Liên kết để phát triển và bảo vệ vùng đới bờ

08:04, 15/04/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi xác định đến năm 2020 là một trong những tỉnh mạnh và giàu về biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển và đảo. Tuy nhiên hiện nay, việc khai thác lẫn cách bảo vệ, quản lý vùng đới bờ, vùng biển chưa hợp lý, chưa có tính liên thông giữa các ngành, làm cho môi trường biển ngày càng suy kiệt, chưa phát huy hiệu quả.

Chồng chéo việc khai thác, quản lý

Việt Nam là một quốc gia có diện tích biển rộng gấp 3 lần diện tích đất liền, có lợi thế hướng ra biển, với đường bờ biển kéo dài trên 3.260km (không kể bờ các đảo). Trên 3.000 đảo lớn nhỏ ven bờ, hai quần đảo ngoài khơi là Hoàng Sa và Trường Sa.

Dải ven biển nước ta có 114 cửa sông, 12 đầm phá, khoảng 50 vũng ven bờ, khoảng 20 loại kiểu sinh thái điển hình và trên 100 điểm khoáng sản đã được phát hiện... Điều này đã tạo nên nét đặc trưng cảnh quan thiên nhiên và nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng, cho phép phát triển nhiều lĩnh vực kinh tế biển quan trọng, như cảng biển, thủy sản, dầu khí, khai khoáng, du lịch và nhiều lĩnh vực dịch vụ đi kèm...

 

Quảng Ngãi còn rất nhiều tàu công suất nhỏ đánh bắt ven bờ là nguyên nhân làm cạn kiệt nguồn hải sản vùng đới bờ.
Quảng Ngãi còn rất nhiều tàu công suất nhỏ đánh bắt ven bờ là nguyên nhân làm cạn kiệt nguồn hải sản vùng đới bờ.


Quảng Ngãi là một trong những tỉnh ven biển có nhiều lợi thế phát triển kinh tế biển với nguồn tài nguyên dồi dào, điều kiện thuận lợi. Tuy nhiên, việc khai thác sử dụng biển, quản lý vùng ven biển và hải đảo ở nước ta nói chung và Quảng Ngãi nói riêng chưa hiệu quả, thiếu bền vững. Nguyên nhân là hoạt động, khai thác sử dụng biển đảo vẫn mang tính tự phát, tập trung vào ngắn hạn, không tuân thủ quy hoạch sử dụng biển đảo, làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn lợi ích.

Lâu nay, việc khai thác biển ở dạng vật chất, không tái tạo các giá trị chức năng, phi vật chất, giá trị tâm linh ở vùng ven biển như lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, các đền miếu cá Ông, các văn hóa ven biển chưa được khai thác... thay vào đó, nạn khai thác san hô, rong biển, khai thác cá, tôm một cách ồ ạt. Nạn nuôi tôm thải nước thải tràn lan, chất thải không qua xử lý từ các lưu vực sông và vùng ven biển đổ ra biển gây ô nhiễm ngày càng nhiều.

Đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thủy hải sản giảm sút đáng kể, như năng suất tôm nuôi quảng canh trong rừng ngập mặn bị giảm sút từ 200kg/ha/vụ (năm 1980) đến nay chỉ còn 80kg/ha/vụ. 1 ha trước đây có thể khai thác khoảng 800kg thủy sản nhưng hiện nay chỉ thu được 1/20 so với trước. Có khoảng 100 loài hải sản có mức độ nguy cấp khác nhau và trên 80 loài đã được đưa vào sách đỏ Việt Nam. Tốc độ phát triển tàu thuyền nhỏ đánh bắt ven bờ làm nguồn thủy sản cạn kiệt đáng kể. Nếu như năm 1990 khai thác được 0,92 tấn/CV thì 2005 giảm xuống còn 0,34 tấn/CV...

Hệ thống luật pháp, chính sách về biển, đảo còn thiếu đồng bộ, không ít điểm chồng chéo, hiệu lực thi hành yếu, tổ chức triển khai thiếu phối hợp liên ngành. Nhận thức về môi trường và tài nguyên biển về quản lý nhà nước về biển và hải đảo của xã hội, địa phương và người dân còn mơ hồ. Sự tham gia của cộng đồng địa phương vào tiến trình quản lý còn rất thụ động, chưa làm rõ vấn đề sở hữu, sử dụng đất ven biển và mặt nước biển cho người dân...

Sớm thực hiện đồng bộ các giải pháp

Thực hiện Nghị quyết số 09 - NQ/TW ngày 9.2.2007 của Hội nghị Trung ương IV về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Quảng Ngãi đã xây dựng và ban hành Chương trình, mục tiêu tổng quát là "phấn đấu đến năm 2020, đưa tỉnh ta trở thành một trong các tỉnh mạnh, giàu về biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển và đảo.

Thực hiện được chương trình này, ngành môi trường đã lập dự án tổng thể Quản lý tổng hợp đới bờ giai đoạn 2012 - 2015 và định hướng đến năm 2020 để có cơ sở điều tra, đánh giá và đề xuất các giải pháp phát triển bền vững đảo Lý Sơn; hiện trạng xả thải, ô nhiễm và công tác bảo vệ môi trường đới bờ; hiện trạng và sử dụng đất ngập nước vùng ven biển và hải đảo; hiện trạng rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển; hiện trạng xói lở bờ biển và giải pháp khắc phục...


Sau khi điều tra thực trạng, các ngành, các địa phương phải liên kết với nhau quản lý khai thác sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo bảo đảm lợi ích quốc gia, chứ không thể phó thác cho một ngành, một địa phương, không để mỗi ngành hoạt động riêng rẽ độc lập.

Theo PGS, TS Nguyễn Chu Hồi thì làm được điều này, cần phải kiện toàn hệ thống quản lý biển đảo cấp địa phương cả về số lượng và chất lượng để thực hiện chức năng quản lý Nhà nước thống nhất đối với biển và hải đảo. Cơ cấu lại ngành nghề kinh tế biển trên địa bàn cho hợp lý, vừa bảo đảm khai thác hiệu quả tài nguyên biển ở địa phương vừa thực hiện nhiệm vụ quốc gia về biển. Các tỉnh trong khu vực cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quyết định số 158/2006/QĐ -TTg về Chương trình quản lý tổng hợp vùng đới bờ cho 14 tỉnh miền Trung, phấn đấu đến năm 2015 toàn bộ dải bờ biển của địa phương được quản lý tổng hợp.

Quảng Ngãi cần phân bổ nguồn lực và điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của các ngành, địa phương nhằm tiến tới chấm dứt việc khai thác biển, đảo và vùng ven biển một cách tự phát, thiếu quy hoạch. Tính toán đến việc phát triển nghề cá và du lịch sinh thái biển bền vững; bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thủy sản, nguồn giống hải sản tự nhiên... kiên quyết giảm số lượng tàu thuyền có công suất nhỏ, đầu tư nâng cấp xây dựng tàu thuyền có công suất lớn...

Bài, ảnh: TRƯỜNG AN

 


.