Ưu đãi giá điện: Người ở trọ khó "chạm tay"

02:10, 07/10/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù đã có quy định và chế tài cụ thể về giá bán điện đối với người ở trọ nhưng lâu nay, trên địa bàn tỉnh ta, các chủ nhà trọ vẫn “phớt lờ” quy định và tự đặt ra giá điện cao gấp 2-3 lần để thu lợi từ người thuê trọ.

TIN LIÊN QUAN

Thông tư 16/2014/TT-BCT của Bộ Công thương ban hành năm 2014 quy định: Người ở trọ có giấy đăng ký tạm trú được ngành điện cấp định mức để áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt. Theo đó, cứ 1 người được tính là 1/4 định mức và 4 người là 1 định mức. Nếu có bảo lãnh của chủ nhà trọ, người ở trọ được ký hợp đồng trực tiếp với bên bán điện. Trong trường hợp người ở trọ không ký hợp đồng trực tiếp với bên bán điện, chủ nhà trọ có trách nhiệm thu tiền điện của người ở trọ theo đúng giá bán lẻ điện sinh hoạt, cộng thêm 10% cho tổn thất, chi phí chiếu sáng và bơm nước dùng chung.

“Loạn” giá điện phòng trọ

Việc đăng ký định mức để hưởng giá bán lẻ điện sinh hoạt như hộ gia đình giúp người ở trọ- những người vốn có thu nhập thấp, giảm đáng kể gánh nặng chi phí sinh hoạt. Thế nhưng trên thực tế, để tìm được một khu trọ có giá điện được tính theo đúng quy định là việc vô cùng khó khăn. Khảo sát tại hầu hết dãy trọ gần Chi nhánh Trường Đại học Công nghiệp 4, Đại học Tài chính-Kế toán, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, các xí nghiệp may trong địa bàn TP.Quảng Ngãi...  giá điện đều được chủ nhà trọ thu ở mức 2.500 - 3.500 đồng/kWh. Trong khi đó, mức giá bán điện sinh hoạt cao nhất của ngành điện hiện nay chỉ ở mức 2.587 đồng/kWh.

Phần lớn học sinh, sinh viên và người có thu nhập thấp đang phải
Phần lớn học sinh, sinh viên và người có thu nhập thấp đang phải "oằn lưng" gánh giá điện cao hơn quy định.


Tại một dãy trọ gồm 8 phòng, nằm trong khu vực Trường Đại học Tài chính - Kế toán, mỗi phòng trọ đều được gắn công tơ riêng. Khách trọ ở đây chủ yếu là sinh viên và giá điện các em phải trả là 3.000 đồng/kWh. Thế nhưng, khi được hỏi về quy định đăng ký định mức để hưởng ưu đãi giá điện thì hầu như không em nào biết hoặc biết “mập mờ’ nhưng không dám yêu cầu chủ trọ thực hiện theo quy định vì sợ bị “làm khó”.
 

Vi phạm bị xử phạt đến 15 triệu đồng

Nghị định 134/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, hành vi bán điện với mức giá cao hơn quy định sẽ bị phạt tiền từ 7- 10 triệu đồng, đối với người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sinh hoạt và phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Đồng cảnh ngộ, chị Nguyễn Thị Luận, hiện ở trọ tại dãy nhà trọ thuộc tổ 16, phường Trần Hưng Đạo cho biết: “Khu nhà trọ tôi ở có 6 phòng, mỗi phòng đều được gắn công tơ riêng, chủ nhà tính tiền điện với giá 2.800 đồng/kWh. Với giá điện đó, hằng tháng sinh hoạt của hai mẹ con tôi phải trả từ 300-500.000 đồng tiền điện. Riêng mùa nắng nóng như tháng rồi, tiền điện của phòng tôi đã trên 700.000 đồng. Dù biết chủ trọ thu giá điện cao hơn quy định, nhưng giờ ở khu trọ nào cũng vậy nên chúng tôi đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Chủ trọ hưởng lợi từ định mức

Theo Phòng Chăm sóc khách hàng, Công ty Điện lực Quảng Ngãi thì, khi làm hợp đồng với ngành điện, các chủ nhà trọ đều được phổ biến về quy định đăng ký định mức và nhiều chủ trọ trên địa bàn TP. Quảng Ngãi đã đăng ký định mức cho người ở trọ để được hưởng ưu đãi về giá điện. Vì thế, các chủ trọ thường đăng ký định mức ở thời điểm đông người ở trọ. Tuy nhiên, điều đáng nói là khi người ở trọ chuyển đi, họ không cắt giảm định mức. Điều này đồng nghĩa chủ trọ luôn được lợi từ giá ưu đãi khi có định mức cao.

Ông Nguyễn Thanh-Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ngãi, cho biết: “Việc bán điện với giá cao hơn quy định là một hình thức kinh doanh điện. Những trường hợp này đã vi phạm Luật Thuế và Luật Điện lực vì kinh doanh điện phải có giấy phép. Thế nhưng, việc xử lý vi phạm không thuộc thẩm quyền của ngành điện mà thuộc về cơ quan chức năng là Sở Công thương và chính quyền địa phương. Do đó, khi phát hiện sai phạm, ngành điện chỉ có thể tuyên truyền, nhắc nhở”.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh ta cũng chưa có trường hợp chủ trọ nào sai phạm bị xử lý. Nhiều chủ nhà trọ biện minh cho việc giá điện thu cao hơn quy định là để bù vào thất thoát đường dây, bóng đèn đường đi chung, đồng hồ phụ chạy hụt…


 Bài, ảnh: HÀ XUYÊN



 


.