"Chợ" nông sản trên đỉnh đèo Eo Chim

07:02, 01/02/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Không đem xuống chợ để bán như những người khác, một số đồng bào thiểu số dân tộc Cor ở huyện miền núi Tây Trà đã dựng lều nhỏ ở đỉnh đèo Eo Chim của tuyến đường Trà Bồng-Tây Trà để bán các mặt hàng nông sản do chính mình sản xuất cho khách đi đường và thương lái ở miền xuôi.

TIN LIÊN QUAN

Mùa nào sản vật đó

Hai năm gần đây, những người thường xuyên qua lại trên tuyến đường bộ độc đạo từ huyện Trà Bồng đi Tây Trà và ngược lại, khá quen thuộc chợ nông sản của đồng bào thiểu số người Cor trên đỉnh đèo Eo Chim, thuộc xã Trà Lãnh, huyện Tây Trà.

 

Một trong những điểm bán nông sản ở đèo Eo Chim
Một trong những điểm bán nông sản ở đèo Eo Chim


Gọi là chợ cho oách chứ ngoài 1 điểm được xây gạch rộng khoảng 7m2, còn lại là những túp lều nhỏ rộng từ 2-4m2, lợp bằng lá rừng nằm rải rác ở ven đường, với số lượng khoảng hơn chục lều. Sau giây phút dè dặt với khách hàng khá đặc biệt "mua ít, hỏi nhiều lại còn chụp hình", chị Hồ Thị Mui (28 tuổi), ở xã Trà Lãnh, một người đang bán ớt núi tại đây kể: Ban đầu số lều này được bà con dựng lên làm nơi nghỉ chân khi đi làm, thu hoạch nông sản trồng trên nương rẫy trở về.

Một số người đi đường thấy bắp, ớt, đậu xanh, bắp chuối, khổ qua rừng... đựng trong gùi để ven đường nên đã dừng lại hỏi mua. Thấy vậy nên dần dần người dân ở các làng đó đã đem các loại nông sản, cây trái trồng trên rẫy và thu hái trong rừng đến đây và dựng thêm các lều để bán. Các mặt hàng ở "chợ nông sản" trên đèo Eo Chim tùy thuộc vào mùa. Vụ thu hoạch bắp, đậu thì bán bắp đậu. Hái được ổi, sim rừng, tìm được mật ong thì bán mật ong, ổi...

Anh Nguyễn Văn Hiền, đang làm việc ở UBND huyện Tây Trà đùa: Chỉ cần đi qua chợ nông sản, sẽ biết ngay mùa vụ sản xuất, thu hoạch của đồng bào địa phương. Bên cạnh đó khi nào rỗi thì người dân mới bày bán, với thời gian diễn ra từ sáng sớm đến trưa. Bên cạnh đó không ít lần tiểu thương "canh" mua toàn bộ để về xuôi, cho nên nhiều người dù đi qua lại nhiều lần nhưng chưa bao giờ gặp lúc "họp" chợ bao giờ.

Tiện cả đôi đường

Dù địa điểm bán ở giữa đèo núi hoang vắng, thế nhưng "chợ" thu hút một lượng khách khá đông. Theo đó gần như 70-80% số lượng người qua lại đoạn đường này đều ghé lại mua. Người thì vài ký đậu xanh, đỗ đen; chục trái bắp. Người thì vài trái khổ qua rừng... Anh Nguyễn Văn Thành (42 tuổi), ở phường Chánh Lộ, TP. Quảng Ngãi thường hay có công việc ở Tây Trà không giấu giếm: Ngoài một số được xem là đặc sản của vùng núi như mật ong, sim... thì các loại nông sản khác như các loại đậu, trái khổ qua, bắp chuối nhìn còi cọc, nhỏ, xấu xí so với cùng loại được trồng dưới xuôi. Tuy nhiên khi chế biến thành thức ăn thì ngon và thơm. Nhưng quan trọng nhất là các loại nông sản này gần như "sạch" 100%. Và đây là lý do người đi đường ghé vào mua khi có dịp ngang qua đây.

Bà Hồ Thị Lin (42 tuổi), một trong số những người đầu tiên đến bán ở "chợ này" giãi bày: Thay vì đem 3-4 lạng ớt, hay 10-20 trái khổ qua rừng vừa hái được trong bìa núi; vài ký đậu xanh trồng trên rẫy... xuống chợ cách hơn 20km thì bà con đến đây ngồi bán. Vừa đỡ tốn công, tiền xăng xe gắn máy và bán được giá cao. Hơn nữa không cần người lớn, trẻ con cũng có thể ra bán được.

Chị Hồ Thị Bên (24 tuổi) kể: Ngoài số tiền trả, khách thường không lấy lại tiền thối, nhiều người còn cho thêm từ 10.000-50.000 đồng. Dù được xem là đặc sản và "sạch", với số lượng không nhiều, thế nhưng giá cả các mặt hàng được người dân bán chỉ nhỉnh hơn từ 2.000-5.000 đồng/kg so với cùng loại được trồng dưới xuôi.
                

    Công Hoàng

 


.