Làng chổi đót "quét" nghèo

10:01, 25/01/2013
.

(QNg)- Trong khi nhiều làng nghề ở tỉnh ta đang ngày một mai một thì làng nghề làm chổi đót ở thôn Đại An Đông I, xã Hành Thuận (Nghĩa Hành) lại ngày một ăn nên làm ra. Nhờ làm nghề chổi đót mà nhiều người đã thoát nghèo, cuộc sống ngày càng khá giả hơn.

Nghề phụ không phụ người

Đến làng nghề làm chổi đót ở thôn Đại An Đông I vào những ngày giáp Tết, không khí nơi đây trở nên nhộn nhịp, tất bật hơn hẳn. Chị Trần Thị Mười - Trưởng thôn Đại An Đông I cho biết: "Đây là thời điểm chổi đót bán chạy nhất trong năm, nên nhà nào cũng tranh thủ tận dụng thời gian rỗi để làm. Hiện, toàn thôn có 334 hộ, trong đó có gần 100 hộ làm chổi đót. Nhờ có nghề này mà hầu hết chị em phụ nữ trong thôn có nguồn thu nhập ổn định ngay tại địa phương. Nhiều gia đình đã thoát nghèo và trở nên khá giả nhờ nghề này".

Làm chổi đót ở khu dân cư 11, thôn Đại An Đông I, xã Hành Thuận.
Làm chổi đót ở khu dân cư 11, thôn Đại An Đông I, xã Hành Thuận.


Chị Lưu Thị Thiện ở khu dân cư 11, một trong những người nhờ chổi đót đã thoát nghèo, tâm sự: "Trước đây nhà tôi thuộc diện hộ nghèo của xã, nhất là từ khi chồng tôi mất, để lại hai đứa con nhỏ, cuộc sống càng trở nên khó khăn hơn. Thế nhưng, từ số vốn vay được của Hội phụ nữ xã, tôi đã đầu tư mua đót về làm. Rồi dần dần cũng trả hết nợ và làm được nhà, có tiền dư giả cho con cái ăn học. Hiện tại hai con cũng đã học xong cao đẳng và có công ăn việc làm ổn định".

Tuy nghề làm chổi đót không phải là nghề chính của người dân thôn Đại An Đông I, nhưng nó tận dụng, phát huy được thời gian rảnh rỗi và dư thừa của người dân sau mùa vụ thu hoạch. Người dân có thể lấy nguyên liệu từ các cơ sở về nhà làm, tranh thủ làm vào ban đêm, buổi trưa… nhưng đem lại nguồn thu nhập khá cao cho gia đình. Thời điểm hiện tại, một chiếc chổi đót có giá từ 16.000 - 30.000 đồng (tùy theo từng loại dày mỏng khác nhau).

Chị Thượng Thị Loan, người đã có thâm niên trên 20 năm làm chổi đót, chia sẻ: Nghề làm chổi đót này tuy là nghề phụ, nhưng đôi khi lại là nguồn thu nhập chính, công việc lại nhàn nhã, đối tượng nào cũng có thể làm được. Mỗi lao động trung bình một ngày làm được 25 - 30 cây chổi tương đương với 90.000 - 100.000 đồng. Riêng tháng chạp số tiền mỗi người kiếm được có thể từ 4 - 5 triệu đồng.

Còn chị Nguyễn Thị Mỹ Việt, do nhà có con nhỏ nên không thể đi làm trong các công ty, xí nghiệp ở thành phố. Tranh thủ lúc nông nhàn, chị sang quấn chổi thuê ở mấy tổ sản xuất chổi đót ngay gần nhà. Vừa tận dụng được thời gian nhàn rỗi kiếm thêm thu nhập lo cho con cái ăn học, chị lại có điều kiện chăm sóc gia đình. Vừa làm, chị Việt vừa tâm sự: "Tôi làm nghề này cũng được chục năm nay rồi. Thu nhập bình quân mỗi tháng cũng được 2 triệu đồng. Tính ra so với làm lúa thì cũng hơn, vì làm lúa bây giờ cũng nhiều bấp bênh, trừ chi phí đi thì cũng chẳng còn là bao. Vì vậy phải làm thêm nghề này để chi tiêu sinh hoạt gia đình và lo cho con cái ăn học. Cũng may thôn có nghề này, nên phụ nữ chúng tôi theo rất đông".

"Mong có thêm vốn để mở rộng làng nghề…"

Làm chổi đót đã và đang mang lại cho người dân thôn Đại An Đông I nguồn thu đáng kể. Song, hiện tại nguồn vốn đầu tư cho làng nghề còn ít nên chưa thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Theo người dân làng nghề thì, nếu vay được vốn của ngân hàng vào cuối năm là thời điểm tốt nhất. Sau khi ăn Tết xong người dân lên các huyện Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây để mua đót tận gốc, như thế lợi nhuận của người làm chổi đót sẽ cao hơn. Còn nếu qua tháng 4 mới vay được tiền thì lúc này đã hết mùa đót. Chỉ có thể mua lại của các đại lý, như vậy giá sẽ cao hơn, người dân làng nghề không có lợi. Hiện tại, giá 1kg đót khô mua lại của các đại lý có giá từ 36.000 - 42.000 đồng (tùy theo từng loại đót). Trong khi giá mua tận gốc vào mùa đót chỉ có 15.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Hữu Lệ - Phó Chủ tịch UBND xã Hành Thuận cho biết: "Tuy là nghề phụ nhưng nghề làm chổi đót đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Việc phát triển làng nghề chổi đót không những giúp chị em phụ nữ trong thôn có công ăn việc làm tại địa phương, mà nhiều người còn giàu lên nhờ nghề này. Tuy nhiên, cái khó khăn hiện nay vẫn là thiếu vốn và đầu ra cho sản phẩm. Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn Nhà nước quan tâm hơn nữa, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi với lãi suất thấp. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần có sự kết hợp để đầu ra của sản phẩm được ổn định. Có như vậy chúng tôi mới có điều kiện để mở rộng làng nghề, tiến tới thành lập hợp tác xã làng nghề".


Bài, ảnh: Hồng Hoa
 


.