"Làng Quảng Ngãi" ở Bà Rịa-Vũng Tàu

01:02, 16/02/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Người ta vẫn thường gọi tên hai ấp Phú Lâm và Phú Sơn, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) là “làng Quảng Ngãi”. Bởi hai ấp này có trên 80% dân số là người Quảng Ngãi di cư vào lập nghiệp…

Làng trù phú với hồ tiêu và điều

Đến ấp Phú Lâm là đến những vườn tiêu, điều, cao su và cây ăn quả xanh bạt ngàn. Chẳng có ai nghĩ rằng, 30 năm về trước, nơi đây khá hoang vu, chỉ có hơn mười hộ dân sinh sống.

Ông Nguyễn Văn Hiền, quê ở xã Bình Đông (Bình Sơn), hiện là trưởng ấp Phú Lâm cho biết: “Lớp người Quảng đầu tiên đến lập nghiệp ở đất này là vào năm 1982 – 1983. Rồi từ năm 1996 – 2006, khi thấy mảnh đất này có nhiều triển vọng để phát triển kinh tế, người dân Quảng Ngãi mình bắt đầu ồ ạt tìm về lập nghiệp”.

Những vườn tiêu ở “làng Quảng Ngãi” vươn lên xanh tốt trên vùng đất đỏ miền Đông.
Những vườn tiêu ở “làng Quảng Ngãi” vươn lên xanh tốt trên vùng đất đỏ miền Đông.


Người Quảng Ngãi vào lập nghiệp ở ấp Phú Lâm, Phú Sơn hầu hết đều là người ở Bình Minh, Bình Đông, Bình An, Bình Hòa (Bình Sơn)... trước giờ chỉ quen với việc đi biển hoặc trồng lúa. Vì vậy đến đất khách học hỏi và chuyển hướng sang trồng cây lâu năm là chuyện không hề dễ dàng với họ. “Chỉ quen trồng cây ngắn ngày nên khi vào đây phát triển cây tiêu, điều… tôi phải học hỏi dần từng chút một. Từ chọn giống cho đến cách trồng, chăm sóc... mọi thứ đều quá mới mẻ với mình”, ông Đào Văn Hiếu – một trong những người dân Quảng Ngãi vào lập nghiệp sớm nhất tại ấp Phú Lâm cho biết.

Khởi đầu không thể tránh khỏi những gian nan nhưng nhờ cần cù, chịu thương, chịu khó nên sau khi rút kinh nghiệm từ những thất bại, ông Hiếu đã trở thành người trồng tiêu “mát tay” nhất nhì xã Hòa Hiệp. Bởi, bình thường, phải sau 2 năm, tiêu mới bắt đầu cho thu hoạch “bói”, rồi 3 năm, tiêu mới cho thu hoạch “rộ”; nhưng vườn tiêu của ông Hiếu - một nông dân mới làm quen với cây tiêu, chỉ sau 18 tháng đã cho năng suất “kỷ lục” -  bình quân 3 kg/trụ tiêu.

Chăm chỉ, nhẫn nại và từng bước vươn lên, những người dân của “làng Quảng Ngãi” ở Phú Lâm, Phú Sơn đã phủ xanh vùng đất đỏ nơi đây bằng rẫy tiêu, điều, cao su và những vườn cây ăn quả có giá trị kinh tế khá cao như mãng cầu, nhãn xuồng. Bình quân mỗi héc-ta tiêu mang lại cho người dân từ 2,5 – 4 tấn tiêu thành phẩm. Với giá mỗi ký tiêu những năm qua luôn đều đặn giữ ở mức 170 – 200 nghìn đồng, cây tiêu hiện đang được người dân ưu tiên mở rộng diện tích và trở thành cây trồng chủ lực nơi đây.

Ông Nguyễn Hoàng, quê ở xã Bình Mỹ (Bình Sơn) cho biết: “Chuyển qua trồng cây lâu năm, mình chỉ bỏ vốn lớn một lần, lại có thể thu hoạch đều đặn hằng năm nên hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn. Ví dụ như cây điều, không cần tưới nước hay bón phân nhiều, lâu lâu làm siêng quét dọn lá rụng. Vậy mà bình quân mỗi héc-ta điều mang lại từ 3 – 5 tấn hạt. Với giá hạt điều thường ở mức 25 nghìn đồng/kg thì chỉ cần phát triển được 1ha điều, là chúng tôi đã có nguồn thu nhập ổn định từ 75 – 125 triệu đồng mỗi năm”.

