôn gửi vàng ở Ngân hàng Việt Á. Thế nhưng, vừa qua Việt Á đã gọi cho tôi và hối thúc đến nhận lại vàng vì họ không giữ hộ nữa. Không biết gửi đâu, tôi đành mang số vàng này về nhà, nhưng luôn lo sợ...”. Đây cũng là tâm trạng chung của nhiều người dân đang sở hữu vàng.

Khoảng hai năm trở lại đây, giá vàng dường như không biến động. Vì vậy, nếu nói người dân mua vàng để bán kiếm lãi thì không phải. Tuy nhiên, hiện nay số vàng trong dân vẫn rất nhiều. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng đã tăng lên. Cá biệt có một số ngân hàng đã “treo” lãi suất rất hấp dẫn để huy động vốn. Vậy tại sao nhiều người dân vẫn không bán vàng để gửi tiết kiệm? Có nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề này.

Hầu hết người dân cho rằng, tuy giữ vàng không có lãi và phải chịu phí. Thế nhưng, trong tình hình lạm phát tăng, người dân lo tiền bị mất giá. Hơn nữa, nhiều người muốn chia ra nhiều kênh tiết kiệm khác nhau thay vì chỉ gửi tiết kiệm. Một lý do khác nữa là do thói quen “truyền thống” trước đây là đổ vàng để tiết kiệm, chờ đợi ngày vàng tăng giá trở lại mới bán.

Còn về phía các ngân hàng thì đang khuyến khích người dân bán vàng để gửi tiết kiệm. Đây cũng là một trong những cách để các ngân hàng huy động lượng vốn lớn, đẩy mạnh hoạt động cho vay, góp phần đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Quyết định ngưng giữ hộ vàng là cơ hội để người dân cân nhắc khi quyết định nắm giữ vàng, từ đó tăng cường chống “vàng hóa”. Tuy nhiên, để thay đổi thoái quen cần có một quá trình dài, với điều kiện tiền Việt Nam đồng ổn định, lạm phát thấp. Bởi các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản không phải ai cũng có thể tham gia. Hơn nữa, thói quen tích trữ vàng đã có từ lâu, không phải một sớm một chiều có thể thay đổi.
         

Bài, ảnh: AN NHIÊN


 


.