Sâu bệnh, chuột hoành hành đồng ruộng

10:02, 28/02/2013
.

(QNĐT)- Vụ sản xuất đông xuân 2012-2013 đang gặp vô vàn khó khăn khi không chỉ căng thẳng về nguồn nước tưới mà chuột, sâu bệnh đang sinh sôi nảy nở, gây hại nghiêm trọng ruộng đồng.

TIN LIÊN QUAN


Những ngày này đi đến đâu cũng nghe bà con ca thán về sự hoành hành của chuột và sâu bệnh. Những cánh đồng lúa đang làm đòng bị chuột cắn phá. Trên khắp các cánh đồng, người dân dùng cờ, rơm, áo mưa, bao ni lông, bao tải… để làm bù nhìn đuổi chuột.

Đang loay hoay tìm hang đặt bã chuột, anh Nguyễn Tấn An ở thôn Thống Nhất, xã Tịnh Ấn Tây (Sơn Tịnh) chỉ tay về đám ruộng xót xa: “Nhà tui làm 4 sào thì chuột cắn cả bốn. Hơn 1 tháng qua tui đặt bã liên tục nhưng chết lứa này chúng lại xuất hiện lứa khác. Không biết ở đâu ra mà chúng sinh sôi nảy nở đếm không xuể. Mỗi ngày ra thăm đồng nhặt được cả bó lúa bị chuột cắn thấy mà sốt cả ruột”.

Cũng như anh An, bà Nguyễn Thị Hòa ở thôn Phước Thịnh, xã Đức Tân (Mộ Đức) lắc đầu: “Nông dân chúng tôi làm đủ mọi cách từ đặt bã đến đào hang, cắm bù nhìn mà nó vẫn cắn phá. Vừa bị chuột lại bị đạo ôn, kiểu này thì mất mùa nặng thôi”.

 

Chuột đang gây hại nghiêm trọng trên các trà lúa.
Chuột đang gây hại nghiêm trọng trên các trà lúa.


Không chỉ chuột mà các loại sâu bệnh, đặc biệt là đạo ôn cũng đang gây hại nghiêm trọng lúa đông xuân. Hiện diện tích lúa đông xuân đang ở giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng, khả năng hấp thụ đạm mạnh trong khi đó thời tiết sáng sớm có sương mù lại có mưa nhỏ rất thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh, phát triển và gây hại.

Thống kê của ngành nông nghiệp, hiện toàn tỉnh có hơn 4.100 ha lúa bị chuột và các loại sâu bệnh gây hại, trong đó có hơn 1.780 ha lúa bị đạo ôn và gần 400 ha bị thiệt hại nghiêm trọng do chuột cắn phá. Năm nay, mật độ chuột gây hại nặng so với những năm trước và rải đều khắp các địa phương trong tỉnh.

Tại huyện Bình Sơn, mật độ chuột trên đồng ruộng của địa phương đếm được từ 5 - 25 con/m2. Không chỉ ở lúa mà chuột còn phá hoại cả rau màu.

Nguyên nhân chuột hại lúa xảy ra nhiều là do năm 2012 không có lũ nên chuột sinh ra nhiều, tốc độ sinh sôi nhanh. Trong khi đó phong trào diệt chuột mang tính tự phát, không đồng bộ và liên tục, chưa được phát động sâu rộng nên chuột có cơ hội để sinh sôi nảy nở và gây hại cây trồng.

Trước tình hình này, Sở NN-PTNT đã trích 100 triệu đồng mua bã sinh học hỗ trợ bà con nông dân diệt chuột. Đây là biện pháp diệt chuột hiệu quả nhất hiện nay.

Ông Hồ Minh Sơn- Phó phòng Nông nghiệp PTNT huyện Bình Sơn cho biết, để đối phó với nạn chuột cắn phá, địa phương đã phát động phong trào diệt chuột trên toàn huyện. Từ trước tết đến nay đã có gần 40.000 con chuột bị diệt. Trong đó có nhiều xã khuyến khích, nếu diệt được 1 con chuột sẽ được thưởng 2.000 - 5.000 đồng.


Để hạn chế đến mức thấp thiệt hại do chuột, sâu bệnh gây hại trong vụ đông xuân,  ngành BVTV khuyến cáo bà con nông dân cần hạn chế bón phân đạm cho lúa ở thời điểm làm đòng để phòng bệnh đạo ôn, đồng thời cần thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện và dùng các loại thuốc đặc hiệu để trừ sâu bệnh hiệu quả.

 

Bà con nông dân cần thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện và dùng các loại thuốc đặc hiệu để phòng trừ sâu bệnh.
Bà con nông dân cần thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện và dùng các loại thuốc đặc hiệu để phòng trừ sâu bệnh.



Chuột là đối tượng gây hại thường xuyên và có chiều hướng ngày càng tăng, làm ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, đồng thời là nguồn tàng trữ mầm mống bệnh rất nguy hiểm cho người và động vật.     
 
Ngoài những biện pháp diệt chuột truyền thống như đào hang, sử dụng bẫy thủ công…, ngành BVTV khuyến khích bà con nông dân sử dụng bã diệt chuột sinh học. Đây là biện pháp diệt chuột hiệu quả, làm giảm khả năng phát sinh, phát triển và gây hại của chuột trên đồng ruộng.

Chỉ cần một lần đặt bã, chuột ăn bã sẽ lây nhiễm sang cả những con chuột khác làm cho chuột bị chết trong vòng từ 3 đến 5 ngày. Cách sử dụng cũng rất đơn giản là đặt bã theo các mô đất trên ruộng lúa cách nhau từ 3- 5m, mỗi mô đặt khoảng 10 gam bã, nên đặt bã vào buổi chiều, tránh đặt bã ở những nơi có ánh sáng trực tiếp, liều lượng xử lý từ 4-5 kg/ha.


 
Bài, ảnh: Ái Kiều
    
 


.