Tận thu đất sét, cải tạo đồng ruộng- Được và mất (kỳ 2)

07:12, 21/12/2012
.

(QNg)- Với nông dân, ruộng đất là "thịt", là chén cơm manh áo của họ. Nhưng với tình trạng "lấy đất thật, hoàn thổ giả" đang xảy ra ở một số cánh đồng như hiện nay thì liệu sắp tới, nông dân có bám trụ nổi với cây lúa, đồng ruộng…
 

TIN LIÊN QUAN

 

Kỳ 2: Đất hết, người dân tha phương mưu sinh


Trong khi nông dân không có đất để sản xuất thì vẫn có một phần lớn đất bỏ hoang. Nghịch lý này đã "góp phần" không nhỏ đẩy nông dân xa quê, tìm đường mưu sinh ở các tỉnh, thành khác.  

 


Đắng lòng nhìn đất "chết"

Nhìn đám ruộng 4 sào ở đồng Tộ bị bỏ hoang từ nhiều năm nay, anh N.V.P. ở thôn Tân Phong, xã Phổ Phong (Đức Phổ) thở dài: "Họ nói chỉ mất 1 năm để lấy đất sét, rồi sẽ trả lại ruộng cho dân gieo sạ. Ai dè, 3 năm rồi mà ruộng vẫn còn ngổn ngang thế này". Còn chị L.T.N. thì bức xúc: "Năm 2009, xã nói đồng ruộng này cao nên phải nạo đất sét cho thấp xuống, có nước làm 2 vụ/năm. Sau đó DN đến cày xới, lấy đất rồi để đó khiến chúng tôi không sản xuất được". Theo những hộ dân này thì, ruộng ở đồng Tộ vốn chỉ làm lúa được 1 vụ/năm (vụ đông xuân), thời gian còn lại họ trồng dưa hấu hoặc mì. "Trước đây, mỗi vụ lúa tôi thu được 5 - 6 bao/sào. Còn mì thì đạt hơn 1 tấn/sào. Vậy là 3 năm đất được nghỉ ngơi, tôi mất gần 20 triệu chứ chẳng ít", anh P. nhẩm tính.    

 

Nhà cửa ở khu TĐC Gò Tranh, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) được xây dựng khang trang nhưng vắng người ở.
Nhà cửa ở khu TĐC Gò Tranh, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) được xây dựng khang trang nhưng vắng người ở.


Còn với những người dân bị thu hồi đất để phục vụ cho Dự án "đào ao nuôi cá" của DN Hải Vương (đã phản ánh ở bài trước) thì không khỏi xót xa mỗi khi nhìn đồng lúa ngày nào giờ bị phủ đầy nước và lau lách. Bởi, trong số 93.000 m2 đất ở đồng La Băng bị DN Hải Vương "băm nát", có không ít diện tích trồng lúa (một vụ) hiệu quả. Phần còn lại tuy không hợp với lúa, nhưng lại phù hợp với cây sen. "La Băng là vùng ngập nước, nhiễm phèn nhưng trồng sen rất hiệu quả. Nếu không phải vì Dự án của DN Hải Vương, tôi đã thuê để trồng loại cây này rồi. Giờ thì hết hy vọng", vừa nói, ông T.Đ. vừa chỉ vào những ruộng sen xung quanh "trang trại". "Những ruộng này cũng thuộc đầm La Băng, được nông dân khai hoang để trồng lúa, sen. Coi vậy chứ mỗi vụ, sen cho lãi ròng 30 - 40 triệu đồng/0,5 ha. Nếu kết hợp cá-sen thì hiệu quả còn cao hơn", ông N.X. tiếp lời.     

Mà đâu phải DN Hải Vương biến 93.000m2 đất ruộng thành... ao, hàng loạt diện tích trồng lúa xung quanh những cái ao này cũng "chết" theo. Nguyên nhân là từ khi Dự án động thổ, chẳng hiểu sao hệ thống kênh mương (bằng đất) cũng dần biến mất nên dân chẳng biết lấy gì để tưới tiêu, phục vụ sản xuất. Đã thế, sau khi "trang trại" này xuất hiện thì chuột cũng sinh sôi theo cấp số nhân (do có bờ ao để trú ẩn). "Trước đây, 3 sào ruộng này tôi làm 2 vụ, thu 20 - 25 bao lúa tươi/vụ. Nhưng từ khi xuất hiện Dự án thì 3 sào ruộng này cho chưa được bao lúa. Phần bị chuột phá, phần thì chết úng nên tụi tôi bỏ luôn", vừa nói, ông T.X. vừa chỉ vào đám ruộng um tùm lau lách.

