Nhắm mắt tìm vận may (kỳ 3)

07:08, 04/08/2014
.

TIN LIÊN QUAN

Kỳ 3: Phải tính đến sự ổn định, bền vững


Tình trạng người dân đào ao thả tôm trong vùng đất quy hoạch khu kinh tế, rồi việc nuôi tôm bằng kháng sinh hay biện pháp xử lý đáy hồ, nguồn nước bằng thuốc diệt khuẩn BKC… đã tồn tại suốt một thời gian dài, nhưng dường như chưa nhận được sự vào cuộc tích cực từ phía các ngành chức năng. Trong khi đó, Nghị định 103/2013/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản nêu rõ: “Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi xây dựng cơ sở nuôi trồng thủy sản không theo quy hoạch hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép...“Lỗi của chúng tôi là… tiếc đất!”

 

Đó là bộc bạch của những người dân có hồ tôm trên núi hay đất quy hoạch KKT Dung Quất. Những hộ này cũng thừa nhận, việc đào ao nuôi tôm trong đất đã quy hoạch là sai. Nhưng theo ông Thông, chủ 5 hồ tôm có diện tích 4.500 m2 ở thôn Phước Thiện, xã Bình Hải (Bình Sơn) thì: “Đất quy hoạch nhưng bỏ trống bao nhiêu năm nay, lại chưa được các cấp thu hồi và đền bù nên người dân chúng tôi thấy tiếc, tận dụng nuôi tôm chứ có phá đâu”. Đồng quan điểm này, người hàng xóm tên Thành cũng bức xúc cho rằng: “Họ nói chúng tôi xây hồ tôm trái phép nhưng thực ra, đất này vẫn thuộc quyền sở hữu của người dân đấy chứ. Khi nào Nhà nước cần thu hồi, chúng tôi tự nguyện tháo dỡ hồ chứ giờ bỏ đất không, phí quá. Bởi đất này con tôm đang “ưa”. Cứ 2 tháng nuôi là đạt 65 - 70 con/kg, kiếm vài chục đến cả trăm triệu đồng”.   

Khi tôi đề cập đến chuyện nuôi tôm tự phát như thế sẽ gây ô nhiễm môi trường, rồi dịch bệnh, cả ông Thành lẫn ông Thông đều nói rành rọt: “Toàn xã Bình Hải có 23 hồ tôm. Hồ nào cũng gắn ống dẫn nước thải ra biển nên không dễ gì ô nhiễm! Mà nếu sợ ô nhiễm, sao ngành chức năng không đến giúp đỡ, hướng dẫn chúng tôi”?

Mô hình
Mô hình "bê tông hóa ao nuôi, xử lý đáy hồ-nước bằng men vi sinh" của ông Hoàng Ngọc Tuyền ở xã Đức Minh (Mộ Đức).


Quả thật trước lý lẽ này, ngành chức năng huyện Bình Sơn cũng “đau đầu” khi tìm cách giải quyết. Bởi dù biết 3 hồ tôm vắt vẻo trên núi dễ sạt lở, gây nguy hiểm cho người và tài sản các khu dân cư bên dưới, còn 23 hồ tôm nằm trong đất quy hoạch KKT Dung Quất sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quy hoạch khu đô thị Vạn Tường và bãi tắm Thanh Thủy, Khe Hai, nhưng theo Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Sơn Phan Diệp thì: “Cần phải thận trọng trong việc xử lý, vì số tiền đầu tư mà người dân đổ ra cho con tôm quá lớn”. Hẳn vậy nên Phòng NN&PTNT đã tham mưu UBND huyện Bình Sơn hướng xử lý: Buộc tháo dỡ 3 hồ trên núi ngay trong tháng 8.2014; các hồ còn lại thì người dân phải viết cam kết khi có công trình đầu tư, sẽ tự nguyện tháo dỡ và không được đền bù phần tài sản. Tuy nhiên, câu hỏi dư luận đặt ra là vì sao phải đợi đến khi người dân “chôn” đống tiền xuống các ao tôm, lực lượng chức năng mới vào cuộc?

