Một bà chủ quyết đoán và nhân ái

01:08, 16/08/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ấn tượng khi gặp bà Nguyễn Thị Dung - chủ cơ sở Tiến Thịnh ở xã Bình Chánh (Bình Sơn) đó là người phụ nữ nhanh nhẹn, hiếu khách, tính cách mạnh mẽ, quyết đoán trong sản xuất kinh doanh, sống chan hòa, nhân ái với người lao động. Cơ sở Tiến Thịnh đã góp phần giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động tại địa phương.

“Tay ngang” làm kinh doanh

Từng là giáo viên nhưng vì hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn, cô Dung nghỉ hưu sớm tìm cách làm ăn. Vào đầu năm 1990, bà Dung thu mua heo thịt để bán cho Công ty Vissan tại TP. Hồ Chí Minh. Sau một thời gian, nhận thấy thị trường hàng thủy sản hút khách, bà quyết định chuyển hướng làm ăn. Năm 2000, gom vốn liếng, bà thuê lại mặt bằng mở chi nhánh cho một công ty. Vào những năm đó, chi nhánh của bà Dung giải quyết việc làm thường xuyên cho 600 lao động địa phương với công việc gia công cá bò.

Năm 2010, bà Dung quyết định thành lập cơ sở Tiến Thịnh chuyên gia công các mặt hàng cá, mực. Trong khi nguồn nguyên liệu cá bò phải nhập về từ Vũng Tàu, thì các mặt hàng cá nục, mực chỉ nhập từ các cảng cá trên địa bàn tỉnh và vùng lân cận như Sa Kỳ, Sa Huỳnh, Kỳ Hà... Mới đây cơ sở Tiến Thịnh đã đầu tư kho đông lạnh trị giá 400 triệu đồng để bảo quản hàng hóa. Kho đông lạnh có thể trữ đến 40 tấn hàng. Mỗi tuần, tại cơ sở Tiến Thịnh xuất 2 đến 3 đợt thành phẩm với khối lượng 20 tấn/lần xuất.

Bà Nguyễn Thị Dung (bìa phải) đang cùng công nhân vận chuyển hàng vào kho đông lạnh.
Bà Nguyễn Thị Dung (bìa phải) đang cùng công nhân vận chuyển hàng vào kho đông lạnh.


Hiện nay, cơ sở Tiến Thịnh có khoảng 100 phụ nữ địa phương làm việc với mức thu nhập 200 ngàn đồng/công, chưa kể tiền làm thêm ngoài giờ. Ngoài ra còn 29 người có việc làm ổn định. Vấn đề trả thu nhập cho người lao động luôn được bà Dung chú trọng. Bà luôn ghi chép cẩn thận, không bỏ sót giờ làm việc nào của chị em và chi trả đúng thời gian quy định.

Năm 2013, bà Dung tìm hiểu và tiến hành gia công sản phẩm rong biển. Đây là công việc mới, thị trường tiêu thụ mặt hàng này phong phú như làm thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm. Để đảm bảo cho việc gia công đúng các yêu cầu kỹ thuật, cơ sở Tiến Thịnh cử 10 công nhân trẻ tuổi có năng lực đi tiếp thu kỹ thuật tại Quảng Nam để về hướng dẫn cho những người khác.

Việc quyết định đầu tư gia công, chế biến rong, tảo biển không chỉ góp phần mở rộng cơ sở sản xuất mà còn giúp chị em phụ nữ có thêm công việc làm, tăng nguồn thu nhập. Bởi vì gia công cá nục, mực chủ yếu làm vào 6 tháng đầu năm khi mùa biển yên. Còn những tháng mùa biển động thì nhân công được chuyển sang gia công rong biển. Mỗi ngày, cơ sở có thể gia công từ 1 - 3 tấn rong biển. Cứ vài ngày là xuất hàng thành phẩm với khối lượng khoảng 10 tấn/lần xuất.

Mỗi năm, sau khi trừ các chi phí, cơ sở Tiến Thịnh còn lãi từ 300 - 400 triệu đồng. “Điều quan trọng nhất, cơ sở đã giải quyết được việc làm cho lao động nông thôn nhất là lao động”, bà Dung chia sẻ.

Vừa là “bà chủ”, vừa là người chị, người em trong gia đình

Có thâm niên trong việc sản xuất, kinh doanh và lúc nào cũng quản lý hàng trăm nhân công, nhưng bà Dung luôn bảo: “Bà chủ gì đâu, mình chỉ là người làm việc như những người khác thôi”. Bởi suy nghĩ đơn giản như vậy, nên tại cơ sở Tiến Thịnh không hề có sự phân biệt giữa chủ và những người làm. Bà chủ vẫn luôn tay luôn chân, xắn tay áo vào làm việc cùng mọi người. Bà Phạm Thị Thìn vào làm việc tại cơ sở Tiến Thịnh từ những năm 2000. Vì quý cái tình, cái nghĩa, sự vui vẻ mà bà chủ luôn tạo ra tại cơ sở làm việc, nên bà Thìn rất thích làm việc tại đây. Với bà Thìn, cơ sở Tiến Thịnh không chỉ tạo việc làm ổn định cho bản thân mà còn là nơi để chị em phụ nữ gặp gỡ, tâm sự và chia sẻ những câu chuyện trong cuộc sống với nhau. Những ngày nhàn rỗi, bà Dung còn tổ chức họp mặt, liên hoan cho các chị em làm việc tại đây.

Bà Nguyễn Thị Liên làm việc tại cơ sở Tiến Thịnh, kể: “Những hôm mọi người phải làm đến tối, bà chủ hiểu ý luôn hỗ trợ chị em ăn khuya để có sức làm việc. Ở nông thôn, có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định từ 3 - 4 triệu như thế này là mừng lắm! Điều quý nhất là tinh thần làm việc vui vẻ, thoải mái, hòa đồng với nhau, nên tụi tui chỉ theo cơ sở này làm việc thôi!”.

Đặc thù những công việc này thường dành cho giới nữ. Với tâm lý của một người phụ nữ từng qua nghề giáo, bà Dung chia sẻ, việc quản lý không hề dễ dàng chút nào. Phụ nữ thường gánh nhiều nỗi lo, áp lực của cuộc sống. Có người đến chỗ làm việc có khi vẫn còn canh cánh trong lòng lo toan nhiều việc. Thế nên người quản lý phải vừa là người chị, người em để đồng cảm, chia sẻ, thấu hiểu. Từ đó, gắn kết mọi người lại để tạo môi trường làm việc thoải mái, đoàn kết, đạt hiệu quả công việc cao nhất.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung - Phó Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Bình Sơn cho biết, Tiến Thịnh là một trong những cơ sở đã góp phần tiêu thụ số lượng thủy sản đánh bắt được của ngư dân. Bên cạnh việc thu hút và giải quyết một lượng lớn lao động, cơ sở Tiến Thịnh luôn thực hiện tốt các quy định của Nhà nước.

Bà Nguyễn Thị Dung dự định sắp đến mở trang trại nuôi heo. Theo tính toán của bà, mục đích nhằm tạo mô hình kinh doanh khép kín, tận dụng những sản phẩm thừa từ đầu cá, mực để làm thức ănchăn nuôi. Đồng thời mở ra thêm những cơ hội đào tạo nghề, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn cho chị em địa phương.    

 

Bài, ảnh: BẢO HÒA


 


.