Ngăn suối đón "ánh sáng văn minh"

02:03, 26/03/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Thôn Mô Níc, xã Sơn Kỳ (Sơn Hà) đến nay vẫn là “địa chỉ trắng” trên bản đồ lưới điện của tỉnh, song khi đêm về, nhiều mái nhà trong thôn vẫn lung linh ánh điện nhờ người dân nơi đây đã tự tìm nguồn điện cho mình bằng cách ngăn dòng chảy của khe, suối để đặt  tua-bin phát điện.

TIN LIÊN QUAN

Bừng sáng núi rừng
 
Một ngày trung tuần tháng 3, chúng tôi có chuyến công tác về thôn Mô Níc- một trong những thôn khó khăn nhất của xã Sơn Kỳ (Sơn Hà). Vừa vào đến thôn, chúng tôi thực sự ngạc nhiên khi nghe tiếng nhạc xập xình phát ra từ những chiếc ti vi ở trong nhà của một số hộ dân... trong khi nơi này điện lưới Quốc gia chưa kéo tới. Hỏi ra mới biết, mấy năm gần đây, nhiều bà con nơi đây tận dụng dòng chảy của con suối Mô Níc để làm “thủy điện mini” phục vụ sinh hoạt.
 
Để "mục sở thị" những "thủy điện mini" của bà con trong thôn, ông Đinh Văn Chinh- Trưởng thôn Mô Níc dẫn chúng tôi ra con suối Mô Níc- nơi người dân đặt các các tua bin để tạo ra điện. Trên đường đi ra suối, ông Chinh phấn khởi cho biết: Phong trào làm "thủy điện mini" mới rộ lên mấy năm nay, lúc đầu chỉ có 2-3 hộ làm, nhưng đến nay thôn đã có gần 30 "thủy điện mini". Nhờ nguồn điện này, hiện nay khoảng 60% số hộ trong thôn có điện thắp sáng, chứ trước đây toàn bộ 100% người dân đều thắp đèn dầu. 
 
Tận dụng những nơi nước suối chảy mạnh, người dân làm những
Tận dụng những nơi nước suối chảy mạnh, người dân làm những "thủy điện mini"
 
Chúng tôi ra đến suối cũng vừa nhân lúc anh Đinh Văn Hội ở thôn Mô Níc đang sửa chữa hệ thống tua bin của máy phát điện gia đình đặt dưới suối. Thấy chúng tôi, anh Hội nói như phân bua: Mấy bữa nay mình bận lên rẫy, không ra vớt rác nên rác vướng nhiều vào tua bin, khiến máy không chạy được. 
 
Là một trong những hộ đi tiên phong làm "thủy điện mini" ở thôn Mô Níc, anh Hội cho biết: Nhờ nó mà mấy năm nay gia đình mình có nguồn điện sử dụng để thắp sáng, xem ti vi, nghe đài, thậm chí còn hát được karaoke.
 
Qua quan sát của chúng tôi, cùng với "thủy điện mini" của anh Hội, dọc theo con suối Mô Níc còn có hàng chục "thủy điện" như thế này. Để tạo ra nguồn điện sử dụng, người dân nơi đây chọn cho mình một vị trí đón dòng nước mạnh nhất để đặt những chiếc thùng ống tròn. Dòng nước suối được dẫn theo vào một đường máng bằng gỗ đổ cuộn vào thân giữa của chiếc thùng ống tròn để chuyển động tua bin của máy phát điện cố định bên trong.
 
Theo ông Đinh Văn Chinh- Trưởng thôn Mô Níc, tùy theo loại máy phát điện lớn hay nhỏ mà giá tiền khác nhau, bình quân máy 1kw giá khoảng 1 triệu đồng, máy 2kw giá khoảng trên 1,5 triệu đồng. "Trung bình mỗi "thủy điện mini" nếu đủ nước sẽ cung cấp điện được cho 1 chiếc ti vi và 3-4 bóng đèn hoạt động. Hiện nguồn điện này chưa cung cấp đủ để chạy tủ lạnh hay các thiết bị điện có công suất lớn. Nhưng như thế cũng tốt lắm rồi, có điện, cái đầu người dân trong thôn “sáng ra” nhiều lắm""- ông Đinh Văn Chinh cho biết. 
 
