Đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp: Doanh nghiệp còn đứng ngoài cuộc (kỳ 1)

01:06, 18/06/2013
.

(QNg)- Nông nghiệp được xác định là lĩnh vực có vai trò cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, nhưng hiện tại, ngành sản xuất này ở Quảng Ngãi lại bị doanh nghiệp quay lưng; dịch bệnh, thiên tai luôn đe dọa...
 

 Kỳ 1:Tiềm năng còn bỏ ngỏ



Sản xuất nông nghiệp có một tiềm năng lớn, được chính quyền lẫn nông dân trong tỉnh chung tay đầu tư phát triển, nhưng lại thiếu những doanh nghiệp (DN) tìm đến để cùng hợp tác sản xuất…

 


Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản cả nước đạt trên 27 tỷ USD (chiếm 22% GDP). Đối với Quảng Ngãi, nông nghiệp đã đóng góp không nhỏ với giá trị sản xuất đạt 3.089.596 triệu đồng, sản lượng lương thực 461.706 tấn, tốc độ tăng trưởng 2,5%/năm... Những con số trên cho thấy, nông nghiệp có thừa khả năng sinh lợi nhưng vì chưa biết cách khai thác thế mạnh khiến nó không được DN mạnh tay rót vốn.  

“Nuôi người khổ mình”

Ông Hồ Vị ở thôn Bàn Thới (xã Hành Thiện, Nghĩa Hành)  chua chát nói rằng: “Nông dân tụi tôi quần quật quanh năm chỉ để làm giàu cho một bộ phận tư thương”. Xét về khía cạnh nào đó thì nhận định này không sai. Bởi, ngoài thiên tai, dịch bệnh thì thiệt hại lớn nhất của sản xuất nông nghiệp (SXNN) chính là tình trạng “loạn” giá, khi thị trường luôn bị thương lái thao túng. Thế nên mới có chuyện người sản xuất khổ sở vì bán rẻ, còn người tiêu dùng bấm bụng mua sản phẩm giá cao. Kiểu “mua 1 bán 10” này ai cũng rõ, nhưng lạ là vì sao nó vẫn tồn tại dai dẳng.

Liên tục bị dịch bệnh “quét” nên nhiều năm nay, người nuôi tôm hiếm khi có được không khí bận rộn nhờ trúng mùa (ảnh chụp trong vụ tôm 2012).
Liên tục bị dịch bệnh “quét” nên nhiều năm nay, người nuôi tôm hiếm khi có được không khí bận rộn nhờ trúng mùa (ảnh chụp trong vụ tôm 2012).


Đơn cử như chuyện việc chăn nuôi. Trong khi thức ăn cao ngút, giá heo hơi liên tục giảm (hiện ở mức 34.000 - 39.000 đồng/kg), nhưng thịt heo thì vẫn thản nhiên “giá cũ”. Thậm chí những lúc cao điểm như lễ, tết, giá thịt heo cứ phi nước đại khiến cả người chăn nuôi lẫn người tiêu dùng đều…chóng mặt!.

Theo tính toán của ông Phạm Đình Kiên ở thôn Phú Khương (xã Hành Tín Tây, Nghĩa Hành), nếu tận dụng phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn, thì giá heo hơi ở mức 38.000 đồng/kg, nông dân cũng đã lỗ hơn 1.000 đồng/kg. Đã thế, thương lái lại mua thấp hơn 2 - 4 giá so với thực tế thị trường nên người nuôi heo bị chồng lỗ. Điều này khiến họ chán nản nên giảm đàn, dẫn đến đàn heo năm 2012 của tỉnh chỉ còn 487.182 con (giảm 0,11%).

Cùng với chăn nuôi, người nuôi trồng thủy sản và trồng trọt cũng khó khăn không kém khi phải một mình “bơi” trong biển khó. Nào là dịch bệnh, cây con giống kém chất lượng, rồi đầu ra nông sản ứ đọng, còn giá cả tùy thuộc vào thương lái. Đã thế, do chưa tiếp cận được nhu cầu thị trường nên cứ thấy loại thủy, hải sản hay nông sản nào được giá là người dân ồ ạt trồng, thả nuôi khiến họ không lỗ vì nông sản rớt giá thì cũng khổ do thương lái ép giá. Ông Trần Mười ở thôn Phú Lâm Tây (xã Hành Thiện, Nghĩa Hành) hạch toán và kết luận: "Với giá 5.500 đồng/kg thì mỗi sào lúa, tôi lời được 20.000 đồng; làm mía không công lại còn “âm” 300.000-400.000 đồng/sào (với giá mía 900.000 đồng/tấn); còn nuôi cá, tôm phải ôm lỗ từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Kiểu gì nông dân tụi tôi cũng gặp khó!”.

“Khó, khổ và dễ lỗ”

 Đó là khẳng định của rất nhiều chủ DN khi chúng tôi đặt câu hỏi “Vì sao trong danh mục đầu tư của mình, DN luôn bỏ qua lĩnh vực nông nghiệp ?”. Theo anh Nguyễn Tấn Hòa - cán bộ của Công ty TNHH hạt giống CP Việt Nam thì: “DN không muốn đầu tư vào nông nghiệp vì SXNN cần vốn lớn, nhưng hiệu quả thấp do phụ thuộc quá nhiều vào yếu tố tự nhiên như khí hậu, thời tiết. Thứ hai, cung cầu “vênh” nhau - nghĩa là thị trường lớn, sản xuất nhỏ và ngược lại. Đã thế, các sản phẩm nông nghiệp có tính cạnh tranh thấp, đầu ra hẹp dẫn đến khả năng thu hồi vốn lâu. Lợi nhuận nhỏ giọt, trong khi rủi ro lại quá cao khiến DN ngại".

Cũng theo anh Hòa thì SXNN nhanh nhất cũng phải mất vài ba tháng mới thu hoạch nếu chẳng may bị thiên tai, dịch bệnh, thì xem như mất trắng. Thế nên, dù quen thuộc với nhà nông trong tỉnh, nhưng hiện giờ DN này cũng chỉ dừng lại ở việc mở lớp tập huấn kỹ thuật để… bán cây con giống. Còn sản xuất, tiêu thụ nông sản ra sao là chuyện của nông dân. Cách làm này không chỉ riêng Công ty TNHH hạt giống CP Việt Nam, mà hầu hết DN kinh doanh các mặt hàng phục vụ SXNN đều đang áp dụng. Có lẽ do vậy mà hiện giờ, Quảng Ngãi “trắng” DN đầu tư vào SXNN theo hình thức “đầu ra, đầu vào có DN lo”.

Công bằng mà nói, thời gian qua SXNN trong tỉnh đã khởi sắc khi có mặt DN cũng như sự hậu thuẫn của ngân sách nhà nước. Với số tiền 9.550 tỷ đồng từ chính sách "tam nông" giai đoạn 2008 - 2013 đã giúp nông dân tiếp cận với những phương thức sản xuất mới theo hướng hiện đại; năng suất, chất lượng cây trồng được cải thiện nhờ thâm canh, gối vụ; chỉnh trang và cơ giới hóa đồng ruộng… Tuy nhiên, cái nông dân cần vẫn là hiệu quả bền vững. Mà cụ thể là, họ được gì chứ không phải là những con số mang tính bề nổi.  


Bài, ảnh: Mỹ Hoa
 

*Kỳ 2: CÁC NHÀ “TRÔNG” NHAU
 


.