Cửa hàng thương mại miền núi: Tìm lời giải cho sự tồn tại, phát triển (kỳ 2)

08:06, 05/06/2013
.

Kỳ 2: Phố núi lên tiếng



(QNg)- Mặc dù kinh doanh không hiệu quả,  nhưng để “xóa” các cửa hàng thương mại tổng hợp miền núi không phải là dễ ! Bài toán về mô hình kinh doanh này đang đòi hỏi phải có sự tính toán kỹ lưỡng để tìm ra đáp số cuối cùng:  Vì mục tiêu phát triển của thương mại miền núi !

TIN LIÊN QUAN


Huyện muốn dỡ - Công ty cố giữ

Mới đây, UBND huyện Minh Long đã có tờ trình xin UBND tỉnh làm việc với các cơ quan liên quan thống nhất cho phép tháo dỡ cửa hàng thương mại xây dựng vào năm 1987, để đảm bảo tính mạng cho người dân sinh sống gần cửa hàng, vì công trình này đã rệu rã;  trả lại đất cho huyện sử dụng vào mục đích khác.

Trước đó, UBND huyện Minh Long đã mời lãnh đạo Công ty CP TNXP tỉnh dự họp bàn về nội dung trên và cho biết sẽ thu hồi diện tích cửa hàng thương mại hiện đang thuộc quyền quản lý của Công ty để xây dựng khu công viên cây xanh của huyện. Sau cuộc họp này, ông Trần Thiện – Giám đốc Công ty CP TNXP tỉnh đã ký công văn gửi UBND huyện Minh Long, nội dung nêu: Khi dự án “xây dựng công viên cây xanh” của huyện được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Công ty sẽ thực hiện giao đất theo chủ trương. Đồng thời, Công ty xin huyện ủng hộ cấp đất lại theo yêu cầu kinh doanh của công ty và đề nghị UBND huyện Minh Long đền bù “tài sản gắn liền trên đất” tại cửa hàng thương mại này!

 Thực trạng Cửa hàng thương mại Sơn Hà của Cty CP TNXP tại thị trấn Di Lăng.            Ảnh: T.N
Thực trạng Cửa hàng thương mại Sơn Hà của Cty CP TNXP tại thị trấn Di Lăng. Ảnh: T.N


Ông Võ Đình Tiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Long cho rằng, các yêu cầu của Công ty CP TNXP là không hợp lý. Thực tế, năm 2005, UBND huyện Minh Long cũng đã đồng ý cấp đất cho Công ty xây dựng một cửa hàng thương mại tổng hợp nằm ngay vị trí “hai mặt tiền” tại trung tâm huyện lỵ. Thế nhưng, từ khi xây dựng đến nay cửa hàng này cũng hoạt động không hiệu quả, thường xuyên đóng cửa và có thời điểm đã cho cá nhân khác thuê kinh doanh. Còn về tài sản gắn liền trên đất ở cửa hàng này, hiện nay hầu như đã mục nát, không còn giá trị sử dụng, nên khó có thể đặt vấn đề đền bù khi tháo dỡ.

Nhùng nhằng trong giải quyết!

Hiện nay, Công ty CP TNXP tỉnh đang quản lý, sử dụng hơn 9.000m2 đất tại thị trấn Di Lăng, gồm 1 trạm xăng dầu và 1 cửa hàng thương mại. Công ty cho rằng, diện tích đất xây dựng cửa hàng thương mại Sơn Hà đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dưới hình thức Nhà nước cho Công ty thuê. Thời hạn thuê từ 29/12/1998 đến 29/12/2018. Mặt khác, Công ty khẳng định “cửa hàng này đang mua bán các mặt hàng tiêu dùng phục vụ nhu cầu địa phương. Trong giai đoạn hiện nay Công ty tạm thời giao việc quản lý, sử dụng đất tại cửa hàng này cho cửa hàng trưởng khai thác, kinh doanh!”

Năm 2011, UBND huyện Sơn Hà đã mời Công ty CP TNXP làm việc và thông báo dự kiến quy hoạch khu đất của cửa hàng thương mại để xây dựng trung tâm thương mại tổng hợp huyện. Công ty cho rằng, quy hoạch này phù hợp với thực tế kinh doanh hiện nay của mình và khi quy hoạch được phê duyệt, Công ty sẽ xây dựng phương án đầu tư kinh doanh cụ thể trình cơ quan có thẩm quyền cho phép thực hiện. Thế nhưng, năm 2012, quy hoạch này của huyện Sơn Hà được phê duyệt thì Công ty CP TNXP tỉnh lại “im hơi lặng tiếng”!

Bức xúc trước tình trạng tồn tại nhưng kinh doanh kém hiệu quả của các cửa hàng kinh doanh của Công ty CP TNXP, ngày 5/2/2013, UBND huyện Sơn Hà đã gửi báo cáo tình hình sử dụng đất trên địa bàn và đề nghị UBND tỉnh thu hồi diện tích đất Công ty CP TNXP đang quản lý, sử dụng giao lại cho UBND huyện quản lý, khai thác. Theo Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Đặng Ngọc Dũng, tại đây huyện sẽ xây dựng siêu thị hoặc trung tâm mua sắm. Vị trí khu đất Cửa hàng thương mại Sơn Hà hiện nay là điểm nhấn quan trọng của đô thị Di Lăng trong tương lai.

Sớm tìm lời giải cho những khu đất "vàng"!

Trong báo cáo gửi cơ quan chức năng và UBND huyện có cửa hàng thương mại, Công ty CP TNXP tỉnh đưa ra nhiều lý giải về hoạt động kinh doanh và khẳng định có những đóng góp vào việc giúp chính quyền thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Công ty cũng thừa nhận, do nguồn vốn còn khó khăn nên việc xây dựng và hoạt động của cửa hàng có phần hạn chế. Từ khi cổ phần hóa năm 2007 đến nay, Công ty còn nhiều vướng mắc do khoản lỗ cũ lên đến 7,8 tỷ đồng, nên chưa có điều kiện đầu tư kinh doanh ở các cửa hàng thương mại miền núi...

Cũng theo lãnh đạo Công ty CP TNXP, trong Đề án Phát triển thương mại miền núi – hải đảo giai đoạn 2002 – 2020 đã được phê duyệt, thì UBND tỉnh sẽ cấp vốn cho Công ty xây dựng các cửa hàng thương mại tại trung tâm các huyện miền núi. Tuy nhiên, do nguồn vốn của tỉnh còn hạn chế, được triển khai theo từng giai đoạn và tạm thời Công ty sử dụng vốn vay ngân hàng để đầu tư... Nhưng với nội lực như hiện tại liệu công ty có tìm được lời giải cho hệ thống cửa hàng thương mại ở các huyện miền núi?

THANH NHỊ
 


.