Cùng với chuyện hồ tôm, công tác quản lý các cơ sở kinh doanh và giám sát chất lượng thuốc, thức ăn nuôi tôm dường như cũng đang bị bỏ ngỏ. Vì nói như ông Trần Sáu, ngụ thôn Thạch Thang, xã Đức Phong (Mộ Đức) thì “nếu thuốc, thức ăn, chất tẩy rửa hồ, nước nuôi tôm được cấp trên quản lý nghiêm ngặt, liệu người dân có cơ hội đổ kháng sinh, rồi BKC xuống hồ hay không?”. Quả thật, câu hỏi này đã được người dân đặt ra cho các ngành chức năng nhiều năm qua, nhưng rồi thức ăn, thuốc tốt xấu các loại vẫn “lọt” xuống ao tôm.

Đã đến lúc “tính chuyện lâu dài”

Theo ý kiến của những người đã từng “sống chết” với con tôm hơn 15 năm qua, để đối tượng này tránh được dịch bệnh, dư lượng kháng sinh, giá cả bấp bênh… thì trước hết, chính quyền địa phương phải mạnh tay trong việc khoanh vùng cấm nuôi và xây dựng khu xả thải. Theo lý giải của lão nông Trần Sáu, chính hành động “bóc lột” đất của người dân theo kiểu “thuốc nhiều sạch bệnh” đã làm cho sự sống của con tôm sa sút. Thế nên, để “cứu” nghề nuôi tôm, chính quyền phải cấm ngay một số vùng nuôi theo hướng có thời hạn và xen kẽ.   

Còn đối với người tôm xã Đức Minh (Mộ Đức), bà con cho rằng, muốn con tôm sinh lợi, cần phải bỏ cách nuôi “mì ăn liền”. Quả thật, sau khi chứng kiến mô hình “bê tông toàn bộ ao nuôi, dùng men vi sinh xử lý nước, đáy hồ thay cho BKC, không xả nước thải” của ông Hoàng Ngọc Tuyền (Quảng Ninh) - người đã thuê 36ha của Công ty TNHH MTV SXTM&DV Quảng Ngãi để nuôi tôm thì, một số người dân cũng bắt đầu suy nghĩ về cách nuôi “ao đất, dùng BKC suốt quá trình nuôi, xả nước thải liên tục” của mình. Nhưng muốn nuôi được như ông Tuyền, hộ dân phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để xây hồ, rồi kỹ thuật ủ men, cách thức châm pha nước... những thứ vốn xa lạ đối với nhiều người. Thế nên, chung quy lại, họ vẫn cần Nhà nước “giúp sức” về hạ tầng và kỹ thuật.

Xoay quanh chuyện con tôm, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh hồi đầu tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát thẳng thắn chia sẻ: “1kg tôm = 20kg lúa. Hiệu quả con tôm mang lại là rất lớn, nên nó chính là đối tượng mà Bộ NN&PTNT và nhiều địa phương lựa chọn trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tôi thấy Quảng Ngãi hội đủ điều kiện thuận lợi để phát triển con tôm. Nhưng để nó giúp người dân “đổi đời” bền vững, thì địa phương phải có kế hoạch đầu tư hạ tầng vùng nuôi; cũng như nghiên cứu ban hành chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia nuôi trồng, bao tiêu sản phẩm. Quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc, Bộ sẽ hết sức giúp đỡ, ủng hộ”.

Hy vọng với sự ủng hộ của Bộ NN&PTNT cũng như ngành chức năng của tỉnh, sắp tới nghề nuôi tôm sẽ được đầu tư hoàn chỉnh về hạ tầng, kỹ thuật, kể cả lo cho đầu ra để việc nuôi tôm ổn định, người nuôi không phải lao đao như lâu nay.


Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.