Lý Sơn: Hướng đến chăn nuôi an toàn sinh học

07:01, 11/01/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trước nguy cơ dịch bệnh thường xuyên xảy ra, gây thiệt hại về kinh tế, người chăn nuôi huyện Lý Sơn đang từng bước hướng đến nền chăn nuôi an toàn sinh học nhằm hạn chế tối đa rủi ro, nâng cao hiệu quả.

Chú trọng con giống, vệ sinh môi trường

Người chăn nuôi ở Lý Sơn đã ngày càng chú trọng đến chất lượng con giống cũng như coi trọng công tác vệ sinh môi trường nhằm hạn chế dịch bệnh phát sinh, giảm rủi ro. Bà Phan Thị Kim Anh ở thôn Đông, xã An Vĩnh cho biết: "Sau nhiều đợt dịch bệnh xảy ra liên tục, rồi hàng xóm than phiền vì mùi hôi thối từ phân heo thải ra, gia đình tôi đã quyết định đầu tư kinh phí để xây dựng chuồng trại, hệ thống hầm biogas để xử lý chất thải từ chăn nuôi. Từ ngày có hầm xử lý này không những giải quyết tốt lượng chất thải từ nuôi heo, bảo đảm vệ sinh môi trường, mà gia đình tôi còn có khí gas để đun nấu".

 

Mô hình nuôi gà thả vườn an toàn sinh học của hộ gia đình bà Huỳnh Thị Dung ở thôn Tây, xã An Hải đang phát triển tốt.
Mô hình nuôi gà thả vườn an toàn sinh học của hộ gia đình bà Huỳnh Thị Dung ở thôn Tây, xã An Hải đang phát triển tốt.


Hiện nay, nhiều hộ chăn nuôi còn quan tâm đến khâu chọn giống. Họ chú trọng lựa chọn con giống chất lượng, đảm bảo sạch bệnh tại các trại giống uy tín. “Nhằm giảm tối đa rủi ro trong chăn nuôi heo, thay vì mua giống bán tràn lan như trước đây thì bây giờ tôi chỉ đặt mua giống tại trại giống trong đất liền. Mặc dù giá giống cao gần gấp đôi, nhưng đổi lại con giống đảm bảo sạch bệnh vì được tiêm phòng đầy đủ các loại vắcxin nên rủi ro khi nuôi sẽ được hạn chế”, bà Phan Thị Kim Anh chia sẻ.

Ông Đặng Quang Thơi- Trưởng trạm Khuyến nông Lý Sơn cho biết: Từ năm 2010 đến nay, Trạm Khuyến nông huyện cũng đã triển khai các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học như chăn nuôi gà, chăn nuôi heo đem lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, do điều kiện ở đảo nên việc đặt mua con giống còn gặp nhiều khó khăn. Vả lại, diện tích đất nuôi gia cầm thả vườn ở Lý Sơn cũng không lớn như ở đất liền, nên người nuôi cũng chỉ có thể thả nuôi từ 100 – 200 con chứ khó có thể nuôi nhiều được.

Hướng đến an toàn, hiệu quả

Những năm gần đây, phong trào chăn nuôi gà phát triển mạnh trên địa bàn huyện Lý Sơn. Tuy nhiên, phần lớn các hộ dân thực hiện chăn nuôi theo phương pháp truyền thống, hiệu quả đạt thấp.

Nhằm giúp các hộ dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi gia cầm, nâng cao hiệu quả chất lượng, tạo thu nhập cho người dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã phối hợp với Hội LHPN huyện Lý Sơn tổ chức thành lập 2 tổ hợp tác chăn nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học tại xã An Vĩnh và An Hải, với 50 hội viên tham gia. Tổng giá trị của mô hình gần 500 triệu đồng, trong đó vốn của Trung ương hội LHPN Việt Nam tài trợ 300 triệu đồng, còn lại là vốn đối ứng của người dân.

Tham gia mô hình này các hội viên được hướng dẫn, hỗ trợ 100% con giống cùng vật tư, bao gồm thức ăn, thuốc thú y phòng trị bệnh cho gà. Sau hơn một tháng thả nuôi, bước đầu mô hình đã đem lại hiệu quả. Chị Huỳnh Thị Dung ở thôn Tây, xã An Hải cho biết: “So với việc nuôi theo cách truyền thống thì nuôi gà an toàn sinh học có lợi thế hơn. Đó là gà được thả tự do ngoài vườn, được ăn các loại thức ăn như cỏ, côn trùng để bổ sung dinh dưỡng, nâng cao được chất lượng thịt của gà”.

Bên cạnh đó, việc xây dựng mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học còn giúp cho các hộ dân phát triển chăn nuôi gia cầm có hiệu quả, bền vững, đảm bảo các yêu cầu về xử lý chất thải, bảo vệ môi trường, an toàn sinh học trong chăn nuôi gia cầm và một số bệnh thường gặp ở gà, góp phần nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi.

Ông Nguyễn Văn Lê- Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng nông thôn cho biết: Diện tích đất ở Lý Sơn ít, dân cư tập trung đông, dễ gây ô nhiễm môi trường nên rất khó để phát triển số lượng đàn gia súc, gia cầm; đặc biệt là số lượng đàn bò. Vì vậy xu hướng của huyện trong thời gian đến là ổn định số lượng, nâng cao chất lượng chăn nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng đến chăn nuôi tập trung, an toàn sinh học.


Bài, ảnh: HỒNG HOA
 


.