Lãng phí đất trồng rừng- Kỳ 3: “Bao giờ cho đến tháng mười?”

06:07, 17/07/2013
.

(QNg)- Trước bức xúc của người dân, nhiều địa phương và các ngành chức năng như Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng cần phải thu hồi ngay đất trồng rừng mà các công ty nông, lâm nghiệp nhận rồi bỏ hoang để giao đất cho dân.  

TIN LIÊN QUAN


 Chấm dứt lãng phí đất   

Ông Huỳnh Thương - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ cho hay: Nhiều năm rồi, cây keo nguyên liệu có giá trị kinh tế khá cao nên người dân càng muốn trồng rừng. Trong khi đó, các công ty nông, lâm nghiệp được Nhà nước giao đất lại bỏ không hàng ngàn ha nên bà con bức xúc.

 

Bây giờ  người dân biết cách gieo ươm, thậm chí làm giống bằng hình thức cắt cành, giâm hom nên họ chỉ mong có đất để chủ động trồng rừng.
Bây giờ người dân biết cách gieo ươm, thậm chí làm giống bằng hình thức cắt cành, giâm hom nên họ chỉ mong có đất để chủ động trồng rừng.


Mặt khác, các công ty hợp đồng với dân để trồng rừng thì chỉ xét hộ nghèo và cận nghèo và  mỗi hộ chỉ được hợp đồng với công ty 1 ha để trồng cây nguyên liệu keo lấy gỗ. Trong khi đó, công ty lại giao cho công nhân của mình thuê với diện tích khá lớn. Như Công ty Lâm nghiệp Ba Tơ giao cho 10 công nhân với diện tích 166 ha, Công ty Lâm nghiệp Ba Tô thì giao cho 12 công nhân hợp đồng trồng rừng cá nhân lên đến 300 ha. Một số công nhân làm không xuể nên “hợp đồng” với người khác cùng sản xuất, hưởng lợi nên bà con càng bức xúc.  

Ông Phạm Văn Hiền - Chủ tịch UBND xã Ba Tô (Ba Tơ) phân tích: "Trên địa bàn Ba Tô, sở dĩ trở thành "điểm nóng" về người dân lấn chiếm đất lâm nghiệp trồng rừng sản xuất là do Công ty bỏ hoang nhiều diện tích. Trong khi đó, thông qua các chính sách giảm nghèo, người dân được hỗ trợ cây, con giống để chuyển đổi cây trồng vật nuôi phát triển kinh tế đủ điều kiện để trồng rừng nhưng họ không có đất để trồng. Thấy công ty nhận đất của Nhà nước rồi bỏ hoang nên bà con xâm canh trồng cây lâm nghiệp. Do vậy, thời gian đến, tỉnh cần nhanh chóng thu hồi diện tích đất lâm nghiệp ở Ba Tô sử dụng không hiệu quả giao lại cho huyện để huyện chỉ đạo các xã  lập phương án giao lại cho dân.

Ông Dương Văn Tô - Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng: Các công ty nông lâm nghiệp đều khó khăn về nguồn vốn đầu tư, nhiều diện tích chưa sử dụng và sử dụng không hiệu quả. Do vậy, các công ty nông lâm nghiệp cần rà soát lại, quy hoạch khu nào quản lý và có phương án kinh doanh cụ thể để sử dụng hiệu quả. Tránh trường hợp quản lý đất với diện tích lớn mà sử dụng không hiệu quả.

Cùng quan điểm với ông Dương Văn Tô, ông Phí Quang Hiển – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường phân tích: Các công ty nông, lâm nghiệp quản lý đất đai quá lỏng lẻo, bởi nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là nguồn lực, quản lý, nguồn vốn, con người vừa thiếu lại vừa yếu. Ông Hiển đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cho các công ty sớm rà soát hoàn chỉnh hồ sơ đất đã giao, nhưng bỏ hoang để UBND tỉnh ra quyết định thu hồi diện tích giao cho địa phương để giao lại cho người dân.

 Sớm giao đất rừng cho dân

 Trước bức xúc của người dân, tại cuộc họp vào sáng  21/6/2013 giữa UBND tỉnh với các sở, ban ngành liên quan về xử lý kết quả thanh tra, kiểm tra về quản lý đất của các Công ty nông, lâm nghiệp, đồng chí Phạm Trường Thọ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng: Các công ty nông, lâm nghiệp quản lý đất lâm nghiệp để trồng rừng sản xuất đều chưa có đầy đủ thủ tục về pháp lý. Công tác quản lý, sử dụng đất rừng được giao còn nhiều bất cập. Điều này cho thấy, các công ty nông, lâm nghiệp chưa thể hiện rõ vai trò là đầu tàu về quản lý và trồng rừng sản xuất. UBND tỉnh giao cho Sở TN & MT lập thủ tục, hồ sơ giao lại đất không hiệu quả cho dân. Đối với các huyện, đất giao lại cho dân thì phải có hướng dẫn tuyên truyền cho dân sử dụng có hiệu quả, không được bán, sang nhượng.

 Phải thừa nhận rằng, nhiều năm trước đây các lâm trường (sau chuyển đổi thành công ty lâm nghiệp) đã có nhiều nỗ lực trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để trồng rừng, xóa bỏ tình trạng đất trống đồi núi trọc, đem lại nguồn lợi kinh tế đáng ghi nhận cho các địa phương. Song theo thời gian, các công ty nông, lâm nghiệp đã bộc lộ những nhược điểm trong quản lý đất rừng, sử dụng không có hiệu quả dẫn đến việc bỏ đất hoang hàng ngàn ha là điều không thể chấp nhận được. Do vậy, việc UBND tỉnh chỉ đạo rà soát thu hồi đất đã giao cho các công ty lâm nghiệp mà không trồng rừng hoặc trồng không có hiệu quả để cấp đất cho dân là chủ trương hết sức đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của người dân.


                   Bài, ảnh: MAI HẠ
 


.