Hà Mòn ngày ấy – bây giờ

09:01, 23/01/2014
.

*Đức Vương


(Baoquangngai.vn)- Đã từ lâu tôi được nghe hai chữ: “Hà Mòn”, một địa danh quen thuộc của người dân tỉnh KonTum, còn đối với tôi thật mới lạ. May mắn lần này có dịp lên Tây Nguyên, tôi đã đến xã Hà Mòn.

Xã Hà Mòn nằm về phía bắc, cách thị trấn Đắk Hà, huyện Đắk Hà tỉnh KonTum chừng 10km, với con đường nhựa phẳng lì nối từ hồ Đắk Ui dẫn dòng nước mát, trong xanh tưới cho hàng chục ngàn hécta cà phê xanh tốt. Mùa cà phê đang cho hoa và có những diện tích đang cho quả chín rộ. Đâu đó tiếng máy diezen, tiếng mô tơ nổ giòn giã hút nước từ dòng kênh phun trào trên những rẫy cà phê như những hạt mưa rào mùa hạ. Nhìn cảnh bà con nông dân thu hoạch và chăm bón cà phê, tôi thấy sức sống mạnh mẽ đang bừng sáng trên vùng đất này.

 

Niềm vui được mùa cà phê ở Hà Mòn
Niềm vui được mùa cà phê.


Để có Hà Mòn như hôm nay, tôi được biết trước ngày giải phóng, xã Hà Mòn là một vùng rừng rậm, âm u, người dân bản địa một nắng hai sương lủi thủi năm nay phát rẫy chỗ này, sang năm phát nương chỗ khác. Vào mùa khô, người đốt rẫy có khi làm cháy cả rừng. Những năm thời tiết thuận, may ra đủ ăn, đến ngày giáp hạt người ta lại vào rừng đào củ mài kiếm kế sinh nhai… Các hủ tục lạc hậu từ đó sinh ra, hoành hành từ đời này qua đời khác. Sau giải phóng, các trung đoàn 701, 731, 704 đứng chân trên huyện Đắk Hà được giao nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế gắn với quốc phòng an ninh. Năm 1976, các đơn vị trên chuyển về Bộ Nông nghiệp (cũ). Từ đó các trung đoàn hình thành nông trường cà phê Đắk Uy 1 (nay là công ty cà phê Đắk Uy), Đắk Uy 2, 3, 4, Nông trường 701, Công ty thuỷ nông Đắk Uy 1 đứng chân trên địa bàn xã Hà Mòn.

Cũng từ đây cuộc sống của người dân xã Hà Mòn đã chuyển dần sang trang. Nhờ sự kiên trì vận động của cán bộ nông trường, bà con dần dần biết trồng cà phê, làm lúa nước 2 vụ cho năng suất cao, biết đào ao nuôi cá, trồng xen canh đậu lạc… Đến nay cả ba làng Đăk Wớt, Kà Tu, Đắk Do đều có người làm công nhân của Công ty cà phê Đắk Uy.

Năm 2011, tỉnh Kum Tum chọn Hà Mòn xây dựng nông thôn mới, vì vậy đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Mòn coi đó là niềm tự hào, họ quyết tâm phấn đấu với tinh thần cao độ. Bí thư Đảng uỷ xã Đào Anh Thư bộc bạch với tôi: Khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới Hà Mòn đã có nền tảng tương đối vững chắc. Hà Mòn được xem là xã giàu nhất huyện, nhất tỉnh. Bình quân thu nhập đầu người năm 2009 là 22 triệu đồng, năm 2010 là 27,5 triệu đồng; năm 2011-2012 là 35 triệu đồng và năm 2013 là 38 triệu đồng/ người.

Về Hà Mòn chúng tôi được chứng kiến nhà nhà phơi cà phê, có nghĩa ở Hà Mòn gia đình nào cũng trồng cà phê. Tổng diện tích cà phê ở Hà Mòn trên 2.000ha, bà con nông dân còn trồng 91 ha cao su; phát triển mạnh chăn nuôi.

Điều làm chúng tôi ngạc nhiên từ năm 2000, Hà Mòn không còn hộ đói và đến năm 2011, xã không còn hộ nghèo, không còn nhà tạm, dột nát.

Tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển, đảng bộ, chính quyền xã Hà Mòn đã tập trung phát triển thương mại dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp. Đến nay Hà Mòn có 70 hộ gia đình, cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực ngành nghề tiểu thủ công nghiệp (nghề mộc dân dụng, lò rèn), kinh doanh dịch vụ vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, bán lẻ hàng hoá đáp ứng nhu cầu cho nhân dân trên địa bàn. Có 2 doanh nghiệp nhà nước, 6 công ty tư nhân hoạt động sản xuất kinh doanh; 2 hợp tác xã hoạt động về lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp, thuỷ sản, 17 tổ hợp tác nhóm hộ sản xuất trang trại hoạt động có hiệu quả.

Tuyến đường vào xã, hệ thống đường liên thôn đã nhựa hoá. 100% gia đình đều sử dụng điện lưới quốc gia. Hệ thống giáo dục phát triển đồng bộ, trường lớp xây dựng khang trang, trẻ đến trường đạt trên 98%. Năm 2001, Hà Mòn đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, hoàn thành phổ cập THCS. Có 9/9 thôn có nhà văn hoá độc lập và khu vui chơi giải trí, 5/5 cơ quan đạt danh hiệu cơ quan văn hoá; 9/9 thôn đạt tiêu chuẩn làng văn hoá theo Quy chế công nhận danh hiệu “Gia đình văn hoá”, “Làng văn hoá”.

Tính đến nay, trong tổng số kinh phí hơn 80 tỷ đồng đầu tư cho xây dựng nông thôn mới ở Hà Mòn có gần 4 tỷ đồng ngân sách Trung ương đầu tư trực tiếp; còn lại là ngân sách của địa phương. Để Hà Mòn được như ngày hôm nay có thể nói tư tưởng chỉ đạo về phát huy nội lực của địa phương trong xây dựng nông thôn mới chính là đã vận dụng linh hoạt và hiệu quả các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân. Chính vì vậy ở Hà Mòn nhiều trường hợp nhân dân không nhận tiền đền bù (khoảng trên 700 triệu đồng), khi xã tiến hành bê tông hoá kênh mương thuỷ lợi; đóng góp 100% kinh phí làm cầu treo dân sinh (50 triệu đồng), xây dựng nhà văn hoá trên 1 tỷ đồng, mở mang đầu tư xây dựng chợ 2,7 tỷ đồng.

Chia tay Hà Mòn, khi hoàng hôn đang xuống dần, những tia nắng cuối ngày hắt lên ở phía cuối chân trời. Chiếc xe ca băng băng trên con đường nhựa phẳng lỳ, hoa cà phê nở trắng xoá toả hương thơm thoang thoảng như báo hiệu một mùa xuân ấm no, hạnh phúc đang về./.                               
 


.