Thành phố tập trung phát triển kinh tế biển

08:04, 17/04/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau khi các xã biển Nghĩa An, Nghĩa Phú, Tịnh Kỳ, Tịnh Khê được sáp nhập vào TP.Quảng Ngãi với số lượng tàu thuyền, sản lượng đánh bắt chiếm 40% của cả tỉnh, TP. Quảng Ngãi đã xác định kinh tế biển là một trong những ngành mũi nhọn, tạo đà thúc đẩy kinh tế thành phố đi lên.

Tháng 4 là cao điểm vào vụ đánh bắt cá chính trong năm của ngư dân. Cũng như nhiều ngư dân khắp nơi trong cả nước, ngư dân các xã ven biển TP. Quảng Ngãi đã và đang hối hả trực chỉ ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa để đánh bắt hải sản, làm giàu cho gia đình và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Đội tàu công suất lớn của ngư dân xã Tịnh Kỳ vươn khơi bám biển.
Đội tàu công suất lớn của ngư dân xã Tịnh Kỳ vươn khơi bám biển.


Theo thống kê đến cuối năm 2015, toàn thành phố có 2.170 tàu, với tổng công suất 514.000CV, trong đó tàu từ 90CV trở lên khai thác xa bờ có 1.170 chiếc (công suất 489.000CV), chiếm 95% so với công suất tàu cá toàn thành phố. Đây chính là đội tàu đủ tiềm lực kết hợp phát triển kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Nhờ sự đầu tư của Nhà nước, với kết cấu hạ tầng tại các cảng biển ngày càng được quan tâm đầu tư, chính sách hỗ trợ cho vay đối với ngư dân ngày càng được thông thoáng, nên ngư dân đã mạnh dạn đóng tàu cá công suất lớn để vươn khơi làm giàu từ biển. Trong năm 2015, sản lượng khai thác thủy sản của thành phố ước đạt 60.500 tấn (105% KH). Riêng quý I/2016, sản lượng khai thác thủy sản đạt 15.126 tấn (24,39% KH năm). Một số ngành nghề khai thác chủ lực như lưới chuồn, lưới kéo đôi, mành đèn, câu hố ngày càng khai thác hiệu quả. Đặc biệt, hiện thành phố đang trình UBND tỉnh xét duyệt 31/65 hồ sơ đóng tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ, để tạo điều kiện giúp ngư dân vươn khơi bám biển.

Ngư dân Phạm Hồng Hai ngụ thôn Phổ An, xã Nghĩa An, một trong những “đại gia” sở hữu nhiều tàu cá công suất lớn chia sẻ: “Tôi đi biển nhiều năm, giờ các con tôi lại nối nghiệp gia đình ra khơi. Khoảng 15 năm về trước, thôn Phổ An là một làng chài nghèo, tàu cá công suất nhỏ chỉ đánh bắt gần bờ, chứ chẳng thể nào vươn ra khơi xa được. Thế nhưng, bây giờ mọi thứ đã thay đổi, tàu cá công suất lớn ngày càng được ngư dân đầu tư đóng mới, vì nguồn lợi kinh tế từ biển là rất lớn, đi kèm với đó là vươn khơi để giữ gìn ngư trường của tổ tiên để lại. Riêng gia đình tôi, có bốn tàu cá công suất lớn (tổng công suất  1.720CV- PV), ngày đêm trực chỉ ở ngư trường Hoàng Sa. Nghề biển vất vả, nhưng đã mang lại cho ngư dân cuộc sống khấm khá hơn”.

Cùng suy nghĩ như ông Hai, ngư dân Nguyễn Văn Quang ngụ thôn Kỳ Xuyên, xã Tịnh Kỳ chia sẻ: “Tàu công suất lớn giúp ngư dân tự tin vươn khơi bám biển, khai thác được nhiều loại hải sản có giá trị. Do đó Nhà nước cần trợ lực hơn nữa cho ngư dân về các chính sách vay vốn, khâu hậu cần nghề cá, bảo vệ ngư dân khi đang đánh bắt hợp pháp, có như vậy chúng tôi mới an tâm vươn khơi bám biển”.

Mặc dù những thành quả đạt được là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, ngư dân làm nghề biển ở thành phố cũng gặp không ít khó khăn trở ngại. Ngư dân Phạm Hồng Hai chia sẻ: “Hiện cửa biển Cửa Đại mặc dù đã nhiều lần thông luồng, nhưng hiện tàu cá công suất lớn ra vào rất khó khăn, kéo theo đó là khâu hậu cần nghề cá cũng “đứng bánh” vì tàu cá công suất lớn của ngư dân hai xã Nghĩa Phú, Nghĩa An chủ yếu bán thủy sản ở cảng cá khác chứ không vào cảng cá Nghĩa An nữa.

Bài, ảnh: N. Viên

 


.