Nông dân ly hương

Thoạt nhìn, hẳn nhiều người sẽ dành lời khen cho khu tái định  cư (TĐC) Gò Tranh, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) vì nó rất bề thế. Nhà cửa, trường học được xây dựng khang trang; 1/2 tuyến đường đi vào khu TĐC đã được bê tông hóa, hệ thống điện cũng vừa được hoàn chỉnh. Nhưng nếu để ý, khách sẽ nhận thấy một điều: Hầu hết nhà ở và trường học ở đây đều đóng kín cửa, vắng người. "Chẳng có ai ở nhà đâu. Họ đi miền Nam làm ăn hết rồi", một cụ già nói to khi thấy khách lạ. "Đi hết xóm thế này ý ạ", tôi hỏi. "3/4", ông già trả lời cụt ngủn, rồi toan bỏ đi. Nhưng khi biết người viết có nhã ý tìm hiểu nguyên nhân của tình trạng này để "báo cáo" cấp trên thì ông niềm nở kể: "Những hộ ở khu TĐC này đều trẻ, nghèo nên phải bươn chải kiếm sống. Và, thoát ly là sự lựa chọn của họ". Im lặng một lúc, ông nói tiếp: "Cũng do ít đất sản xuất quá, chứ có ai muốn bỏ nhà, bỏ con mà đi đâu. Đấy cô xem, trong khi dân không có đất để làm ăn mà người ta lại có đất để bỏ hoang kìa", vừa nói ông vừa chỉ tay ra phía đầm La Băng.

Còn anh N.Đ (chồng chị L.T.N.) ở thôn Tân Phong, xã Phổ Phong (Đức Phổ) thì dù có nhà, nhưng hiếm khi ở vì quanh năm suốt tháng, anh lăn lộn mưu sinh ở các huyện miền núi trong tỉnh hay lên tận Tây Nguyên. "Công nhân làm đường, khai thác keo hay trồng rừng. Việc gì anh cũng không từ. Miễn sao có tiền nuôi con ăn học thôi", chị N. nói mà rơm rớm nước mắt. Theo lời chị N. thì, nhà có 4 sào ruộng nên vợ chồng làm quần quật cũng chỉ đủ ăn. Đã thế từ 3 năm nay, hơn 1 sào ở đồng Tộ không sản xuất được do tình trạng khai thác đất sét kéo dài. Điều này khiến gia đình chị rơi vào cảnh thiếu trước, hụt sau vì sản lượng lúa sụt giảm, thu nhập từ dưa hấu cũng không còn. Thế nên, sau khi bàn bạc, vợ chồng chị N. quyết định: Vợ ở nhà trông nom con cái và canh tác 3 sào ruộng còn lại, chồng thoát ly đi làm thuê nếu không muốn cái nghèo đeo bám.  

Thực tế hiện nay, nhiều lao động nông thôn đang tìm kế mưu sinh ở các tỉnh, thành khác. Thậm chí có nơi, hơn 50% người dân trong độ tuổi lao động ly hương khiến hoạt động sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Tình trạng này có nhiều nguyên nhân nhưng không thể bỏ qua lý do thiếu đất sản xuất nông nghiệp (SXNN). Bởi, đất SXNN của người dân vốn ít, giờ càng teo tóp vì tình trạng cải tạo bừa bãi và không đúng quy trình. Một khi đất hết, người đi, SXNN đình trệ thì an ninh lương thực bị ảnh hưởng là hệ quả tất yếu. Chẳng biết trước khi tiến hành cải tạo, các DN, địa phương trên có biết điều ấy không?


Bài, ảnh: Mỹ Hoa
(Còn nữa)
 


.