Niềm vui trong vụ chè mới

02:04, 03/04/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Thủ phủ chè” Minh Long đang vào mùa. Ngay từ đầu tháng Giêng đến giờ bà con ở đây đã tất bật cho mùa thu hoạch. Năm nay, chè được mùa lại được giá đã trở thành  niềm vui lớn cho hầu hết bà con ở Minh Long.

TIN LIÊN QUAN

Niềm vui trở lại

Đến Minh Long vào những ngày này chúng tôi rất vui khi thấy hình ảnh nhiều người lên rẫy để hái chè tươi về bán. Khác với những năm trước, năm nay hầu hết bà con đã biết chăm bón và phát triển cây chè ở địa phương mình.

Giữa cái nắng chói chang của những ngày cuối tháng ba, nhưng chị Đinh Thị Sách, thôn Hà Liệt, xã Long Hiệp vẫn địu con lên rẫy để tranh thủ hái những nhánh chè non nhất để bán. “Bây giờ nhiều nhà uống chè tươi nên mình không lo không bán được. Hễ hái về được bao nhiêu là bán cho bà con xung quanh để nấu nước uống. Nếu hái được nhiều thì các tiểu thương tới mua hết. Giá cả lại cao hơn những năm trước nên bà con ai cũng vui”, chị Sách cho biết.

Tiểu thương Nguyễn Văn Vĩnh (xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa) phấn khởi khi năm nay mua được nhiều chè hơn những năm trước.                                                              Ảnh: VIÊN - DIỆU
Tiểu thương Nguyễn Văn Vĩnh (xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa) phấn khởi khi năm nay mua được nhiều chè hơn những năm trước. Ảnh: VIÊN - DIỆU


Cây chè là loại cây trồng truyền thống và có từ rất lâu đời ở huyện Minh Long. Lâu nay nó vẫn được xem là một trong những cây công nghiệp mang lại thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình. Tuy nhiên, có một thời gian nó đã bị “quên lãng” vì những loại cây trồng khác mang lại hiệu quả cao hơn.

 Hiện nay, diện tích chè trên địa bàn huyện Minh Long còn trên 90ha và tập trung nhiều nhất ở các xã Long Hiệp, Thanh An, Long Mai và Long Môn. Theo nhiều hộ dân, giá chè tươi bán ra cũng khá cao so với những năm trước. Cứ 1ha chè cho thu hoạch từ 40 đến 45 triệu đồng. Bình quân, một ngày, một người có thể hái từ 100 đến 150 lọn chè và thu về gần 200 nghìn đồng. Chính vì thế nên đời sống của đông đảo bà con nơi đây đã từng bước được cải thiện, cuộc sống cũng ngày càng phát triển hơn xưa.

Có mặt tại xã Long Môn để thu mua chè của bà con, anh Nguyễn Văn Vĩnh, một thương lái ở xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) cho hay: “Năm nay người dân ở đây hái được rất nhiều chè. Chất lượng chè cũng ngon và tươi hơn những năm trước nên khi mua chúng tôi rất ưng ý. Chính vì thế mà giá thu mua chè cao hơn mọi năm. Chỉ mới đầu mùa mà tôi đã mua mấy tạ chè rồi. Từ nay cho đến hết tháng 9 mới hết mùa thu hoạch chè nên mình cũng mua được nhiều”.

Cần xác định “hướng đi” cho cây chè

Từ xa xưa chè Minh Long được biết đến là một loại chè thơm ngon và mang hương vị rất đậm đà, được nhiều người ưa thích khi thưởng thức. Hơn nữa, người dân không dùng thuốc trừ sâu và phân hóa học để chăm bón nên chè tinh khiết và được nhiều người sử dụng để chữa một số bệnh.  

Tuy năm nay chè được mùa, được giá, nhưng người dân vẫn băn khoăn vì chưa có hướng đi thích hợp cho cây chè. Là xã có diện tích chè nhiều nhất huyện, thế nhưng chính quyền, bà con ở Long Hiệp không tránh khỏi lo lắng. Bởi đã có những năm, cây chè không còn là loại cây trồng chính mang lại kinh tế cho bà con ở đây nữa. Thay vào đó, người dân trồng các loại cây cho kinh tế cao hơn loại cây bản địa này. Giá cả thì bấp bênh, đầu ra thì bị ép giá, chính vì thế mà người dân phá chè để trồng keo, mì. Vì thế diện tích chè giảm xuống đáng kể.

 “Năm nay giá chè cao trở lại. Vì thế người dân đã quan tâm chăm sóc chè nhiều hơn, với mong muốn sẽ có những thuận lợi, hướng đi mới cho cây chè ở xã”, ông Nguyễn Đình Dũng – Chủ tịch UBND xã Long Hiệp bày tỏ.

Hiện nay, diện tích chè ở Minh Long đang được cải thiện và UBND huyện xây dựng nhiều mô hình trồng chè ở các địa phương, nhưng những hướng đi mới bài bản cho cây chè vẫn chưa rõ nét.

Trao đổi vấn đề này, ông Lê Minh Chí – Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Minh Long cho biết: “Chè trên địa bàn huyện đều là chè bản địa, có từ xưa và được người dân chăm sóc. Khác với những loại cây khác, chè cho thu hoạch quanh năm. Tuy nhiên, những năm trước  giá chè rất thấp và cây chè không cho năng suất cao nên dần dần người dân không còn thiết tha với việc chăm sóc cây chè nữa. Năm nay, chè được giá, cùng với đó là sản lượng thu hoạch những ngày đầu mùa cũng cao. Thương lái không ép giá nên đây cũng như một tín hiệu vui cho bà con. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phát triển thêm diện tích chè và mở nhiều mô hình với mong muốn phát triển cây chè ở địa phương để cây chè có những hướng đi mới tốt hơn”.
    

Đ.DIỆU - N.VIÊN
 


.