Đi lên từ... hủ tiếu

02:07, 19/07/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mạnh dạn mở lò làm bánh hủ tiếu đầu tiên ở miền Trung vào cái thời mà ngay cả nhiều người vẫn còn chưa biết hủ tiếu là món ăn như thế nào. Trải qua bao gian nan, thử thách, thế rồi cơ sở sản xuất bánh hủ tiếu không chỉ giúp gia đình ông thoát nghèo, hết cảnh tha hương mà ông còn có điều kiện giúp đỡ những người khó khăn khác. Ông là Nguyễn Văn Đức ở xã Phổ Khánh (Đức Phổ).

Hết tha hương nhờ... hủ tiếu


Giữa trưa hè chói chang, ai cũng tranh thủ nghỉ ngơi, tránh cái nắng gắt. Thế nhưng, khi vừa ghé vào thăm cơ sở sản xuất hủ tiếu của ông Nguyễn Văn Đức vẫn thấy công nhân làm việc hăng say. Người lo vận chuyển các phên bánh, người gỡ, cắt bánh. Ông Đức bảo, cái nghề này hay vậy đó, không sợ nắng mưa gì. Để có được cơ sở sản xuất bánh hủ tiếu trang bị đầy đủ máy móc, với công suất trung bình 300kg/ngày, tạo việc làm ổn định cho các lao động có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương, với thu nhập từ 3-3,5 triệu đồng/người/tháng như hiện nay, ông Đức đã trải qua biết bao gian nan, thử thách.

 Trung bình mỗi ngày cơ sở sản xuất của ông Đức cung cấp ra thị trường 300kg hủ tiếu thành phẩm.                                     Ảnh:  B.H
Trung bình mỗi ngày cơ sở sản xuất của ông Đức cung cấp ra thị trường 300kg hủ tiếu thành phẩm. Ảnh: B.H


Những năm gian khổ, khó khăn, vài sào ruộng không đủ trang trải cho cuộc sống ở vùng quê nghèo, vợ chồng ông Đức gửi con nhỏ cho ông bà, cùng những người cùng quê vào Nam bán hủ tiếu mưu sinh. Nhưng nhiều năm xa nhà cặm cụi, vất vả làm ăn, kinh tế gia đình vẫn không khá hơn, trong khi những đứa con ngày một lớn rất cần bàn tay chăm sóc của cha mẹ. Ông Đức nhận ra, nhiều người ở miền Nam làm giàu được bằng nghề sản xuất bánh hủ tiếu thì tại sao mình không làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình.

Nghĩ là làm, ông Đức xin vào làm ở cơ sở sản xuất bánh hủ tiếu. Năm đầu, công việc của ông chỉ là phụ giúp chứ chưa được học nghề làm bánh hủ tiếu. Nhờ chăm chỉ, quan sát và sáng tạo, ông Đức đã học được cách sản xuất bánh hủ tiếu.
Năm 2001, ông Đức quyết định về lại quê nhà mở cơ sở sản xuất bánh hủ tiếu. Thời gian đầu, cơ sở của ông chỉ sản xuất theo mô hình khép kín hộ gia đình từ khâu nguyên liệu cho đến ra thành phẩm và chỉ làm bằng thủ công. Sau khi học hỏi thêm kinh nghiệm từ những người đi trước, ông Đức mạnh dạn đầu tư, cải tiến, trang bị thêm máy xay bột, máy hấp bánh, máy cắt bánh... cho năng suất cao hơn. Nhờ đó sản phẩm làm ra ngày càng nâng cao chất lượng, sợi bánh dai, trong, ngon hơn.

Điều quan trọng là bánh hủ tiếu do cơ sở ông sản xuất ngày càng được nhiều khách hàng ưa chuộng. Lò hủ tiếu của ông Đức ăn nên làm ra đã “kéo” nhiều người từ miền Nam về quê làm ăn, lập nghiệp.

Nâng cao chất lượng sản phẩm

Ông Đức bảo, để làm ra sợi bánh hủ tiếu ngon, không chỉ nhờ vào việc nâng cấp trang thiết bị sản xuất mà điều quan trọng là phải nắm bắt kinh nghiệm, kỹ thuật làm bánh. Ngoài ra, theo ông Đức thì nhờ những sản phẩm tại chính quê nhà Quảng Ngãi như gạo, mì đã góp phần giúp ông sản xuất nên những sợi bánh hủ tiếu có chất lượng vượt trội hơn các nơi khác.

“Chất lượng phải được ưu tiên hàng đầu”, đó là tâm niệm của ông Đức trong sản xuất kinh doanh. Cho nên, cơ sở của ông luôn chú trọng chất lượng và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Ông Đức luôn đầu tư trang thiết bị mới, xây hầm biogas xử lý nước thải và nhắc nhở công nhân phải đảm bảo an toàn vệ sinh để giữ vững thương hiệu hủ tiếu của mình.
Chỉ tính riêng trong năm 2014, cơ sở sản xuất bánh hủ tiếu của ông Đức đã xuất bán ra thị trường khoảng 120 tấn thành phẩm. Với giá bán 12.000đồng/kg, sau khi trừ các chi phí, mỗi năm, ông Đức còn lãi trên trăm triệu đồng. Không chỉ xuất bán trong tỉnh, bánh hủ tiếu của ông Đức đã có mặt khắp các tỉnh từ Gia Lai đến Nghệ An. Hiện nay ông Đức đang có kế hoạch mở rộng thị trường đến các tỉnh phía Bắc.

Bên cạnh việc kinh doanh, ông Đức cùng gia đình luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nhất là đóng góp ủng hộ các phong trào khuyến học của địa phương. Từ làm thuê trở thành ông chủ, câu chuyện về ông “Đức hủ tiếu” như một bài học ý nghĩa về sự chăm chỉ, cần mẫn, không ngại khó. “Bản thân ông Đức là nông dân tiêu biểu trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” của huyện Đức Phổ”, ông Huỳnh Tiến Bộ-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Phổ cho hay.


BẢO HÒA - THU HIỀN


 


.