Tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Nông dân phải là chủ thể

10:10, 07/10/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cùng với nông thôn mới (NTM), thì tái cơ cấu ngành nông nghiệp được đánh giá là chương trình lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống nông dân. Do đó, để chương trình đạt kết quả cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị...

“Mục tiêu của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp (Đề án) là nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giúp nông dân hưởng thành quả xứng đáng với công sức lao động của mình. Để làm được điều này, các ngành, địa phương phải tập trung đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, dồn điền đổi thửa, phát triển kinh tế trang trại, hình thành vùng sản xuất các sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, thực hiện các giải pháp liên kết nông dân và doanh nghiệp để tạo chuỗi giá trị sản xuất, thụ hưởng... Quá trình thực hiện nếu vướng mắc về mặt vốn, chính sách ngành nông nghiệp phải rà soát và báo cáo kịp thời để tỉnh có hướng tháo gỡ hoặc tỉnh kiến nghị Trung ương xem xét điều chỉnh”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ khẳng định.

Đột phá đầu tư

Trước nay, Mộ Đức được xem là huyện dẫn đầu tỉnh về năng suất, sản lượng lẫn chất lượng lúa. Thế nên, cũng chẳng có gì bất ngờ khi địa phương này sở hữu những cánh đồng lúa chất lượng cao, rồi hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa với diện tích lên đến 2.000ha/5.500ha. Hướng đi này mở ra triển vọng không chỉ giúp nông dân sống khỏe với cây lúa, đồng ruộng, mà còn góp phần xây dựng thương hiệu lúa gạo Quảng Ngãi. Có điều “đó là tham vọng của chính quyền và nhân dân huyện Mộ Đức. Còn thực hiện được hay không lại là một chuyện khác”, Phó Chủ tịch huyện Mộ Đức Vũ Nhân trải lòng.

 

Dù giúp đẩy nhanh việc dồn điền đổi thửa nhưng do kinh phí lớn, việc ứng dụng kỹ thuật laser san phẳng ruộng chưa sử dụng tại Quảng Ngãi.
Dù giúp đẩy nhanh việc dồn điền đổi thửa nhưng do kinh phí lớn, việc ứng dụng kỹ thuật laser san phẳng ruộng chưa sử dụng tại Quảng Ngãi.


 Lý giải tâm tư trên, ông Nhân cho rằng, dù đã sản xuất lúa chất lượng nhiều năm nay, nhưng nông dân Mộ Đức vẫn chưa thoát cảnh “phụ thuộc” từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Đã thế, với nguồn lực có hạn của huyện nên việc đầu tư chỉ dừng lại ở hỗ trợ chi phí, kỹ thuật sản xuất; còn tiêu thụ thì nông dân vẫn tự bơi nên chưa tạo được đột phá.

Cùng cảnh ngộ trên, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Trần Văn Sương cho rằng: “Xác định tập trung phát triển đàn bò lai và “cây đặc sản” gồm quế, thanh long ruột đỏ, nhưng điều chúng tôi lo lắng nhất chính là làm sao để các đối tượng này mang lại hiệu quả bền vững, bởi việc đầu tư luôn trong tình trạng khát vốn, thiếu đồng bộ”. Quả thật, dù thị trường tiêu thụ đang rộng mở nhưng như thế không có nghĩa cánh cửa cho thanh long ruột đỏ sẽ mãi “rộng” khi mà hiện giờ, nó đang thu hút rất nhiều nông dân trong tỉnh trồng. Do đó, “nếu chúng ta không quy hoạch sản xuất cụ thể, dài hạn cho từng đối tượng thì có tái cơ cấu, nông dân vẫn chịu thiệt”, ông Sương cho hay.    

Mạnh tay tháo gỡ những rào cản

Sản xuất nông nghiệp lâu nay luôn trong tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, thiếu tập trung. Sản phẩm nông sản phải qua tay quá nhiều trung gian trước khi đến được nhà buôn lớn nên giá thành thấp, dễ tạo cảnh thừa giả tạo khiến người sản xuất thua thiệt…

Khi đề cập đến vấn đề này, nhiều lão nông cho rằng, “cũng một phần do nông dân ít đất”. Quả thật vì điều kiện khách quan nên hiện giờ, hạn mức đất sản xuất nông nghiệp (lúa, hoa màu) của mỗi hộ chỉ từ một đến vài sào (500m2/sào), nông dân vì thế cũng khó có cơ hội để “đầu tư lớn, làm ăn lớn”. Để giảm khiếm khuyết này, chỉ còn cách dồn điền đổi thửa (DĐĐT) nhằm hạn chế bờ vùng, bờ thửa; lại dễ áp dụng máy móc để gia tăng giá trị sản xuất trên cùng diện tích. Có điều, chủ trương DĐĐT lại đang vấp phải quá nhiều rào cản. Chẳng thế mà dù đã triển khai thực hiện từ hai năm nay nhưng đến giờ, toàn tỉnh chỉ DĐĐT được trên 260 ha. Con số này quá nhỏ so với 21.700ha đất sản xuất cần được DĐĐT và chỉnh trang.

Ngoài sắp xếp và quy hoạch vùng, đối tượng sản xuất, thì Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn tập trung giải quyết những vấn đề dân sinh. Điển hình là bố trí dân cư vùng đặc biệt khó khăn và ảnh hưởng thiên tai. Chủ trương này đã được UBND tỉnh phê duyệt đến năm 2020, phải hoàn thành bố trí tái định cư (TĐC) và ổn định chỗ cho hơn 11.300 hộ dân các vùng ảnh hưởng thiên tai. Tuy nhiên, đến thời điểm này, toàn tỉnh chỉ mới bố trí chỗ ở cho 54/3.395 hộ dân và xây dựng 2/76 khu tái định cư tập trung. Lý do đạt thấp: Chậm bố trí vốn!

Với nhiều khó khăn, rào cản nên hiện giờ, việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang rất cần sự đồng thuận của người dân và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Bởi nói như Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đào Minh Hường thì: “Mục tiêu của Đề án là cải thiện hiệu quả sản xuất cũng như thu nhập cho nông dân. Do đó, quá trình thực hiện phải lấy dân làm chủ thể. Dân đồng thuận thì mọi việc sẽ hanh thông”.


Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.