Thị trường xe máy đội giá mùa Tết

01:02, 04/02/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nếu như cuối tháng 9.2015, giá của các dòng xe mô tô được nhà phân phối bán ra chênh lệch với giá của các hãng xe đưa ra chỉ tầm 1 triệu đồng trở lại, thì hơn một tháng nay, giá xe máy đang được các đại lý, nhà phân phối “hét” giá trên trời, dù sức mua không tăng như các năm trước.

Hét giá trên trời

Cuối năm, thường là thời điểm nhiều người mua sắm nhất. Trong đó, xe mô tô của các hãng như Honda, Yamaha, SYM… được đông đảo người dân chọn lựa. Tuy nhiên, điều khiến nhiều khách hàng bức xúc là giá xe tăng cao so với giá nhà sản xuất đưa ra.

 

 Nhân viên của Công ty Honda Sông Trà giới thiệu xe cho khách hàng.
Nhân viên của Công ty Honda Sông Trà giới thiệu xe cho khách hàng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại thời điểm tháng 9.2015, giá một chiếc xe SH mode chỉ dao động ở mức 51 triệu đồng (bao gồm cả thuế VAT) bán ra tại các đại lý, cửa hàng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, tại thời điểm này dòng xe trên đã tăng thêm 8 triệu đồng/chiếc. Hay như dòng xe Lead hiện có giá dao động từ 39,5-41 triệu đồng/chiếc tùy cửa hàng, đại lý. Khảo sát tại một số cửa hàng, đại lý xe máy lớn trên địa bàn TP. Quảng Ngãi như Tân Hoàn Phước, Honda Sông Trà, Sáng Thu... giá bán ra giữa các đại lý khá chênh lệch.

Trong vai người đi mua xe, chúng tôi đến Công ty Honda Sông Trà 1, hỏi mua xe máy Lead, nhân viên kinh doanh ở đây cho biết xe có giá 41 triệu đồng/chiếc. Khi chúng tôi hỏi sao giá đắt vậy, cô này cho biết đó là giá của công ty đưa ra, còn giá của hãng chỉ là... tham khảo. Còn cửa hàng của Công ty Tân Hoàn Phước, nhân viên ở đây cho biết giá xe Lead 40 triệu đồng chưa tính thuế trước bạ cho xe. Tương tự, tại cửa hàng của Công ty Sáng Thu giá xe cũng vậy. Theo ông Trần Quang Hiếu, quản lý tại cửa hàng của Công ty Honda Sông Trà 1, tháng cuối năm nhưng lượng xe tiêu thụ chậm hơn so với năm trước. Bình quân 20 chiếc/ngày và chỉ bằng so với những tháng trước.

Quyền thuộc về đại lý

Không chỉ những dòng xe số hay tay ga trung bình mà các dòng cao cấp như SH 150i của Honda, SYM Shark của Suzuki hay Piaggio của Vespa cũng được các cửa hàng, đại lý hét giá. Điều này khiến rất nhiều người dân phải "ngậm bồ hòn" khi mua xe với giá cao, dù thực tế giá nhà sản xuất đưa ra thấp hơn rất nhiều.

Để có phương tiện đi lại trong dịp Tết và cũng là tạo điều bất ngờ cho vợ trong ngày sinh nhật nên vừa qua anh Nguyễn Lợi (Tư Nghĩa) mua một chiếc SH mode phiên bản thời trang. Không một chút nghi ngại khi nghe nhân viên bán hàng thông báo giá xe là 59 triệu chưa thuế. Thấy quá đắt, anh tìm đến một đại lý khác và giá giảm xuống còn 58,5 triệu đồng.

“Thấy bên này rẻ hơn 500 nghìn nên tôi mua. Thế mà hôm sau về nhà ngoại chơi, chị hàng xóm cũng mua một chiếc tương tự nhưng giá chỉ có 57 triệu đồng. Tôi lên trang chủ của Honda xem thì mới vỡ lẽ mình mua bị hố khi giá nhà sản xuất đưa ra chỉ 50,4 triệu đồng/chiếc. Chưa nói gì hết thì đại lý đã lời 9 triệu đồng. Người dân chúng tôi thiếu thông tin nên bị mất tiền oan”, anh Lợi nói.

Trái ngược với bức xúc của người dân khi bỏ khoảng tiền lớn ra mua một chiếc xe, nhưng giá thực tế cao hơn nhiều so với giá nhà sản xuất đưa ra, các đại lý cho rằng đó là quyền của họ trong kinh doanh theo kiểu mua đứt bán đoạn. Bởi khi mua xe người dân sẽ nhận cùng lúc hai hóa đơn đỏ trong bộ hồ sơ gồm: Một của hãng sản xuất bán cho đại lý và một của đại lý bán cho khách hàng.

Bên cạnh bức xúc vì mua xe với giá quá đắt, nhiều khách hàng cho rằng một vấn đề nữa là trong quá trình mua xe và làm hợp đồng mua bán, các đại lý không bao giờ ghi đúng với giá mà khách hàng bỏ ra mà thường sẽ ghi thấp hơn từ vài triệu đến cả chục triệu đồng...

Bài, ảnh: L. ĐỨC
 

.