Có đất nhưng không thể sản xuất

04:03, 19/03/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, nhiều hộ dân ở xóm Chí Hòa, thôn Phú Lễ I, xã Bình Trung (Bình Sơn) khá bức xúc trước việc hơn 4ha đất ruộng được Nhà nước cấp nhưng không thể sản xuất, khiến cuộc sống của bà con nơi đây lâm vào cảnh khó khăn.

Làm nông nhưng phải mua gạo

Sự việc xảy ra khi dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, đoạn qua xã Bình Trung, triển khai thi công làm ảnh hưởng đến mương tiêu nước của cánh đồng Bầu Sen. Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện tại có khoảng 4ha ở cánh đồng Bầu Sen của trên 30 hộ dân phải bỏ hoang. Bà Ngô Thị Lãm, xóm Chí Hòa bức xúc nói: “Gia đình tôi chỉ có hơn 1 sào ruộng để trồng lúa. Vậy mà giờ đây đành phải bỏ trống. Làm nông mà phải đi mua gạo, trong khi mọi chi phí gia đình cũng chỉ biết dựa vào lúa”.

Nhiều nông dân ở xóm Chí Hòa phải bỏ hoang ruộng vì bị ngập úng.
Nhiều nông dân ở xóm Chí Hòa phải bỏ hoang ruộng vì bị ngập úng.


Không thể để ruộng bỏ hoang, một số hộ dân đã phải bỏ ra cả triệu đồng để dùng máy bơm nước ra mương rồi gieo sạ hoặc đi xin lúa ở nơi khác về cấy. Tuy nhiên, mọi nỗ lực cũng như muối bỏ biển. Bà Huỳnh Thị Xí ở xóm Chí Hòa, buồn rầu cho biết: “Vì có ít ruộng nên tôi đã thuê gần 1 sào đất của người khác ở đồng Bầu Sen để trồng lúa. Cũng nhờ đất tốt nên mùa nào tôi cũng thu được gần 6 bao lúa khô. Còn bây giờ không thể gieo sạ được, cuộc sống đã khó lại càng khó hơn. Nếu cứ kéo dài thế này thì lấy tiền đâu mà trả tiền thuê đất cho họ nữa”.

Không chỉ ảnh hưởng đến nguồn lương thực, công việc mưu sinh của người dân mà ngay cả trâu bò cũng không có rơm rạ để ăn. Bà Bùi Thị Mỹ than thở: “Cả nhà tôi 3 khẩu chỉ biết dựa vào 650m2 đất ruộng để sống. Vậy mà bây giờ không sạ được thì lấy gì mà ăn. Khổ hơn nữa là mấy con bò không có rơm ăn. Bây giờ nhiều thứ phải mua thì biết lấy tiền đâu”.

Cần tìm hướng giải quyết cho dân

Ông Hồ Văn Nhì – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Trung cho biết: Cánh đồng Bầu Sen trước nay thuộc vùng trũng, thường xuyên bị úng thủy, vì thế chính quyền địa phương thường xuyên nạo vét mương để đảm bảo việc sản xuất cho người dân. Đối với những khu vực không thể sản xuất được thì xã cũng đã thực hiện chủ trương cho dân mượn đất gò ở nơi khác để sản xuất. Riêng diện tích ruộng của người dân không sản xuất được thì vẫn chưa nghe dân phản ánh. Do đó, nếu có sự việc trên thì UBND xã sẽ lập tức cử cán bộ chuyên môn xuống đồng kiểm tra và sẽ có văn bản báo cáo gửi huyện.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Văn Thanh – Giám đốc Ban quản lý tiểu dự án giải phóng mặt bằng đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi cũng đã có chuyến thực địa xuống tại địa phương để nắm bắt tình hình. Ông Thanh cho rằng, vấn đề này trước mắt chính quyền địa phương phải có trách nhiệm rà soát, tổng hợp và báo cáo lên huyện, các ban ngành để tìm hướng giải quyết. Bởi việc đền bù chỉ nằm trong mốc lộ giới, còn những vùng bị ảnh hưởng thì hiện cơ chế Nhà nước chưa có.

Còn về phía người dân thì có chung đề xuất: Dự án làm đường cao tốc là chủ trương đúng, nên họ đồng tình ủng hộ. Thế nhưng, đối với những hộ không được đền bù, nhưng ruộng không thể sản xuất họ mong chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng của huyện cho nạo vét mương tiêu để bà con tiếp tục sản xuất, hoặc tạo điều kiện cho mượn đất ở nơi khác sản xuất.

Bài, ảnh: HỒNG HOA

 


.