Tiếng hát từ những boong tàu

08:05, 04/05/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Rẽ sóng ra khơi, bất kỳ con tàu nào cũng muốn nặng cá trở về. Ước mong rất thực ấy đã thôi thúc ngư dân vươn khơi, mang tình yêu và tiếng hát đến các vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc…

“Ngày còn nhỏ, tôi thường lén ra biển xem ba trèo lên cái thuyền nan bé xíu mà vừa thèm vừa sợ. Lớn hơn một chút, tôi được ba cho theo thuyền đánh cá nhưng phải… ôm cột buồm vì say sóng! Từ đó đến giờ cũng ngót 15 năm, tôi lần lượt đổi chiếc thuyền nan ấy bằng tàu gỗ có công suất 410 CV, đến con tàu vỏ thép 892 CV... Tôi yêu biển! Tôi cần biển!”, ngư dân Mai Thành Văn, ngụ xã Bình Chánh (Bình Sơn) chia sẻ trong ngày nổ máy chiếc tàu vỏ thép đầu tiên của tỉnh.

Biển cho cuộc sống    

Vừa trở về sau gần hai tháng đánh bắt ở vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa nhưng ngư dân Võ Xuân Cảnh, ngụ xã Phổ Quang (Đức Phổ), chủ con tàu có công suất 340 CV đã vội vã tiếp dầu, chuyển đá cùng thực phẩm để chuẩn bị xuất bến. Lý giải sự khẩn trương này, anh Cảnh nói gọn: “Đang mùa cá, phải tranh thủ!”.

Những con tàu rẽ sóng vươn khơi
Những con tàu rẽ sóng vươn khơi


Hóa ra, mùa này trời êm, lại có gió nồm nên ngư dân dễ trúng luồng mực, luồng cá lớn, nhất là cá ngừ, cá nục. Thế nên, dù mệt nhoài sau phiên biển dài ngày, nhưng cả chủ tàu lẫn anh em đi bạn nhất quyết không chịu nghỉ ngơi, mà hối hả lên tàu thẳng hướng Trường Sa những mong kiếm thêm nhiều “lộc”. Vì “chuyến đi vừa rồi, anh em được “ấm” túi nên ai cũng khí thế”, một người đi bạn tên Kiên vui vẻ tiết lộ.

Còn tại cảng Dung Quất, con tàu vỏ thép công suất 892 CV của ngư dân Mai Thành Văn cũng đã nổ máy, sẵn sàng đưa 12 lao động rẽ sóng vươn khơi, chính thức bước vào vụ đánh bắt cá Nam.

Với anh Văn, thế là muộn. Vì mọi năm, tàu anh đánh vụ cá Nam ngay từ đầu tháng 3. Nhưng dù phiên biển trễ gần một tháng, anh Văn vẫn không quá phiền lòng, vì “được chừng ấy anh em đi cùng là may đấy. Chứ nhiều tàu giờ vẫn phải nằm bờ đợi... bạn. Đời ngư dân giàu nhờ bạn, sang nhờ biển mà”, vừa nói, anh Văn vừa kiểm tra dụng cụ, đồ đạc lần cuối rồi tăng tốc. Con tàu tròng trành, rồi lao vút ra đại dương.

Cùng với ông Cảnh, anh Văn thì hiện giờ, ngư dân khắp nơi trong tỉnh cũng đang tất tả nộp “thức ăn” cho tàu gồm: Dầu, đá, thực phẩm, nước uống… để chinh phục vụ cá Nam. Bởi nói như Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Phan Huy Hoàng thì: “Đây là vụ khai thác, đánh bắt quyết định mức độ vơi đầy của vò gạo ngư dân”.

Tiếng hát cho niềm tin

Bây giờ, mỗi con tàu vươn khơi không thiếu bất kỳ trang thiết bị hỗ trợ nào, từ ra đa đến máy dò cá. Nhưng theo ngư dân Nguyễn Chín, xã Phổ Quang (Đức Phổ) thì ngoài máy định vị, máy dò ngang thì chiếc ra-đi-ô nhỏ chính là vật bất ly thân của anh em trên tàu. Bởi, “có nó nói ra rả, nơi biển giả mọi người đỡ quạnh hiu”, ông Chín bảo thế.

 

Niềm vui của ngư dân với phiên biển đầy cá.
Niềm vui của ngư dân với phiên biển đầy cá.


Biết thế nhưng khi xuống thăm tàu, tôi vẫn không khỏi bất ngờ vì chiếc ra-đi-ô được ông Chín cẩn thận đặt bên vô lăng. Cạnh đó còn có cây đàn ghi ta cũ. “Ra-đi-ô để theo dõi thời sự, tin tức thời tiết và nghe…nhạc; còn ghi ta thì để anh em đàn hát. Vì giữa biển trời mênh mông, tiếng hát vừa giúp anh em giải khuây vừa dụ được… cá”, chủ tàu Nguyễn Chín nói vui. Chẳng thế mà trong lúc đợi lệnh xuất bến, 10 anh em bạn tàu ông Chín xúm nhau ôm đàn, hát to những ca khúc “tự sáng tác” không đầu không cuối. “…Giữa muôn trùng sóng dữ/Ngàn sao vẫn sáng/Giữa đại dương mênh mông/Ta lái tàu tìm cá/Rồi ngày nắng cháy/Khoang cá đã đầy/Tàu ta vơi nước (ngọt)/Mà ai cũng cười…”.

Nhìn cảnh ấy, tôi chợt nhớ đến thuyền trưởng Nguyễn Hữu Phúc, ngụ thôn Phú Quý, xã Bình Châu (Bình Sơn). Anh là người đã cứu giúp 4 ngư dân mang quốc tịch Philippines bị trôi dạt trên biển hồi đầu tháng 1.2014 vừa qua. Nghĩa cử ấy đã được biểu dương,  nhưng với tôi, ấn tượng về thuyền trưởng Nguyễn Hữu Phúc và anh em bạn tàu lại là chuyện khác. Đó là chỉ trong 10 ngày, 4 thuyền viên Philippines đều nói được câu “Việt Nam ơi, Việt Nam ơi. Hoàng Sa, Trường Sa” với giọng lơ lớ.

Hỏi ra mới biết, suốt từ lúc gặp nhau đến khi tàu cập cảng Sa Kỳ, anh Phúc đã hát và kể cho họ nghe về Hoàng Sa, Trường Sa. Vì, “tôi chỉ muốn họ biết, Trường Sa - vùng biển của Việt Nam đã cứu họ”, anh Phúc lý giải. Ấy nên hôm 4 người bạn Philippines lên đường về nước, Phúc rưng rưng: “Việt Nam ơi, Việt Nam ơi/Nước non ta sáng ngời ngàn xưa/Này anh em cùng ca vang, núi xanh xanh, biển cả xanh xanh/Đây Hoàng Sa, đây Trường Sa ta vẫn tự hào/Đây tình thương, đây màu da, ta Nam Trung Bắc một nhà”…

Quả thật, cuộc sống nơi đại dương mênh mông tuy còn thiếu, khổ đủ bề nhưng ngư dân bảo rằng, họ vẫn luôn cười và hát. Bởi hành động ấy là thông điệp mà bà con kiêu hãnh gửi đến mọi người: Ngư dân Quảng Ngãi luôn chắc tay lưới, sắt son tấm lòng bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Bài, ảnh: MỸ HOA  

 


.