Nhờ những
Nhờ những "thủy điện mini" người dân có nguồn điện để sử dụng

 
Quả thật, từ khi có nguồn điện này, đời sống của đồng bào H're vùng cao Mô Níc đã dần thay đổi. Những chiếc tivi, rađiô, quạt điện... được người dân mua về, phục vụ cuộc sống. Thậm chí nhà có điều kiện còn dùng “chảo” để xem được nhiều kênh truyền hình. 
 
Già Đinh Cà Rây phấn khởi: "Có điện, bà con xem được ti vi, nghe đài để nắm thông tin, mở mang kiến thức, nắm bắt những chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, biết cách làm ăn, sinh đẻ có kế hoạch, cho đến việc biết phân biệt sai trái để tránh sự dụ dỗ của kẻ xấu. Khi đêm về, ánh diện sáng lung linh, thay thế cho ánh đèn dầu, bà con quay quần bên nhau xem tivi vui lắm… chứ trước đây bà con thường đi ngủ sớm lắm".
 
Qua tìm hiểu của chúng tôi, để có điện sinh hoạt không ít trường hợp 2- 3 hộ dân không có điều kiện cùng góp tiền mua máy phát điện, làm chung một "thủy điện", thậm chí bán trâu bò mua tua-bin, dây điện tự làm ra điện cho mình.
 
Mong có điện lưới Quốc gia
 
Trong điều kiện khó khăn, lưới điện quốc gia chưa đến được với bà con vùng cao Mô Níc, quả thật, những "thủy điện mini" như thế này rất hữu ích, giúp bà con tận dụng nguồn năng lượng tự nhiên dồi dào để tạo ra nguồn điện để sinh hoạt. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, do thiếu hiểu biết và bất cẩn, người dân giăng mắc dây điện  ngang ngọn cây, trên đường đi hoặc có khi vứt dưới dòng nước,… nên nguy cơ mất an toàn từ "thuỷ điện mi ni" đang là nỗi lo. 
 
Trưởng thôn Mô Níc Đinh Văn Chinh cho biết: Để đảm bảo an toàn cho người dân, chúng tôi thường xuyên kiểm tra và tuyên truyền bà con trong việc thận trọng khi sử dụng các dòng điện tua-bin này như: Không được tắm, giặt, lấy nước gần khu vực đặt máy phát điện... . Bởi do hệ thống đơn giản nên sẽ rất dễ gây ra những sự cố đáng tiếc như bị giật điện nếu người dân bất cẩn.
 
Hệ thống dây điện giăng mắc khắp nơi trên suối mang theo nhiều nỗi lo về nguy cơ mất an toàn
Hệ thống dây điện giăng mắc khắp nơi trên suối mang theo nhiều nỗi lo về nguy cơ mất an toàn
 
Và một điều nữa, khiến ông Chinh và người dân lo lắng, những công trình "thủy điện mini" chỉ phát huy tác dụng khi có đủ nguồn nước để sử dụng, còn khi hạn hán, dòng suối khô hạn thiếu nước thì nguồn điện phát ra từ tua bin rất yếu không đủ sử dụng. 
 
"Riêng mùa mưa lũ, nước suối dâng cao, chảy xiết, các hộ gia đình phải tháo các máy phát điện mang về nhà vì sợ nước lũ cuốn trôi. Và như thế, những tháng mưa lũ, bà con lại quanh quẩn  với củi và những ánh đèn dầu"- ông Chinh bày tỏ.
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, bình quân mỗi hộ gia đình ở thôn Mô Níc mỗi năm nhận 5 lít dầu hỏa/hộ để thắp đèn dầu. Tuy nhiên, số dầu hỏa này không đủ để người dân thắp đèn dầu trong những tháng mưa lũ, nhiều hộ gia đình phải mua thêm dầu về để thắp. Thậm chí, nhiều hộ không có tiền đành phải sống trong cảnh tối tăm. 
 
Chia tay chúng tôi, ông Trưởng thôn Đinh Văn Chinh không quên bày tỏ: "Bà con nơi đây đều có chung một mong ước, sớm được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư một đường dây điện về tới thôn, để bà con trong thôn có nguồn điện ổn định sử dụng, có như vậy bà con trong thôn mới có điều kiện để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo"
 
 
Bài, ảnh: Bảo Ngọc
 

.