 

Ấp Phú Lâm có 263 hộ dân thì đã có trên 80% dân số là người Quảng Ngãi. Ấp Phú Sơn có 320 hộ dân, thì người Quảng chiếm đến 90%... Nếu như vào những năm 80 của thế kỷ trước, vùng đất Phú Lâm, Phú Sơn của xã Hòa Hiệp chỉ lác đác hơn 10 hộ dân, thì những năm 90, sau khi những người dân xứ Quảng đến định cư, đã phát triển vùng đất này trở thành vùng chuyên canh cây lâu năm có tiếng của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Tình đồng hương nơi đất khách

Cùng rời xa quê hương vào vùng đất đỏ miền Đông lập nghiệp, nên ngoài đặt mục tiêu phát triển kinh tế lên hàng đầu, nghĩa tình đồng hương của những người Quảng Ngãi xa quê cũng được mọi người trân trọng, gìn giữ. “Người đi trước hướng dẫn người đi sau. Ai ốm đau thì cùng cưu mang, thăm hỏi và giúp đỡ. Đó đã là “luật” bất thành văn ở làng Quảng Ngãi ở Phú Lâm, Phú Sơn…”, ông Nguyễn Văn Hiền - Trưởng ấp Phú Lâm khẳng định.

Để minh chứng cho lời nói của mình, ông Nguyễn Văn Hiền dẫn tôi ghé thăm hàng loạt vườn nhãn xuồng cơm vàng của người Quảng Ngãi – những vườn nhãn “trăm triệu” mà theo ông Hiền, đó là biểu hiện của sự sẻ chia và giúp đỡ lẫn nhau của người Quảng xa quê. “Trước đây, vùng đất này có rất nhiều gia đình trồng nhãn tiêu da bò. Nhưng đến năm 2000, khi nhãn rớt giá thê thảm, chỉ còn chưa đến 2 nghìn đồng/kg, người dân bắt đầu ồ ạt chặt bỏ hàng loạt. May sao lúc ấy, có một bác người Quảng Ngãi lặn lội tìm hiểu và ghép thành công gốc nhãn tiêu da bò với nhãn xuồng cơm vàng rồi đi ghép miễn phí cho bà con. Nhờ đó, bà con mình không chỉ giữ lại được cây nhãn, mà giá trị của nhãn được nâng lên từ 2 nghìn lên đến gần 40 nghìn đồng/kg mua tại vườn”, ông Hiền giải thích.

Người nông dân giỏi giang, hào phóng mà trưởng ấp Nguyễn Văn Hiền nhắc đến chính là lão nông Đào Văn Hiếu, người được xem là “cây đa, cây đề” của “làng Quảng Ngãi” ở Phú Lâm, Phú Sơn. Sau 4 năm tìm hiểu, ghép thành công  208 cây nhãn xuồng cơm vàng với nhãn tiêu da bò cho vườn nhà mình, ông Hiếu chia sẻ kinh nghiệm và tỉ mỉ hướng dẫn bà con ở “làng Quảng Ngãi” kỹ thuật ghép. Nhờ vào sự tận tâm, không giấu nghề của ông Hiếu mà giờ đây thương hiệu nhãn xuồng cơm vàng ở “làng Quảng Ngãi” đã được vào hệ thống siêu thị Co.opMart, Metro... Thậm chí đã ra đến Hà Nội…

Nói về những việc mình đã làm, ông Hiếu chỉ trả lời giản đơn: “Nếu cứ để anh em trồng rồi chặt bỏ thì không biết điệp khúc ấy bao giờ mới dứt. Thôi thì sức mình đến đâu, mình làm được những gì, cứ hướng dẫn và chia sẻ lại cho mọi người để cùng nhau vươn lên”.


Bài, ảnh: Ý THU


 


.