"Giữ lửa" làng rèn

02:04, 01/04/2013
.

(QNg)- Tuy không còn rộn ràng như xưa nhưng làng rèn ở xóm 6, thôn Minh Khánh, xã Tịnh Minh (Sơn Tịnh) vẫn còn giữ được "ngọn lửa" của làng nghề.

Mỗi năm làng rèn tạo công ăn việc làm cho hơn 100 lao động tại địa phương, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân nơi đây với doanh thu trên 6 tỷ đồng.

Sống được với nghề

Làng rèn xóm 6, thôn Minh Khánh hình thành cách đây cả trăm năm. Trong thời chiến tranh, sản phẩm nghề rèn có giá trị lớn, làm ra vũ khí thô sơ như chông sắt, dao, gươm, mác… phục vụ cho cách mạng qua 2 thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ. Trải qua những thăng trầm, làng rèn vẫn duy trì và  phát triển đến ngày nay, dù số người theo nghề này không còn đông như trước.

 

Nghệ nhân Châu Kim đang rèn liềm.
Nghệ nhân Châu Kim đang rèn liềm.


Hiện tại xóm 6 có 180 hộ dân sinh sống, trong đó có 65 hộ sống bằng nghề rèn. Mỗi năm làng rèn sản xuất ra 300.000 sản phẩm (chủ yếu là rựa, liềm, dao, xẻng, cuốc, búa). Sản phẩm làm ra không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn được xuất đi các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên. Tùy theo thị hiếu và điều kiện của từng vùng mà các mặt hàng được sản xuất theo kích cỡ, mẫu mã khác nhau.

Gặp nghệ nhân Phạm Ngọc Hạnh, một trong những trụ cột của nghề rèn, đúng lúc ông và các tay thợ đang tất bật với việc hoàn tất những "mẻ lò" để kịp bỏ hàng cho những mối quen ngoài tỉnh. Ông Hạnh cho biết: "Tuy nặng nhọc nhưng nghề rèn vẫn cho mình được nguồn thu nhập ổn định, có đồng ra, đồng vào để trang trải cuộc sống và nuôi con cái ăn học. Mỗi ngày tôi sản xuất ra 35 đến 40 cây rựa, giải quyết việc làm cho 2-3 lao động. Hiện nay một cây rựa có giá từ 30.000 - 50.000 đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, 1 cái rựa cũng lời hơn 10.000 đồng. Bình quân mỗi tháng thu nhập cũng được 7 - 8 triệu đồng. So với làm lúa thì vẫn khá hơn nhiều".

Còn ông Nguyễn Tòng, người đã có thâm niên trên 43 năm làm nghề rèn chia sẻ, nối nghiệp cha từ lúc 10 tuổi, nghề rèn luôn có sức hấp dẫn đối với tôi. Nhờ có nghề này trong tay mà cuộc sống gia đình ổn định, và đủ sức trang trải cho 4 đứa con ăn học cho đến lúc tụi nó trưởng thành.

"Quyết tâm bám nghề…"    

Kinh tế phát triển, mở ra nhiều con đường mưu sinh, và vì thế những người theo nghề rèn cũng "rơi rụng" dần. Song với những nghệ nhân tâm huyết, những "bậc tiền bối" của làng nghề thì họ vẫn luôn nuôi khát vọng, quyết tâm "giữ lửa" cho lớp trẻ để hồi sinh nghề truyền thống của quê hương. Ông Châu Kim - một nghệ nhân làng rèn có thâm niên trên 55 năm tuổi nghề  tâm sự: "Mặc dù bị bệnh từ nhiều năm nay nhưng tôi vẫn luôn bám nghề tới cùng. Dường như cái nghề đã ngấm vào máu, gắn với nghiệp của đời mình rồi nên không thể "dứt" ra được. Một ngày không được đụng tay vào đe, búa, không được làm ra những sản phẩm mà mình tâm huyết là y như rằng ngày đó tôi ăn không thấy ngon. Mặt khác, làm nghề còn để rèn luyện sức khỏe, tạo niềm vui để vượt qua bệnh tật và điều quan trọng hơn là giữ được "ngọn lửa" của làng nghề". Không chỉ có thế hệ ông Châu Kim mà các thế hệ sau ông như ông Hạnh, ông Tòng cũng đều có quyết tâm bám trụ và "giữ lửa" cho làng rèn.

Ông Đoàn Văn Phú - Chủ tịch UBND xã Tịnh Minh cho biết: Trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh gay gắt hiện nay, rất nhiều làng nghề đã lao đao, một số nghề truyền thống bị mai một. Nhưng nghề rèn ở Tịnh Minh vẫn tồn tại được, bởi thợ rèn ở đây luôn lấy chất lượng sản phẩm làm đầu, để giữ lấy thương hiệu cho gia đình mình cũng như cho cả làng. Hiện tại chúng tôi đang cố gắng xây dựng lại nghề truyền thống này, quyết tâm tạo dựng thành làng nghề hẳn hoi. Thế nhưng "rào cản" hiện nay vẫn là thiếu vốn nên chưa có sự đầu tư về máy móc hiện đại, cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo, việc tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn, giá cả không ổn định. Vì vậy để "tiếp lửa" cho làng nghề truyền thống, rất mong Nhà nước quan tâm hỗ trợ để làng nghề ổn định và phát triển.         
          

Bài, ảnh: Hồng Hoa

 


.