Sản xuất công nghiệp gặp khó tháng Tết

01:02, 11/02/2014
.

Theo Bộ Công Thương, mặc dù là tháng Tết Nguyên đán nhưng sản xuất công nghiệp vẫn gặp khó khăn do sức mua giảm, người dân chi tiêu chặt chẽ hơn vì thưởng tết tại các doanh nghiệp thấp hơn mọi năm, thời tiết lại có xu hướng ấm dần làm lượng dự trữ hàng tiêu dùng tết tồn kho tăng.
 
Mặt khác, tháng 1 có 5 ngày nghỉ (gồm cả Tết dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Ngọ) và số ngày nghỉ tết kéo dài nên một số doanh nghiệp chủ trương dừng sản xuất để tiết kiệm chi phí duy trì vận hành.
 

 

Theo báo cáo, những ngành có tốc độ tăng cao gồm: chế biến, bảo quản thủy sản và sản phẩm từ thủy sản tăng 17%; sản xuất bia tăng 12,9%; sản xuất sợi tăng 42,0%; sản xuất mỹ phẩm, xà phòng, chất tẩy rửa, làm bóng và chế phẩm vệ sinh tăng 12,2%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 23,8%; sản xuất linh kiện điện tử tăng 33,4%; sản xuất mô tơ, máy phát, biến thế điện, thiết bị phân phối và điều khiển điện tăng 50,1%...

Tuy nhiên, một số ngành giảm so với cùng kỳ như khai thác và thu gom than cứng giảm 24,7%; khai thác dầu thô giảm 5%; khai thác khí đốt tự nhiên giảm 7,7%; sản xuất thuốc lá giảm 6,2%; sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục) giảm 10,8%; sản xuất sắt, thép, gang giảm 4,0%;...

Bộ Công Thương cũng cho biết, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1/1/2014 tăng 9,7% so với cùng thời điểm năm 2013, trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho cao như chế biến sữa và các sản phẩn từ sữa tăng 30,4%; sản xuất đường tăng 21,4%; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản tăng 33,2%; sản xuất thuốc lá tăng 43,5%;...

Những ngành có chỉ số tồn kho giảm nhiều so với cùng thời điểm năm 2012 gồm chế biến, bảo quản thủy sản và sản phẩm từ thủy sản giảm 14,4%; sản xuất vải dệt thoi giảm 34,0%; may trang phục (trừ trang phục từ da lông thú) giảm 4,6%; sản xuất xi măng giảm 15,3%;...

 

Theo VnEconomy


.