Công nghiệp phụ trợ ở Quảng Ngãi: Vẫn là khoảng trống

02:05, 21/05/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, Quảng Ngãi là tỉnh thu hút đầu tư đạt những con số đầy ấn tượng. Nhờ đó mà số lượng và quy mô doanh nghiệp ngày càng tăng lên nhanh chóng. Thế nhưng, công nghiệp phụ trợ vẫn là lĩnh vực thu hút rất khó khăn.

Theo BQL KKT Dung Quất, hiện đã có 113 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào KKT Dung Quất với tổng vốn đăng ký trên 8,5 tỷ USD, vốn thực hiện gần 5 tỷ USD, có trên 73 dự án hoạt động sản xuất kinh doanh. Tại Dung Quất đã hình thành Trung tâm công nghiệp nặng đầu tiên của Việt Nam, bao gồm Nhà máy Lọc dầu, Nhà máy Polypropylene, Nhà máy đóng tàu, Tổ hợp nhà máy chế tạo thiết bị nặng Doosan Vina, Nhà máy nhiên liệu sinh học, các nhà máy công nghiệp cơ khí, sản xuất xi măng... Trong khi đó, 2 khu công nghiệp Tịnh Phong và Quảng Phú cũng đã thu hút 88 dự án đầu tư, với tổng nguồn vốn đăng ký hơn 5.400 tỷ đồng.

 

Tại KKT Dung Quất đã có Tổ hợp nhà máy chế tạo thiết bị nặng Doosan Vina, nhà máy đóng tàu…
Tại KKT Dung Quất đã có Tổ hợp nhà máy chế tạo thiết bị nặng Doosan Vina, nhà máy đóng tàu… nhưng công nghiệp hỗ trợ ở lĩnh vực này vẫn còn để trống.


Các dự án đầu tư đi vào sản xuất kinh doanh đã đưa giá trị sản xuất công nghiệp của Quảng Ngãi có bước nhảy vọt. Tuy nhiên, giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp chưa cao do tỉnh chưa hình thành các ngành công nghiệp phụ trợ để tạo chuỗi sản xuất mang giá trị cao hơn. Không những thế, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào. Nếu như năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt trên 500 triệu USD thì kim ngạch nhập khẩu lên  đến 1,15 tỷ USD. Còn nếu tính cả 4 năm gần đây (từ 2010 đến 2013), thì cán cân xuất-nhập khẩu còn chênh lệch hơn nhiều khi xuất đạt gần 1,5 tỷ USD thì nhập khẩu lại trên 10 tỷ USD. Ngoài dầu thô phục vụ chế biến của NMLD Dung Quất, thì các sản phẩm nhập khẩu chủ yếu của tỉnh là máy móc, phụ tùng thay thế, sắt thép…
 

“Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020” đã được Chính phủ phê duyệt và khẳng định rõ công nghiệp hỗ trợ là động lực của quá trình CNH, HĐH đất nước, là nền tảng cho việc phát triển bền vững các ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam.  

Thực tế trong các KCN hiện vẫn có một số doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ, nhưng đây là lĩnh vực còn rất khiêm tốn và chỉ tập trung ở lĩnh vực sản xuất bao bì, còn đối với các ngành công nghiệp lớn như chế tạo, lắp ráp ô tô, xe máy; công nghiệp dệt may, giày da... thì vẫn còn bỏ ngỏ. Ở KKT Dung Quất, trước đây, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đã quy hoạch, xây dựng một số nhà máy công nghiệp phụ trợ phục vụ cho Nhà máy đóng tàu Dung Quất, nhưng sự “sụp đổ” của Vinashin đã khiến cho các dự án trên phá sản ngay trên giấy.

Để phát huy thế mạnh với công nghiệp nặng là chủ đạo, đồng thời để tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn hơn nhằm thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư đến với Quảng Ngãi, tỉnh sớm có chiến lược phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Có như vậy mới tạo ra chuỗi liên kết sản xuất đối với các sản phẩm chủ lực, cũng như các sản phẩm dịch vụ phụ trợ kèm theo để tăng năng lực sản xuất của nền kinh tế và tạo giá trị gia tăng cho ngành sản xuất công nghiệp, qua đó tạo ra nhiều việc làm mới cho người lao động.

Công nghiệp hỗ trợ là công nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng, nguyên phụ liệu… phục vụ công nghiệp chính. Thực tế thì sản phẩm của công nghiêp phụ trợ là những sản phẩm mang tính đặc thù cao, sản xuất theo quy chuẩn và yêu cầu thiết kế cụ thể của đơn vị đặt hàng, thường gặp nhiều khó khăn về tài chính và khó tiêu thụ. Đây là nguyên nhân mà các doanh nghiệp trong nước và cả những nhà đầu tư nước ngoài không mấy mặn mà khi đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Một rào cản nữa là việc phát triển công nghiệp hỗ trợ hiện còn vướng khung pháp lý. Đây là những vấn đề cần tập trung tháo gỡ.

Trong quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh giai đoạn tới, phát triển công nghiệp phụ trợ được coi là một trong những mũi nhọn phát triển được ưu tiên hàng đầu, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ liên quan đến chuỗi liên kết lọc hóa dầu. Quảng Ngãi đã hình thành cụm công nghiệp nặng ở KKT Dung Quất, đồng thời hiện có hàng loạt nhà máy may mặc, dày da, điện tử… đang sản xuất tại KKT Dung Quất, các KCN Quảng Phú, Tịnh Phong và tới đây là ở KCN VSIP Quảng Ngãi. Nên việc thu hút theo chuỗi với các ngành công nghiệp đã định hình mới thật sự tạo ra một nền sản xuất công nghiệp bền vững. Theo quy hoạch sau khi mở rộng KKT Dung Quất, khi khu công nghiệp Dung Quất II hình thành, ngoài diện tích đất để phát triển công nghiệp nặng thì tỉnh cũng dành khoảng 2.000ha để thu hút, phát triển công nghiệp phụ trợ.

Theo các chuyên gia kinh tế, yếu tố cốt lõi quyết định đến phát triển công nghiệp hỗ trợ là cơ chế chính sách và chiến lược phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (trong lĩnh vực sản xuất các linh kiện, phụ tùng, nguyên phụ liệu). Trước hết sớm quy hoạch các nhóm sản phẩm công nghiệp phụ trợ ưu tiên phát triển, từ đó có cơ chế chính sách và những giải pháp thúc đẩy phát triển cụ thể như hỗ trợ vốn, đào tạo phát triển  nguồn nhân lực, cung cấp thông tin… Cùng với đó cần đa dạng hóa trong hợp tác, liên doanh liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài vào Quảng Ngãi để cung ứng các linh kiện, sản phẩm hỗ trợ phù hợp, có chất lượng cao. Bởi việc liên kết kinh doanh hình thành chuỗi giá trị đang trở thành yếu tố quan trọng hàng đầu để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Ngoài ra, cần phát triển hạ tầng tốt, gắn với cải thiện thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU
                                                                                                 
 


.