Lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2014: Khó về đích đúng hạn

02:05, 30/05/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo quy định, 5 năm một lần các địa phương thực hiện thống kê, kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất. Lần yêu cầu lập bản đồ hiện trạng mới đây nhất là vào năm 2014, tuy nhiên tại Quảng Ngãi, đến nay công tác này vẫn chưa hoàn thành. Không có bản đồ hiện trạng sử dụng đất, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương gặp nhiều khó khăn, lúng túng.

Thời điểm kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2014 được thực hiện thống nhất trên phạm vi cả nước tính đến hết ngày 31.12.2014. Theo đó, cấp xã hoàn thành và báo cáo kết quả trước ngày 1.6.2015; cấp huyện hoàn thành và báo cáo kết quả trước ngày 15.7.2015; cấp tỉnh hoàn thành và báo cáo kết quả trước ngày 1.9.2015; cả nước và các vùng kinh tế - xã hội hoàn thành trước ngày 1.11.2015. Điều này có nghĩa là hiện giờ đã là thời điểm 184 xã, phường, thị trấn trong tỉnh phải hoàn thành kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2014. Thế nhưng việc này hiện vẫn chưa đâu vào đâu!

Do thiếu thông tin về hiện trạng sử dụng đất, huyện Sơn Hà xây nhà tái định cư trên đất quy hoạch là rừng phòng hộ. Trong ảnh: Khu tái định cư  Mang Pô, xã Sơn Ba, Sơn Hà.
Do thiếu thông tin về hiện trạng sử dụng đất, huyện Sơn Hà xây nhà tái định cư trên đất quy hoạch là rừng phòng hộ. Trong ảnh: Khu tái định cư Mang Pô, xã Sơn Ba, Sơn Hà.


Theo báo cáo của các huyện, tiến độ lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất ở xã, phường, thị trấn hiện nay chủ yếu mới đến bước thứ 2 trong 6 bước của quy trình lập bản đồ. Việc chậm trễ của cấp xã đã kéo theo sự chậm trễ trong việc tổng hợp, lập bản đồ cấp huyện và cấp tỉnh.

Đầu năm 2015, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ, Trưởng Ban chỉ đạo kiểm kê, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2014 tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo tất cả các địa phương phải khẩn trương hoàn thành công việc kiểm kê, lập bản đồ hiện trạng. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ tổng hợp, lập bản đồ hiện trạng cấp tỉnh, gửi về Trung ương theo đúng quy định. Tuy nhiên, vì đây là công việc phức tạp, khó khăn, trong khi năng lực cán bộ địa phương còn nhiều hạn chế, nên xảy ra lúng túng trong thực hiện sự chỉ đạo này. Và khi càng lúng túng, sự việc lại không suôn sẻ, cộng với vướng mắc, khó khăn chưa được giải quyết kịp thời dẫn đến tình trạng “giờ G” đã điểm mà bản đồ hiện trạng sử dụng đất của phần lớn các xã, phường, thị trấn vẫn chưa hoàn thành.

Mục đích của việc kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất là nhằm đánh giá chính xác thực trạng sử dụng đất của từng đơn vị hành chính các cấp xã, huyện, tỉnh, các vùng kinh tế và cả nước. Đây là cơ sở để đánh giá tình hình quản lý đất đai trong 5 năm qua và đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất của các cấp, nhất là việc lập, điều chỉnh, quản lý, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong giai đoạn 2016 – 2020.

Thực hiện quy định này, UBND tỉnh đã ban hành phương án yêu cầu các địa phương phải xác định rõ quỹ đất đang sử dụng, quỹ đất đã đưa vào sử dụng nhưng còn để hoang hóa, quỹ đất chưa sử dụng, đánh giá thực trạng sử dụng đất và tình hình biến động đất đai so với kỳ kiểm kê năm 2010; việc thực hiện quy hoạch kế hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt, hoàn thiện quy hoạch kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020, đề xuất việc hoàn chỉnh chính sách, pháp luật về đất đai.  

Việc hoàn thiện bản đồ hiện trạng sử dụng đất có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về đất đai. Đó là cơ sở để chính quyền quản lý một cách hiệu quả về đất đai, giảm bớt tình trạng khiếu nại có liên quan. Con số 70% số vụ khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai đã phản ánh phần nào những hạn chế, yếu kém trong quản lý nhà nước về lĩnh vực này trong thời gian qua.

Tại Quảng Ngãi, chính vì việc lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất chưa kịp thời hoặc có lập thì cũng làm chiếu lệ, chưa đạt yêu cầu dẫn đến công tác quản lý nhà nước về đất đai có nhiều sai sót. Đơn cử như “cấp giấy mà không cấp đất” ở huyện Sơn Hà; tỉnh quyết định thu hồi đất, giải tỏa vì lấn chiếm trái phép công trình kè nhưng huyện lại ra quyết định sử dụng đất lâu dài trên cùng một diện tích xảy ra ở huyện Tư Nghĩa; xây nhà tái định cư trên đất rừng phòng hộ để cấp cho dân ở xảy ra ở Trà Bồng, Sơn Hà...  

Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.